Chọn, thiết kế hình ảnh nhận diện Hậu Giang: Khó lắm…

07/08/2020 | 05:09 GMT+7

Ngành chức năng Hậu Giang đã khởi động việc lựa chọn, xây dựng, thiết kế hình ảnh nhận diện Hậu Giang. Với một tỉnh có kha khá đặc trưng, thoạt nhìn vào tưởng dễ chọn được hình ảnh nhận diện ưng ý, nhưng thực tế không phải vậy. Lựa chọn hình ảnh nhận diện cho tỉnh không hề dễ dàng !

Kênh xáng và bờ kè Xà No sẽ là một phương án thiết kế mới cho hình ảnh nhận diện tỉnh Hậu Giang.

Khó vì Hậu Giang quá đa dạng hình ảnh ?

Vừa qua, đơn vị tư vấn và lên ý tưởng xây dựng hình ảnh nhận diện Hậu Giang đưa ra 4 phương án với 5 thiết kế (do phương án 1 có 2 thiết kế). Đặc trưng chợ nổi Ngã Bảy và bảy ngã kênh tại thành phố Ngã Bảy với xuồng ba lá là thiết kế đặt kỳ vọng được chọn. Bên cạnh đó là các thiết kế hình ảnh khác được cách điệu, trang nhã, mang tính chất chuyển động từ mảng xanh đặc trưng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cam sành, bưởi…

Những gì đặc trưng nhất đã được đưa vào ý tưởng phác thảo để cho ra một hình ảnh nhận diện Hậu Giang. Sau khi xem hình ảnh được demo rất chi tiết và cẩn thận từ phía công ty, các sở, ban, ngành và các địa phương đã gợi ý thêm những ý tưởng để đưa vào…

Đại diện huyện Vị Thủy thấy cần thiết có thêm vườn trầu, vì đây là sản phẩm đặc trưng trong định hình sản phẩm du lịch của huyện, cũng như tỉnh; thành phố Vị Thanh cho rằng nên đưa vào bờ kè và kênh xáng Xà No, vì đây là con đường lúa gạo của tiểu vùng Tây Sông Hậu, đóng vai trò kết nối giao thương cả vùng, có bờ kè có thể gọi là “độc quyền” trong vùng và cũng mang những ý nghĩa lịch sử do được đào cả trăm năm nay. Riêng huyện Châu Thành A cũng gợi ý có thể đưa Di tích Lịch sử - Văn hóa Chiến thắng Tầm Vu, lưu giữ những chiến công của ông cha từ thời chống Pháp, là nơi duy nhất của khu 9 xưa lấy được khẩu pháo 105 ly của địch… một số ý kiến khác thấy nên đưa hình ảnh dừa nước tượng trưng cho tinh thần chiến đấu kiên cường người dân đồng bằng; sản vật đặc trưng của Hậu Giang cần có vị trí đẹp hơn trong hình ảnh nhận diện; hình ảnh cô gái mặc áo bà ba, chèo xuồng; cô gái cắt lúa trên đồng; cánh đồng cò bay thẳng cánh… cũng được đề xuất đưa vào thiết kế hình ảnh nhận diện tỉnh.

Qua lần họp đầu tiên, chưa chọn được hình ảnh ưng ý. Rõ ràng, với nhiều đặc trưng, Hậu Giang không dễ để chọn ra một hình ảnh làm đại diện. Tuy nhiên, chọn hình ảnh đại diện của tỉnh là không riêng cho một địa phương nào, mà phải là tổng hòa, được thể hiện đặc sắc nhất, khó hòa lẫn, không rườm rà, dễ dàng nhận diện - ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ.

Tại Hậu Giang là vậy, còn các tỉnh, thành khác việc chọn lựa hình ảnh đại diện ra sao?

Các tỉnh chọn hình ảnh đại diện gì và như thế nào ?

Hiện nay, chưa có nhiều tỉnh, thành dùng cụm từ “hình ảnh nhận diện hoặc nhận dạng”, mà đa phần gọi là “Biểu trưng”, “Biểu tượng”. Riêng tỉnh Bến Tre đã tổ chức thi tuyển và chọn hình ảnh nhận dạng cho ngành du lịch xứ dừa này.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là địa phương có hình ảnh nhận diện mạnh, vì thiết kế dễ liên tưởng đến thực tế và cũng là đặc trưng nổi bật của tỉnh: sen hồng và sếu đầu đỏ, các cánh sen tượng trưng cho thành phố và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Nhìn vào biểu trưng sẽ thấy được hình chim sếu như đang múa và đóa sen đang nở. Không hề cầu kỳ nhưng rất dễ nhận diện.

Gần Hậu Giang nhất là thành phố Cần Thơ. Biểu tượng của thành phố Cần Thơ là hình tròn có nền trắng, bên trong là hình tượng nhà lồng Chợ cổ Cần Thơ nằm bên dòng sông Cửu Long có hình giống như rồng đang bay lên, bên dưới là chữ “Cần Thơ”. Còn Bến Tre hiện biểu trưng cho tỉnh đã là thiết kế lâu nay, hình ảnh người phụ nữ mặc áo bà ba khăn rằn cầm đuốc sáng, dòng sông, thuyền buồm, cuốn sách, phía trên có chữ Bến Tre và dưới là chữ Đồng Khởi, còn vòng tròn bao quanh là hình ảnh cây dừa khắc họa rõ nét. Biểu trưng của Bạc Liêu với hình ảnh trung tâm là nửa cây đàn kìm, cánh chim, bông lúa, sóng nước và dòng chữ Bạc Liêu phía dưới.

Thiết kế biểu trưng của các tỉnh, thành trong những năm gần đây thường là dùng các chữ cái đầu tiên trong tên các tỉnh, thành đó và được thiết kế cách điệu. Tỉnh Sóc Trăng, biểu trưng thể hiện hai chữ “S.T”, gắn kết với nhau tạo thành hình cánh chim bồ câu bay lên, bên vầng trăng đang nhô lên trên dòng sông Hậu - “Sông Trăng”. Hình ảnh mặt trăng còn chuyển tải “Lễ hội cúng trăng và đua ghe ngo”. Biểu tượng tỉnh Vĩnh Long là cánh chim được tạo hình bằng hai chữ “V”, “L”. Phía dưới là hình ảnh khái quát Di tích Văn Thánh Miếu - thông điệp về vùng đất địa linh nhân kiệt. Tiền Giang có biểu trưng cũng là hai chữ “T” và “G” cách điệu với màu xanh nổi bật. Long An cũng sử dụng hai tên đầu của chữ cái “L”, “A” làm biểu trưng, với cách phối màu rực rỡ. Đi xa hơn một chút, biểu trưng Thành phố Hồ Chí Minh có hình ảnh chủ đạo là Bến Nhà Rồng. Khi nhìn vào khung hình, thấy được chuỗi nối tiếp tạo thành hai chữ “SG” viết tắt.

Biểu trưng và hình ảnh nhận diện có phải là một hay không?, điều này chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng theo ý kiến của ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã gọi là hình ảnh nhận diện thì nhìn vào phải biết là Hậu Giang, thiết kế đơn giản, hài hòa và thể hiện tròn đầy những ý tưởng. Với việc xây dựng hình ảnh nhận diện bài bản, kỹ càng lần này, hy vọng sẽ có thành quả xứng đáng, như lời lãnh đạo tỉnh nói: “Nhìn vào phải biết đó là Hậu Giang”.

Logo hiện thời của tỉnh và hình ảnh nhận diện có sử dụng song song sau khi chính thức được chọn ?

 

Logo hiện đang được Hậu Giang sử dụng.

 

- Hậu Giang đang sử dụng logo với tổng thể là vòng tròn khép kín, trung tâm phía trên là cờ đỏ sao vàng, tiếp đến là hình ảnh những tòa nhà cao tầng, nhà máy, hình ảnh bờ kè và kênh xáng Xà No, bên phải hình bông lúa. Logo này rất quen thuộc với nhiều người dân địa phương. Việc sau khi có hình ảnh nhận diện, tỉnh còn sử dụng logo này nữa không?, điều này sẽ được quyết định khi có hình ảnh nhận diện chính thức.

Với những tỉnh, thành khác, để thống nhất thì chỉ sử dụng một logo hoặc biểu trưng, hình ảnh nhận diện đã được thống nhất lựa chọn. Khi hình ảnh đại diện đã có, từng ngành sẽ sử dụng chung nhưng sẽ phối màu khác nhau cho từng lĩnh vực, còn khung và tổng thể hình ảnh vẫn giữ nguyên.

 

 

Có nên chọn sản vật địa phương làm đại diện ?

Điều này nhiều ý kiến cho rằng là nên, nhưng có những ý kiến khác cho rằng không nên. Nên vì đặc sản luôn được nhiều người biết. Không nên vì liệu những nông sản này có trường tồn cùng thời gian hay không? “Hình ảnh đại diện Hậu Giang phải là hình ảnh gắn kết lâu dài với tỉnh, chọn nông sản, sản vật cũng là phù hợp nhưng phải tính toán đường dài…”, ông Nguyễn Hoàng Thoại, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, chia sẻ.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>