Được sống với nghề đã là hạnh phúc

07/04/2017 | 08:02 GMT+7

Anh là Trần Thanh Dũng, nhạc công của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang.

Gọi anh là nghệ nhân cũng đúng, nhạc sĩ hòa âm phối khí cũng đúng. Với anh, được đàn, được đứng sau lưng để chắp cánh cho những bản nhạc bay cao là hạnh phúc.

Nghệ nhân Thanh Dũng bên cây đàn kìm.

Thích được gọi mình là nghệ nhân

Hẹn gặp anh khá dễ dàng, anh nói cứ đến nhà, lúc nào anh cũng ở nhà. Vậy mà 9 giờ sáng ghé, anh vẫn chưa thức… Anh cười lý giải: “Hồi tối phải phối một bài, thức khuya quá, nên ngủ quên…”. Anh đã vào ngay câu chuyện đến với nghệ thuật của mình từ những bài phối mới nhất của mình. Ở Hậu Giang, anh là một trong số rất ít những người hòa âm phối khí tạo hiệu ứng tốt. Đó là cái duyên và anh phát huy nét duyên ấy để cùng góp phần đưa những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ bay cao, bay xa hơn. Anh chia sẻ: “Phối hay cũng là cái duyên. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình hay, mà chỉ nghĩ đơn giản người ta đã mang đứa con tinh thần đến cho mình, phải làm sao khoác lên cho nó một bộ áo mới vừa vặn, phù hợp”. Ví von nghe dễ hiểu, nhưng để phối được một bài quả không phải dễ. Phải có kiến thức về âm nhạc, nghe nhiều và đặc biệt là phải hiểu, đồng cảm cùng nhạc sĩ. Tất cả những điều này không hẳn do tài năng thiên bẩm, mà cần phải trau dồi hàng ngày. Anh còn nghe rất nhiều bản phối từ trong nước đến nước ngoài, nhất là các xu hướng âm nhạc mới để xem mình có học được gì không để chọn lọc…

Anh rất thích được gọi là nghệ nhân, vì nó nghe gần gũi và mộc mạc. Mà cũng đúng, nói đến nghệ nhân đờn ở Hậu Giang, khó có thể bỏ qua cái tên Thanh Dũng. Anh còn được mời đàn trong chương trình giới thiệu đờn ca tài tử trên sóng VTV9. Thanh Dũng còn có một lợi thế là anh biết đàn rất nhiều nhạc cụ, từ violon, tranh, kìm, guitare phím lõm, sến đến guitare, guitare bass, organ… Anh nói, gốc của anh là đờn ca tài tử.

Đời nghệ sĩ…

Năm 1986, anh theo Đoàn cải lương Sông Hậu 2 đi khắp nơi biểu diễn phục vụ khán giả. Đây là khoảng thời gian anh lăn lộn với cuộc sống và cũng tự trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn lẫn cuộc sống. Rồi năm 1993, muốn tìm cho mình một nơi ít xê dịch hơn, anh về công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Thể thao huyện Phụng Hiệp và gắn bó ở đây hơn 10 năm, trước khi về làm nhạc công cho Đoàn ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang khoảng 4 năm nay. Anh nói, ở đâu anh cũng chưa thấy bằng lòng với công việc, với chính mình, nên làm một thời gian, lại thấy mình cần thay đổi. Có lẽ vì thế mà anh có dịp học được rất nhiều từ công việc lẫn cuộc sống…

Đời nghệ sĩ luôn gánh nặng cơm, áo, gạo tiền. Anh cũng không ngoại lệ. Tự thân lập nghiệp, gầy dựng gia đình, hiện anh cùng vợ và đứa con gái đang học cấp 2 sống trong căn nhà nhỏ ở khu đất cấp cho cán bộ ở thị xã Ngã Bảy. Anh nói, khu này chưa hóa giá, nên vẫn xem như đang ở tạm. Vợ anh buôn bán nhỏ tại nhà, còn anh thì đi suốt, thu nhập cũng không cao nên cuộc sống phải tằn tiện và khá chật vật. Thế nhưng với anh, có mái ấm để về sau những giờ mệt nhoài là hạnh phúc. Được chăm sóc cho vợ con, nhìn con trưởng thành hàng ngày, học giỏi, chăm ngoan là động lực giúp anh nỗ lực hơn trong nghề nghiệp cũng như tìm cách kiếm thêm thu nhập để cho gia đình đủ đầy hơn. Có lẽ vì thế mà anh mày mò nghiên cứu hòa âm, phối khí, không chỉ phục vụ cho công tác chuyên môn, mà nó còn là cần câu để anh kiếm sống. Anh dành dụm và dành một khoảng không gian nhỏ để làm phòng thu và làm nơi làm việc ngoài giờ của mình, có khi miệt mài cả đêm. Phòng thu cũng ít khách, chủ yếu là những người quen cần làm nhạc để dự thi hay những nhạc sĩ có bài mới cần phối. Thu nhập từ phòng thu không nhiều, nhưng nó giúp anh rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong công việc chuyên môn.

Dù đứng sau mỗi tác phẩm âm nhạc, nhưng anh thấy hạnh phúc và ví mình như sợi dây diều, có anh, cánh diều ấy sẽ được tiếp thêm một chút gió… Giờ, anh có một ước mơ, với mọi người đơn giản, nhưng với nghệ sĩ như anh là cả một vấn đề, đó là sắm chiếc máy tính mới, cấu hình mạnh hơn; đó là sửa sang phòng thu để bớt nóng nực. Anh nói, chắc thời gian tới anh cố gắng “cày” nhiều hơn để thực hiện được điều này. Với lại, con càng lớn, nhu cầu học tập cũng tăng theo, nên phải dành dụm để lo cho con… Một ước mơ rất đời, rất nghệ sĩ.

Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ nhân tài tử ở tỉnh Sóc Trăng. Từ nhỏ, tiếng đờn, lời ca đã ru giấc và thấm vào hồn anh lúc nào không biết. Được ba, là nghệ nhân Trần Hà Thủy, truyền nghề, rồi do năng khiếu, thích khám phá, sáng tạo, anh mày mò học nhiều nhạc cụ và vạch cho mình một hướng đi riêng. Anh luôn xác định theo nghệ thuật là cái duyên nhưng cũng là cái nghiệp, dù cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, nhiều lúc không như mình mong muốn…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>