Buổi sinh hoạt tài tử đúng nghĩa

17/05/2017 | 08:28 GMT+7

Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp thưởng thức một chương trình đờn ca tài tử đúng nghĩa. Bởi các buổi sinh hoạt ở các câu lạc bộ đờn ca tài tử mà tôi có dự trước đây đa phần là hát vọng cổ !

Các nghệ nhân biểu diễn trong không gian tài tử đúng nghĩa ở sân khấu bên vỉa hè.

Buổi bế giảng lớp bồi dưỡng Nâng cao chất lượng nghệ thuật đờn, ca tài tử năm 2017 mới đây không tổ chức trong hội trường, mà được Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang xây dựng thành một chương trình nghệ thuật với hình thức sinh hoạt ngoài trời. Ông Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng của trường, chia sẻ: “Tôi muốn tạo một không gian sinh hoạt tài tử đúng nghĩa, để sau lớp tập huấn, nhiều buổi sinh hoạt như thế này được tổ chức, để cùng đưa đờn ca tài tử phát triển sâu rộng trong cộng đồng”. Tổ chức buổi sinh hoạt ngoài trời cũng là một cách giới thiệu đờn ca tài tử với mọi người, một cách làm hay rất cần được phát huy, nhất là trong những buổi sinh hoạt ở địa phương, để thu hút sự quan tâm.

Chương trình nghệ thuật mang tên “Tự tình phương Nam”, diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ, với các bài bản tài tử: Lưu thủy trường, phụng cầu hoàng, văn thiên trường, vọng cổ nhịp 16… được thể hiện qua các ngón đờn, lời ca của các nghệ nhân: Năm Tổng, Văn Út, Văn Hoàng, Ánh Hồng, Kim Khéo, Thanh Phong, Tuyết Lan, Ngọc Phượng… Trong không gian ấm cúng, gần gũi, các nghệ nhân ngồi trên chiếc chiếu, giữa có bình trà, vừa hát, vừa giới thiệu với người thưởng thức về ý nghĩa của từng giai điệu, để người chưa biết về tài tử có thể hiểu được. Từ đó, mọi người như được hòa cùng không gian tài tử để thả hồn vào những giai điệu khi trầm buồn, bi ai, lúc vui tươi, hào hứng. Tất cả đều toát lên sự phóng khoáng của người chơi tài tử, gác mọi nỗi muộn phiền trong cuộc sống để sống cùng tiếng đờn, lời ca.

Chương trình nghệ thuật này được các học viên tự tập luyện, dàn dựng. Nghệ nhân Ánh Hồng (Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang), chia sẻ: “Đa phần mọi người đều biết đờn, ca, nên tham gia tập chương trình cũng không mất nhiều thời gian. Điều làm cho những người chơi tài tử như tôi xúc động là được đờn, ca trong không gian dành cho mình, với những tri âm thưởng thức từng lời ca, điệu đờn. Cũng thật hiếm hoi khi phần lớn các nghệ nhân tập hợp lại trong một chương trình…”. Còn hai chị em Nguyễn Thị Như Ý (14 tuổi) và Nguyễn Thanh Tứ (10 tuổi) hí hửng vì được mẹ (bà Trần Thị The, thành viên CLB Đờn ca tài tử thành phố Vị Thanh) cho phép tham dự lớp bồi dưỡng. Hai chị em cho biết, vì học vào ngày thứ bảy và chủ nhật, các em được nghỉ học, nên mới tham gia lớp học này cùng với cô chú lớn tuổi. Các em tiếp thu nhiều kiến thức hay, dù có những điều chưa hiểu thấu đáo, nhưng thấy mình tự tin hơn nhiều, chứ trước giờ chỉ nghe rồi hát lại y chang…

Lớp tập huấn diễn ra 20 ngày, thu hút các nghệ nhân ở các CLB đờn ca tài tử từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, từ người ngoài 80 tuổi đến những em trên dưới 10 tuổi, có cả nghệ nhân đờn và ca. Kiến thức họ thu nạp được là cách thức đờn, ca các bài bản tài tử từ đơn giản đến khó, tùy thuộc vào khả năng của từng người. Ông Phan Nhứt Dũng, giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, đã đánh giá cao sự cố gắng của các nghệ nhân trong quá trình dung nạp thêm những kiến thức mới. Trước giờ đa phần họ đờn ca theo kiểu học lẫn nhau, chứ chưa được qua nhiều trường lớp. Vì thế, sự tích cực của họ trong suốt quá trình học đã tạo thêm nhiều hứng khởi cho những người truyền đạt…

Bế giảng bằng một chương trình nghệ thuật - kết quả của quá trình truyền nghề, sẽ là một kỷ niệm đẹp cho những nghệ nhân tham gia lớp học và giúp cho những người chưa biết nhiều về đờn ca tài tử thấy thế nào là một buổi sinh hoạt đúng nghĩa…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>