Cùng thắp lên niềm đam mê

26/04/2019 | 08:16 GMT+7

Mới đây, Hậu Giang có 10 nghệ nhân đờn ca tài tử được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây là vinh dự không chỉ của cá nhân, mà còn là niềm vui của những người làm nghệ thuật...

Tập huấn đờn ca tài tử là cơ hội để nghệ nhân trau dồi kỹ năng.

Còn hạnh phúc nào bằng…

Gọi điện, gặp gỡ để chúc mừng những nghệ nhân đờn ca tài tử của tỉnh vừa có tên trong danh sách nghệ nhân ưu tú, ai cũng không giấu nổi niềm hạnh phúc, xúc động. Nghệ nhân Hồ Chí Trung, phường IV, thành phố Vị Thanh, hồ hởi: “Vui lắm cháu ơi. Hơn 80 tuổi, dành cả đời theo cách mạng và chơi tài tử. Giờ, được vinh danh chú xúc động lắm. Mấy năm nay, sức khỏe kém, nhưng nhờ tài tử mà tinh thần thấy thoải mái hơn rất nhiều. Vì vậy, hễ khỏe, ai rủ là chú lại vác cây đờn lên vai…”. Có lẽ vì niềm đam mê bền bỉ mà trong suốt những năm qua, đặc biệt là gần 20 năm trở lại đây, khi ông về hưu, ông đã gầy dựng phong trào đờn ca tài tử, tạo sân chơi cho những người có cùng đam mê và xây dựng, giữ gìn câu lạc bộ đờn ca tài tử mang chính tên mình. Nhà ông đã trở thành nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu...

Nghệ nhân Lê Thanh Quý.

Nghe đến danh hiệu nghệ nhân ưu tú đã gọi tên mình, nghệ nhân Lê Thanh Quý (phường Hiệp Thành, Ngã Bảy) cười rất sảng khoái. Đang ở tận Bến Tre để dạy nhạc lễ cho một người bạn, sẵn ở lại vài bữa để giao lưu tài tử với những nghệ nhân ở đó. Với ông, danh hiệu là niềm vui và cũng là động lực để ông tiếp tục phấn đấu, góp chút sức cho môn tài tử. Hay nghệ nhân Kim Khéo, hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, là nghệ nhân nữ duy nhất, trẻ nhất của Hậu Giang được vinh danh đợt này. Chị chia sẻ, hạnh phúc, nhưng gắn kèm với nhiệm vụ khá nặng nề là phải phấn đấu học tập, rèn luyện kỹ năng ca tài tử, khả năng chuyên môn để tiếp tục góp sức phát huy đờn ca tài tử. Trong những năm qua, chị cũng đã tích cực dạy cho mấy đứa cháu của mình và trẻ em nơi mình sinh sống biết hát tài tử. Lớp học này sẽ tiếp tục được chị duy trì để phong trào được lan rộng, càng có nhiều người biết tài tử càng tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để chị bước tiếp theo nghiệp mà mình đã chọn.

Góp sức thắp truyền

Không chỉ những nghệ nhân tiêu biểu được vinh danh, mà hàng trăm nghệ nhân tài tử ở Hậu Giang đều nhận thấy trách nhiệm của một người thắp truyền. Không phải đến bây giờ họ mới nghĩ đến, mà suốt chặng đường theo đuổi niềm đam mê tài tử, họ đã được những người đi trước truyền kiến thức, lửa nghề và họ tiếp tục làm việc này để thế hệ sau họ biết đúng, hát hay, đờn sỏi… Có người tự xây dựng câu lạc bộ đờn ca tài tử, tạo sân chơi cho những người đồng điệu, có người nhín thời gian mở lớp dạy, có người ngoài 80 vẫn cần mẫn đi giao lưu, để gặp gỡ những bạn bè, con cháu để cùng nhau chia sẻ câu chuyện nghề, ngọn lửa đam mê… Dù làm cách nào đi nữa, thì với họ, vẫn thể hiện được một tình yêu lớn, sâu đậm dành cho tài tử và ước muốn ngọn lửa đam mê của mình được tiếp tục thắp lên. Đặc biệt, có nghệ nhân đã chịu khó ghi chép lại những bản đờn, lời ca tài tử để tự mình rèn, đồng thời để cho những ai đam mê có thể nhìn vào đó mà đờn đúng, ca đúng. Nghệ nhân Đoàn Văn Tổng, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, là một người như vậy. Ông nói rằng, những cuốn sách ông viết tất cả các bản đờn trong mấy chục năm qua cứ dày lên theo năm tháng và giờ, ông vẫn tiếp tục làm công việc này để chạy đua với thời gian, bởi tuổi đã ngày một cao…

Nghệ nhân Đoàn Văn Tổng vẫn cần mẫn ghi chép để lại cho thế hệ sau…

Cùng với những tâm huyết truyền nghề của các nghệ nhân, ngành văn hóa cũng đã vào cuộc, bằng nhiều hình thức để giữ gìn và phát huy vốn quý của dân tộc. Đó là việc gầy dựng phong trào đờn ca tài tử, thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử, tổ chức hội thi đờn ca tài tử; tổ chức những lớp tập huấn từ căn bản đến nâng cao để nghệ nhân nắm vững kỹ năng đờn, ca… Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Chúng tôi còn chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng những câu lạc bộ đờn ca tài tử nòng cốt tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, huyện, xã, ít nhất phải có 3 nghệ nhân đờn, 4 nghệ nhân ca. Cùng với đó là việc tổ chức nhiều đợt giao lưu, hội thi, hội diễn để các nghệ nhân được phát huy, là cơ hội để phát hiện và chăm bồi những nhân tố mới…”. Việc giữ gìn và phát huy đờn ca tài tử vẫn đang được Hậu Giang thực hiện, ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu, chất lượng, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật độc đáo của dân tộc; tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để những nghệ nhân tài tử hết lòng, hết sức theo đuổi đam mê, thắp truyền và giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>