Dấu ấn Hội thi bánh dân gian

20/12/2018 | 07:40 GMT+7

Bằng sự khéo léo và cái tình đặt trọn vẹn trong từng sản phẩm dự thi đã tạo nên những món bánh giòn rụm, thơm lừng để những ai được thưởng thức sẽ nhớ mãi.

Món bánh làm nên từ bàn tay khéo léo của những tấm lòng.

Chị Tạ Thị Ngọc Hương, người dân ở phường VII, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: Đi ngang Khu văn hóa Hồ Sen, thấy thi làm bánh dân gian nên tôi ghé lại xem. Có nhiều món bánh được bà làm cho ăn từ hồi còn rất nhỏ, lâu lắm rồi mới thấy, như bánh lá, bánh mặn…, làm cho tôi thấy nhớ quê làm sao”…

Dấu ấn lần đầu tổ chức

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Ban tổ chức hội thi, cho biết: “Đây là dịp để chúng tôi tìm kiếm và phát huy khả năng làm bánh dân gian của các nghệ nhân, tạo điều kiện để họ gặp gỡ, trao đổi, nâng cao tay nghề. Từ đó, từng bước tạo điều kiện, cơ hội cho họ tiếp cận với những liên hoan ẩm thực mà Hậu Giang sẽ tổ chức hoặc tham gia ở các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực để giới thiệu về ẩm thực Hậu Giang. Khai thác ẩm thực cũng là cách để tạo dấu ấn, níu chân du khách, nằm trong kế hoạch phát triển du lịch Hậu Giang”. Sự đa dạng các món bánh cùng với sự bài trí khéo léo đẹp mắt của các nghệ nhân đã mang lại chất lượng ngoài mong đợi cho hội thi lần đầu tiên tổ chức này.

Những món bánh được các nghệ nhân tham gia tại hội thi rất đa dạng. Ngoài bánh xèo là bắt buộc, 16 đội đến từ 8 huyện, thị, thành trong tỉnh đã chọn những món bánh mà ai nghe qua cũng gợi lên ký ức tuổi thơ về sự mộc mạc, đậm đà hương vị quê nhà: bánh khọt, bánh canh cua đồng, bánh ít trần, bánh mặn, bánh lá, bánh đúc, bánh mặn, bánh chuối, bánh khoai mì, bánh phục linh… Trong thời gian 120 phút, các nghệ nhân đã phải làm 3 món bánh để trưng bày và sau đó là cùng nhau thưởng thức. Mỗi một đơn vị mang đến một chủ đề khác nhau, nhưng tựu trung đều thể hiện chất đơn sơ mà bình dị, gợi nhớ về một miền quê yên bình trong ký ức của mỗi người.

Niềm vui khi được “trình diễn”

Hội thi còn mang ý nghĩa lớn hơn, đó là tạo sân chơi để những nghệ nhân dân gian trình diễn khả năng khéo léo của mình. Những phụ nữ Nam bộ, ai cũng phải biết nấu ăn và làm ít nhất một loại bánh để lớn lên trở thành người đảm đang, chăm chút cho gia đình mình. Nhưng với những nghệ nhân này, làm bánh không chỉ là công việc phải biết, mà còn là niềm đam mê. Vì thế, họ tự tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để có thể chế biến những món ăn vừa ngon miệng, lạ mắt. Bà Phan Thị Thanh Hương, ở ấp 1, xã Long Trị, chia sẻ, đây là nghề được mẹ, bà dạy từ lúc còn nhỏ. Mà bà cũng mê lắm, rồi bà chọn luôn nghề làm kế sinh nhai. Bà thích nhất là bánh xèo, vì nó đơn giản, mộc mạc như chính người dân “chân lấm tay bùn” quê mình. Đây là lần đầu tiên bà thi thố, nên cũng hơi run. Nhưng được gặp nhiều người, thấy người ta làm khéo quá nên tranh thủ thời gian đi xem để mà về làm cho bánh của mình ngon hơn, thơm hơn và giòn hơn.

Thích, mê rồi yêu cái nghề làm bánh lúc nào không hay. Vì thế, những sản phẩm những nghệ nhân làm ra, họ còn đặt vào đó tình yêu và tấm lòng của mình. Đã 70 tuổi, bà Trần Thị Luyến, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, vẫn hăng hái đi thi, bà nói: “Đi để xem người ta làm đẹp hơn để mà học. Tôi mê làm bánh lắm. Mỗi lần làm cũng mệt, nhưng khi nhìn bánh hoàn thành, trong lòng thấy vui lạ. Nhìn con cháu ăn ngon lành, càng thấy hạnh phúc hơn”. Hay chị Huỳnh Thị Mai, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, thì hồ hởi: “Tôi thích nên tìm hiểu. Hễ đi đâu ăn món bánh ngon là cố mà nhớ lấy vị để về học làm theo. Giờ, ai muốn ăn bánh gì là tôi làm giùm, như một thú chơi tao nhã vậy. Có mấy người quen ở nước ngoài nữa, thấy nhớ món quê, mỗi lần về nước gọi là tôi làm cho ăn. Người ta tấm tắc khen ngon là mình hạnh phúc rồi”…

Mỗi nghệ nhân mà tôi gặp, có người làm bánh vì mưu sinh, cũng có người làm vì niềm đam mê, cho gia đình và bạn bè thưởng thức những dịp họp mặt. Dù với lý do gì, để làm được món bánh ngon, kỹ thuật thôi chưa đủ, còn có tình yêu, niềm đam mê. Họ chính là những người giữ gìn nét quê hồn hậu qua ẩm thực… Họ chia sẻ, họ sẽ về, tiếp tục với niềm đam mê của mình, để những món bánh đậm chất quê ấy qua bàn tay cần cù khéo léo của họ, trở nên đẹp hơn, ngon hơn cho mọi người thưởng thức. Cuộc thi đã khép lại, nhưng niềm vui vẫn còn đọng trên ánh mắt...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Sở Công thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội thi bánh dân gian tỉnh Hậu Giang lần thứ I năm 2018, đã thu hút sự tham gia của 48 nghệ nhân đến từ 8 huyện, thị, thành trong tỉnh.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>