Được làm nhạc công là thỏa nguyện

04/08/2017 | 02:46 GMT+7

Đó là câu nói đầy nhiệt huyết của nhạc công Lê Hoàng Chung (ảnh), Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang, khi hỏi về con đường nghệ thuật anh đã đi qua gần 30 năm. Để có được vị trí như hôm nay, anh đã phải nỗ lực học tập rất nhiều.

Thành công từ ngã rẽ bất ngờ

Quê anh ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy. Học hết lớp 11, anh nghỉ, xin vào làm ở Phòng Văn hóa huyện Vị Thanh, dù bị gia đình phản đối vì muốn anh tiếp tục chuyện học. Anh nói từ nhỏ, anh thích học đàn, đánh trống, nên học lóm và biết bập bõm. Anh nghĩ làm trong ngành văn hóa, anh sẽ có điều kiện được học nhiều hơn, để phát huy niềm đam mê của mình. Vậy là nghỉ học. Giờ nhớ lại, dù làm cho gia đình buồn, nhưng anh thấy mình đúng, vì nhờ đó mà anh mới có được ngày hôm nay, dù đã trải qua nhiều khổ luyện. Khởi đầu, anh bắt đầu học từ trống đến đàn guitare, organ, rồi bắt đầu tham gia vào đội thông tin lưu động, đi biểu diễn phục vụ công tác tuyên truyền ở địa phương. Vài năm sau, anh được cơ quan tạo điều kiện đi học sơ cấp âm nhạc. Sau khi học xong, trở về làm chưa lâu, anh lại có cơ duyên mới là được nhận vào làm nhạc công của Đoàn ca múa kịch Cần Thơ vào năm 1994. Sau một thời gian, anh tiếp tục được học trung cấp sáng tác, trung cấp âm nhạc, chuyên về đàn bầu và ngày càng trưởng thành khi được tiếp cận với nhiều chương trình, hội thi, hội diễn chuyên nghiệp…

Khi thành lập tỉnh, đoàn về Hậu Giang và anh cũng đã về nơi này, tiếp tục gắn bó với đoàn cho đến hôm nay. Trong suốt quá trình làm nghệ thuật, anh được trải nghiệm từ phong trào ở cơ sở đến hoạt động chuyên nghiệp, cọ sát nhiều cuộc thi khu vực và toàn quốc. Trực tiếp đờn trong dàn nhạc của đoàn, anh nói nhiều khi cũng tủi thân khi thấy đoạt huy chương, nhưng những người đánh đàn như anh ít được người ta biết đến. Anh tự an ủi mình là dù sao, cũng đã góp sức làm nên thành công cho tiết mục. Anh nói chuyện rất nhẹ nhàng, pha lẫn hài hước, nhưng ẩn sau đó là cả một trái tim nhiệt huyết, yêu nghề và hạnh phúc vì đã theo đuổi được niềm đam mê. Lúc trước, thời gian rảnh, anh còn hòa âm phối khí các tác phẩm cho đoàn biểu diễn, rồi phục vụ cho nhu cầu của các sở, ngành khi xây dựng các tiết mục dự thi. Anh nói: “Làm cũng vui. Nhờ tôi tham gia nhiều năm trong dàn nhạc, nghe nhiều, nên cũng thuận lợi để phối một bài hát. Thế nhưng, giờ thì ít rồi. Công việc nhiều quá, đã chiếm hết thời gian”.

Dìu dắt đàn em, giữ lửa trong gia đình

Dù là trưởng đoàn, nhưng mỗi khi đoàn đi thi, diễn, là anh có mặt trên sân khấu. Anh nói, giờ dàn nhạc dân tộc không còn xôm tụ như ngày xưa, vì người mất, người về nơi khác, nhưng anh vẫn cố gắng duy trì, không đủ thì tùy quy mô từng chương trình mà sử dụng lực lượng cộng tác viên. Với những đồng nghiệp của mình, anh luôn hết lòng, vừa tạo điều kiện để họ phát huy sở trường, sở đoản, thông thoáng về thời gian để họ có thể chạy show kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Anh nói: “Thu nhập của họ không cao, ở Hậu Giang lại ít có đất để làm thêm, nên tôi cũng không quá khó về chuyện này, miễn sao vào những đợt tập chương trình họ phải có mặt đầy đủ và tập dợt nghiêm túc, chất lượng”. Anh còn quan tâm chăm bồi thế hệ kế thừa. Những ai có năng khiếu, được phát hiện qua các hội thi, hội diễn là anh quan tâm, tạo điều kiện cho họ làm cộng tác viên cho đoàn. Nếu niềm đam mê lớn dần, sẽ được chọn vào đoàn để tiếp tục phát huy. Có lẽ chính vì điều này mà anh em rất quý mến một người luôn sống hết mình, hết lòng với mọi người như anh. Mọi người còn quý anh ở sự nghiêm túc trong nghề nghiệp, luôn muốn mọi việc hoàn thiện ở mức độ tốt nhất có thể.

Chia sẻ về công việc, anh hồ hởi bao nhiêu, thì khi nói về gia đình nhỏ của mình, mắt anh ánh lên niềm tự hào, hạnh phúc. Thời anh mới vào đoàn, chị làm kế toán. Thường xuyên tiếp xúc, anh chị tìm được sự đồng cảm và tình yêu được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc, trong sự sẻ chia, thông cảm và niềm hạnh phúc càng nhân lên khi họ cùng về chung một mái nhà. Hai đứa con lần lượt ra đời làm cho mái ấm ấy thêm rộn niềm vui. Dù việc bận rộn, nhưng hễ xong là anh tất bật về nhà, bởi anh là người đàn ông của gia đình, hết lòng xây dựng mái ấm. Anh chia sẻ: Công việc đã mệt mỏi lắm rồi, gia đình là nơi mỗi người tìm về để được yêu thương, che chở, để được bình yên. Vì thế anh luôn có ý thức giữ gìn, vun đắp để sau một ngày làm việc, nụ cười luôn nở trên môi khi trở về nơi bình yên này. Hai cậu con trai của anh ngoan ngoãn, học giỏi. Dù không thích nghệ thuật, nhưng điều này không làm anh buồn, mà anh luôn tạo điều kiện để các con phát triển tốt nhất, được làm điều mình thích và công việc mình đam mê…

***

Nhìn lại quãng thời gian qua, anh thấy hài lòng vì mình đã có được mọi thứ: niềm đam mê được phát huy, hạnh phúc gia đình được vun đắp vững bền. Với người nghệ sĩ, vậy là trọn vẹn…

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>