Dẹp quảng cáo sai quy định: Vì sao khó ?

06/08/2018 | 07:37 GMT+7

Nếu so với các tỉnh, thành khác trong khu vực, mức độ vi phạm về đặt, treo quảng cáo, rao vặt sai quy định tại Hậu Giang không nhiều bằng. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều đều làm mất đi vẻ mỹ quan đô thị. Dù vậy, việc xử lý không hề đơn giản...

Rao vặt dán ở các cột đèn tín hiệu giao thông ở thành phố Vị Thanh.

Bát nháo quảng cáo

Đi các con đường ở các trung tâm đô thị, như thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy…, sẽ bắt gặp những hình ảnh không đẹp mắt. Các bảng quảng cáo quán ăn, tiệm tạp hóa, cả nấu ăn di động được đặt lộn xộn trên vỉa hè với đủ loại kích cỡ. Khi ngó lên các cột điện, cây xanh, thậm chí trên những bản chỉ dẫn cũng thấy dán các miếng giấy rao vặt, nào là mua bán nền, sửa chữa điện tử, hút hầm cầu, vá bồn, xe ôm… những dòng quảng cáo này thậm chí được phun sơn nhìn cho… chuyên nghiệp. Cộng vào đó là những tờ quảng cáo lớn treo dọc các tuyến đường, có xin phép, có thời gian hẳn hoi, nhưng khi treo có khi gặp gió lại rơi rớt…, nhìn không được nghiêm túc cho lắm.

Từng chuyện xem chừng không lớn, nhưng gộp lại, tạo nên sự hỗn độn, bát nháo thể hiện sự mất ý thức của những người sở hữu các tờ rao vặt, quảng cáo.

Nhiều người đã chia sẻ rằng, khi tìm kiếm để đáp ứng nhu cầu trong đời sống hàng ngày như cho thuê phòng trọ, làm việc nhà, vay vốn, hút hầm cầu… một cách nhanh chóng, chỉ cần chịu khó quan sát trên đường: “Lại mấy cây cột điện, dốc cầu… sẽ thấy hút hầm cầu”…

Hiện nay, công nghệ quảng cáo ngày càng hiện đại, nhưng nó đáp ứng cho nhu cầu của các thương hiệu vừa lớn. Còn quảng cáo rao vặt là nhỏ lẻ, ít vốn, số ít cơ sở sẽ chọn cách quảng cáo trên mạng xã hội, nhưng cũng chưa nhiều, nên sẽ “chịu khó” giới thiệu trên cột điện, bờ tường…

Trước thực trạng đó, việc chấn chỉnh được quan tâm, thế nhưng, thời gian qua ở Hậu Giang, vẫn còn nhiều bất cập trong cách xử lý…

Rối trong xử lý

Ông Nguyễn Văn Mới, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Vị Thanh, cho biết: “Để hạn chế quảng cáo bát nháo, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ngành văn hóa thành phố đang mở đợt ra quân dọn dẹp, tháo bỏ các quảng cáo, rao vặt dán trên các cột điện, cây xanh sai quy định. Mà dọn dẹp bữa trước thì vài bữa sau lại có người đến dán lên tiếp. Chúng tôi cũng đã trực tiếp liên hệ với những số điện thoại ghi trên các tờ quảng cáo, nhưng khi nghe đến việc treo vậy là vi phạm, có người tắt máy, có người nói sẽ tháo gỡ. Tuy nhiên, việc khắc phục rất chậm…”.

Là người trực tiếp tham gia tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động đến người dân, ông Bùi Văn Sách, cán bộ văn hóa phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết, phường cũng đã sử dụng nhiều biện pháp, như cho người dân ký cam kết không dán, đặt để bảng hiệu, quảng cáo dưới lòng, lề đường, treo, phun trên cột, trụ điện, cây cảnh. In tờ rơi phát cho người dân về các quy định xử phạt. Dù vậy, tình trạng này vẫn còn diễn ra.

Trong xử lý cũng gặp khó, nhất là khi phát hiện người treo, dán rao vặt, đa phần đối tượng này là sinh viên, người có thu nhập thấp, nhận làm thêm, không mang theo giấy tờ và tài sản có giá trị, nếu ra quyết định xử phạt, người bị phạt không có điều kiện thi hành. Còn đơn vị thuê lại ở khác địa bàn cũng không thể xử phạt… Một bất cập nữa là nếu ra quyết định xử phạt mà người vi phạm không thi hành, việc lập hội đồng để cưỡng chế có khi tốn gấp mấy lần tiền xử phạt. Vì thế, giải pháp tình thế được các đơn vị thực hiện là phối hợp ra quân nhiều đợt trong năm để tự dọn dẹp trả lại vẻ mỹ quan cho đô thị.

Như lời ông Mới đã chia sẻ ở trên, cứ dọn vài bữa lại thấy họ dán nữa... Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: “Ở Hậu Giang, các doanh nghiệp lớn rất hiếm xảy ra việc đặt để bảng hiệu, quảng cáo sai quy định. Trong năm, thanh tra ngành cũng đã phối hợp với các các ngành khác tổ chức những đợt kiểm tra và xử lý nghiêm, những vi phạm nhỏ về rao vặt quảng cáo, đặt để những bảng quảng cáo nhỏ ở các điểm buôn bán trên các tuyến đường xảy ra nhiều. Cấp xã, phường có thể xử lý, bởi họ sát cơ sở, được giao quyền và là nơi xử lý vấn đề này rốt ráo, hiệu quả nhất”.

Theo các địa phương, đơn vị liên quan, để giải quyết tình trạng trên là tiếp tục tuyên truyền cả chiều rộng, lẫn chiều sâu đến người dân, để nâng cao ý thức của họ. Bên cạnh đó, rất cần có những bảng dành riêng cho quảng cáo, rao vặt trên các tuyến đường để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu đã có nơi cho họ chuyển tải thông tin, thì việc vi phạm phải được các cấp, ngành có liên quan phối hợp, kết hợp chặt để xử lý mạnh tay, không qua loa, như vậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, trả lại vẻ mỹ quan vốn có cho đô thị.

Nghị định số 28/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và quảng cáo, có hiệu lực từ 5-5-2017, quy định người treo, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa trên cột, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Đối với người phát tờ rơi quảng báo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích