Độc đáo cách lợp mái nhà bằng rong biển

11/08/2020 | 09:06 GMT+7

Những ngôi nhà mái lợp bằng hàng tấn rong biển ở đảo Laeso, Đan Mạch được xem là ứng dụng vật liệu xây dựng độc đáo mà con người đã khám phá từ cách đây vài thế kỷ.

Một mái nhà lợp rong biển dày đến 1m và có thể nặng tới 35-40 tấn.   Nguồn: GETTY IMAGES

Dùng rong biển để lợp nhà xuất hiện ở Laeso từ thế kỷ 17. Trước đây, trên đảo có nghề làm muối khá phát triển. Nhiều cây rừng đã bị đốn cho các lò muối mà điều kiện tự nhiên trên đảo khắc nghiệt, phần lớn là địa hình bãi bùn, bờ cát rất khó trồng cây. Do đó, người dân trên đảo cần tìm một loại vật liệu mới để lợp nhà thay thế cho các loại cây trên cạn. Lúc này họ mới chú ý có một loại rong biển (tên là zostera marina hay cỏ lươn) có số lượng dồi dào, mọc nhiều ở đáy bùn, cát ở vùng nước nông ven biển.

Trước đây, đàn ông trên đảo thường lên thuyền ra khơi, phụ nữ ở lại chăm sóc nhà cửa và trồng trọt nên nhóm những thợ lợp nhà có 40-50 người phụ nữ cùng làm việc. Nhóm này vừa thu gom rong biển vào mùa thu và phơi khô trong 6 tháng để loại bỏ vi tảo, giúp chống mục rữa. Để lợp nhà, cỏ lươn được xoắn lại như bện dây thừng và buộc vào xà nhà. Nhiều lớp rong biển tiếp theo chất chồng lên cùng với than bùn. Một mái nhà hoàn chỉnh dày cỡ 1m và nặng tới 35-40 tấn. Những người phụ nữ còn di chuyển trên mái nhà để nén chặt lớp rong biển.

Ngày nay chỉ còn khoảng 36 ngôi nhà lợp rong biển trên đảo. Từ năm 2012, Henning Johansen, một người dân địa phương đã khởi động dự án thay thế các mái nhà cũ bằng các lớp rong biển mới để bảo tồn bằng chứng văn hóa và lịch sử quan trọng của đảo. Đến nay còn lại 10 căn nhà cần thay mái. Khách tham quan đến đảo sẽ được mời xem Johansen thực hiện các công đoạn từ phơi rong biển tới lợp mái.

Cỏ lươn có thể dài đến 2m, mọc nhiều nơi khắp thế giới, nhất là ở Bắc bán cầu. Cỏ lươn không chỉ có khả năng chống cháy, chống mục rữa mà còn hấp thụ khí CO2. Sau 1 năm, mái nhà bằng cỏ lươn còn có thể chống thấm nước, cách nhiệt tốt. Mái nhà có độ bền đến cả trăm năm, căn nhà lợp cỏ lươn lâu năm nhất còn lại trên đảo có tuổi đời đến 300 năm.

THIÊN NGỌC (Theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>