Đội tuyên truyền lưu động ở các địa phương đang bị “già” đi…

13/06/2017 | 08:29 GMT+7

Hội thi các hoạt động tuyên truyền cổ động tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV vừa kết thúc thành công, với chất lượng được nâng lên, phương pháp tuyên truyền đổi mới, tạo hiệu ứng tốt, nhưng cũng còn những băn khoăn đọng lại. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Dương Thanh Tùng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức hội thi, xoay quanh vấn đề này.

Ông nhấn mạnh: “Từ hội thi này, đã giúp lực lượng tuyên truyền các đơn vị có điều kiện nâng cao tay nghề, đáp ứng nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.

Thưa ông, vậy hội thi lần này có sự đổi mới nào ?

- Lần này được tổ chức tinh gọn, tập trung 3 nội dung chính: phóng thanh cổ động, kỹ năng tuyên truyền viên và kịch bản tuyên truyền cổ động. Những năm trước có thêm phần thi: triển lãm, xe thông tin, giới thiệu sách… Sự rút gọn tạo điều kiện để các đơn vị có sự đầu tư sâu. Đặc biệt, trong phần thi kịch bản tuyên truyền cổ động, cũng không gò bó đủ 3 hình thức: tuyên truyền miệng, cổ động, trực quan mà các đơn vị được xây dựng thành một kịch bản xuyên suốt, dưới hình thức sân khấu hóa.

Từ hội thi mới thấy đội tuyên truyền lưu động ở các đơn vị đang bị “già” đi, ngành có giải pháp gì để cải thiện, tiếp tục thổi thêm sức sống mới vào công tác tuyên truyền, thưa ông ?

- Đó là nhược điểm, sự quen thuộc làm cho khán giả nhàm chán. Nhưng ở một góc độ chuyên môn, lại là cũng là ưu điểm, bởi họ rất giỏi thể hiện, nhiều kinh nghiệm trên sân khấu, nên hiệu quả tuyên truyền cao hơn. Hiện nay, mỗi đội chỉ từ 3 đến 5 người. Vì thế, mỗi người phải thạo một việc, biết nhiều việc. Đây cũng là điều kiện đầu vào của những người muốn làm công tác này.

Biên chế thì không thể tăng thêm rồi, vì thế mỗi đội đều tăng cường lực lượng cộng tác viên. Đây là lực lượng trẻ, có nhiều nhân tố mới, vừa tham gia phong trào, vừa là nguồn để ngành phát hiện và chăm bồi. Tăng cường đội ngũ này cũng là cách mà chúng tôi khuyến khích các đơn vị, để làm trẻ hóa, mang đến màu sắc tươi mới cho từng chương trình tuyên truyền, tạo hiệu quả tuyên truyền cao hơn.

Thưa ông, các đội tuyên truyền lưu động ở địa phương không chỉ khó khăn về con người, kinh phí chắc cũng khó ?

- Đúng vậy! Hiện tại, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền ít được đầu tư bổ sung, như xe thông tin, hệ thống âm thanh, nên khi xuống cấp, sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho họ cũng thấp, tối đa 50.000 đồng/người/ngày tập và khoảng 80.000 đồng/người/suất diễn, có đơn vị ít kinh phí, con số này còn thấp hơn. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của họ. Tuy nhiên, tất cả các thành viên trong đội tuyên truyền hiện nay đều làm với tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê, nên với họ, được tuyên truyền là niềm hạnh phúc và họ phải tự bươn chải thêm để cuộc sống ổn định.

Tối hôm qua (12-6), Hội thi các hoạt động tuyên truyền cổ động tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV đã tổng kết và trao giải tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Đến với hội thi năm nay, các đội tuyên truyền đã cố gắng sáng tạo, nâng chất, đưa đến cho khán giả những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền cổ động. Hội thi năm nay bắt đầu từ ngày 31-5 và được tổ chức tại 4 cụm: Châu Thành A, thị xã Long Mỹ, Phụng Hiệp và Vị Thủy.

 

Xin cảm ơn ông !

VĨNH TRÀ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>