Cần tiếp lửa cho đờn ca tài tử

04/09/2017 | 07:03 GMT+7

Hậu Giang hiện có hơn 80 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử với gần 900 thành viên. Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với các tỉnh, thành trong khu vực có loại hình này, Hậu Giang đã có nhiều động thái để giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Một buổi sinh hoạt tài tử đúng nghĩa nhưng rất hiếm hoi…

Loại hình độc đáo đang được lưu truyền

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là loại hình sinh hoạt cộng đồng độc đáo, phóng khoáng, một thú chơi tao nhã của người dân Nam bộ và là món ăn tinh thần không thể thiếu vào những lúc nông nhàn. Chỉ trên một chiếc chiếu, tấm phản, bên ấm trà nóng hay chén rượu cay nồng, cùng với cây đờn ghi-ta phím lõm cùng với vài người biết hát tài tử là có thể tổ chức được một buổi chơi tài tử. Từ đó, loại hình nghệ thuật này sống và được nuôi dưỡng trong lòng dân, trở thành loại hình nghệ thuật mộc mạc, nhưng cũng đầy hào sảng như người dân Nam bộ. Thế nhưng, khi xã hội càng phát triển, kéo theo nhiều luồng văn hóa du nhập ít nhiều ảnh hưởng đến ĐCTT. Ngay cả loại hình nghệ thuật truyền thống ra đời sau như ca cải lương, vọng cổ cũng lấn át và số lượng nghệ nhân am tường ĐCTT ngày một ít dần. Từ đó, việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này là một cách làm kịp thời, mang ý nghĩa lớn, giúp thú chơi tao nhã này tiếp tục tồn tại và tìm kiếm lực lượng kế thừa xứng đáng.

Ở Hậu Giang, số lượng nghệ nhân biết chơi tài tử thực thụ cũng không nhiều, nhưng chính họ luôn là người thắp truyền ngọn lửa bằng tình yêu nghệ thuật hồn hậu, bằng sự đau đáu lo lắng, sợ môn nghệ thuật này mai một, nên đã không ngại truyền dạy, ghi chép các bài bản tài tử. Họ làm công việc này hoàn toàn tự nguyện và mỗi khi có ai muốn học nghề, họ mừng không gì diễn tả được. Nghệ nhân Đoàn Văn Tổng (phường Thuận An, thị xã Long Mỹ), là một trong những người như vậy. Đã hơn 80 tuổi, ông vẫn chạy xe Honda hàng chục cây số để tham gia các buổi ĐCTT. Rồi khi trở về nhà, ông lại cặm cụi ghi chép các cách đờn, ca cùng lời bài hát theo trí nhớ của mình. Ông chia sẻ: “Tôi làm chuyện này mấy chục năm nay rồi. Mình biết rồi, nhưng con cháu sau này làm gì mà biết hết, nên hy vọng để lại chút tài sản nhỏ này thôi”. Cùng với đó, có khá nhiều CLB ở các huyện, thị, thành được thành lập từ chính những người đam mê, họ tự đóng góp, tự tập luyện và tổ chức giao lưu, truyền nghề… Chính nhờ những người như vậy nên loại hình này luôn có sức sống tiềm tàng và tồn tại cùng năm tháng.

Có động thái nhưng chưa đủ…

Từ khi ĐCTT được vinh danh, Hậu Giang đã có nhiều động thái, như khảo sát, thống kê số lượng CLB ĐCTT, số lượng nghệ nhân tham gia, đồng thời tổ chức hội thi, hội diễn cấp tỉnh, cấp huyện, thị, thành và tham gia cấp khu vực. Cùng với đó, ngành văn hóa đã xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, đề ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và phân kỳ thực hiện. Qua gần 2 năm thực hiện đề án, đã có một bước chuyển biến như: xây dựng và nâng cao chất lượng của các CLB ĐCTT ở địa phương, xây dựng CLB đến cấp ấp, khu vực; tổ chức 4 lớp tập huấn về ĐCTT từ sơ cấp đến nâng cao; tổ chức cuộc thi ĐCTT cấp tỉnh 2 năm một lần và các huyện, thị, thành tổ chức hàng năm, nhằm duy trì và phát huy loại hình hành. Mới đây, ngành văn hóa còn rà soát, lập danh sách 20 nghệ nhân có nhiều cống hiến để trình Hội đồng cấp Bộ xét duyệt nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú…

Tuy nhiên, những động thái này xem chừng vẫn chưa thể vực dậy phong trào. Khó khăn lớn nhất chính là kinh phí. Bởi dù đề án được phê duyệt, nhưng không kèm theo kinh phí. Đây chính là điều làm khó những người chịu trách nhiệm thực hiện đề án. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Dù biết kinh phí khó khăn là chung, nhưng không được duyệt kinh phí cùng với duyệt đề án, nên chúng tôi khó có thể thực hiện theo đúng lộ trình. Từ đó, hiệu quả cũng không như mong đợi. Thời gian qua, chúng tôi chỉ đạo nâng cấp các CLB ĐCTT ở địa phương rồi tổ chức vài lớp tập huấn từ kinh phí đào tạo, tổ chức hội thi, hội diễn… Nhiêu đó thôi vẫn chưa thể bảo tồn và phát huy tốt. Muốn vậy, phải biên soạn bộ tài liệu rồi tổ chức nhiều lớp truyền dạy, đặc biệt là đưa kiến thức này vào hệ thống các trường phổ thông. Chúng tôi còn đang vạch ra kế hoạch ít nhất mỗi huyện, thị, thành phải xây dựng ít nhất 1 CLB ĐCTT mẫu, để định hình cách sinh hoạt đúng, từ đó, loại hình này được lưu truyền và giữ gìn hiệu quả hơn. Thế nhưng những điều này vẫn chưa thực hiện được”.

Bảo tồn và phát huy loại hình này đang rất cần được tiếp tục quan tâm, tiếp sức, thắp lửa dưới nhiều hình thức, nhất là dành phần kinh phí nhất định để thực hiện đề án bảo vệ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này. Để từ đó, ngành văn hóa, đơn vị trực tiếp thực hiện, sẽ tiến hành từng phần việc trong đề án một cách chỉn chu. Cùng với đó là việc hỗ trợ, nâng chất các CLB ĐCTT ở cơ sở, bởi hiện tại họ vẫn phải tự góp tiền tạo quỹ để có được những buổi sinh hoạt định kỳ; cần có sự phối kết của ngành giáo dục để từng bước đưa ĐCTT vào học đường; những chính sách đãi ngộ cho những nghệ nhân ĐCTT, tiếp thêm sức mạnh giúp họ có động lực để tiếp truyền ngọn lửa đam mê từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>