Cuộc sống càng nhiều nỗi niềm, càng viết nhiều…

10/11/2017 | 08:36 GMT+7

Chị rất bận rộn, lúc dạy Vị Thanh, khi dạy ở Ngã Bảy, rồi còn những chuyến sinh hoạt, giao lưu, thực tế sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, rồi phải chăm chút cho gia đình nhỏ vừa mới gầy dựng của mình... Người chúng tôi muốn nói đến là chị Huỳnh Hình Kim Ngọc.

Thật khó để gọi chị là nhạc sĩ, tác giả, ca sĩ, người viết văn, thơ, bởi chị ôm đồm rất nhiều và ở thể loại nào, chị cũng để lại một phong cách rất riêng, lúc thiết tha, ngọt ngào, sâu lắng, khi thâm trầm đầy chiêm nghiệm. Chị cười thật tươi chia sẻ về cơ duyên đến với chuyện viết lách, rằng chính tính lãng mạn, hay mơ mộng, nên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị mơ làm nhà văn và tập tành viết lách. Lúc đó, viết theo cảm xúc hồn nhiên, về những gì cảm nhận của tuổi mộng mơ với tâm hồn trong trẻo. Làm liều gửi đăng các đặc san dành cho tuổi học trò, được chọn đăng đã làm chất kích thích giúp chị sáng tác hăng say hơn.

Rồi cũng qua thời mộng mơ, chị học sư phạm, ra trường về dạy tiểu học. Công việc lại cuốn chị với những giờ lên lớp, những đêm soạn giáo án, những lúc đến từng nhà phụ huynh để tìm hiểu về gia cảnh của học sinh mình để có cách hỗ trợ, tiếp sức cho các em đến lớp. Hết lòng vì học sinh, kết quả chị nhận lại chính là tình cảm của những đứa học trò nhỏ. Rồi những cảm xúc lại trở về, chị lại ngồi viết về sự đổi thay của quê hương, về những đứa học trò nghèo khó vẫn cố vươn lên để tìm con chữ…

Vì cần cho công việc dạy học của mình, năm 2005, chị tìm học đàn organ của nhạc sĩ Trần Kiên Nhẫn và được giới thiệu tham gia vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang để phát huy khả năng sáng tạo. Được vào môi trường này, chị được học hỏi từ đồng nghiệp, qua những chuyến đi thực tế sáng tác, mọi người lại phát hiện chị ca vọng cổ rất mùi, nên động viên chị hát nhiều hơn và dạy chị viết những bài vọng cổ. Chị bắt đầu tìm hiểu về các điệu thức, ca từ để viết và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của anh em nghệ sĩ. Chị mạnh dạn viết, các bài ca cổ: “Tiếng gọi của sóng” “Cánh đồng mẹ”, “Cánh én mùa xuân”, “Trăng nguyên tiêu”, “Màu xanh bến hẹn”… lần lượt ra đời, được Huy chương vàng Cuộc thi sáng tác những bài ca cổ do tỉnh Kiên Giang, Trung tâm dã ngoại thanh thiếu niên huyện Cần Giờ phối hợp với Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức…

Trong khoảng thời gian từ năm 2014-2016, là thời điểm chị viết nhiều, ca cổ lẫn những tác phẩm âm nhạc. Có tác phẩm được vào tốp 20 sáng tác hay nhất trong Cuộc thi sáng tác ca khúc đồng bằng sông Cửu Long (“Lính biên phòng”), Cuộc thi sáng tác về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang tổ chức (“Theo bước chân Người ta đi”). Mới đây nhất, chị đạt giải khuyến khích với ca khúc “Gởi anh người lính biển” trong cuộc thi sáng tác ca khúc do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chị thật vui và hạnh phúc vì đã được sống với nghề mình đam mê. Dạy học và sáng tác chẳng thể tách rời khỏi chị, dù cuộc sống có có khăn, dù chuyện riêng, chung có những nỗi niềm khó bày tỏ. Chị nhận thấy, cuộc sống càng bức bách, càng có nhiều nỗi niềm, chị viết nhiều hơn. Những trang viết chính là nơi chị gửi gắm những nỗi niềm, những áp lực cuộc sống, là nơi giúp chị tìm được sự thư thái, tĩnh lặng trong tâm hồn, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và niềm tin để chị bước tiếp.

Giờ, chị đã tìm được hạnh phúc riêng và đang ra sức vun đắp cho gia đình nhỏ của mình. Về dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang được 2 năm nay, dù cực vì phải dành một số ngày trong tuần dạy tại cơ sở 3 của trường ở thị xã Ngã Bảy, nhưng vì niềm đam mê, chị vẫn đi ươm mầm cho những giáo sinh trẻ, tiếp thêm cho họ niềm tin, sức mạnh để tiếp nối công việc ý nghĩa này. Nói về “nghề viết”, chị cũng đang trăn trở để có những tác phẩm có chiều sâu, ghi nhận thành tựu một chặng đường của Hậu Giang sau hành trình 15 năm thành lập với tư cách là người con của Hậu Giang, chứng kiến nhiều thăng trầm của quê hương, xứ sở. 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>