Duyên và nghiệp với múa

17/03/2017 | 09:23 GMT+7

Biên đạo múa Huỳnh Bích Hạnh về Hậu Giang trong những ngày đầu thành lập tỉnh với nhiều khó khăn, gian nan gầy dựng và đến giờ, chị thấy hài lòng với công việc của mình, cũng như hạnh phúc gia đình...

Hành trình gầy dựng phong trào

Gia đình nhỏ hạnh phúc của biên đạo múa Huỳnh Bích Hạnh.

Chị quê ở Cần Thơ, từ nhỏ đã được sống trong không khí gia đình đầm ấm, có nhiều người theo nghệ thuật, nên chị cũng được thừa hưởng tố chất. Múa là nghề chị chọn và được sự ủng hộ của gia đình, chị tham gia vào Đội văn nghệ của Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Cần Thơ từ những năm 1978. Rồi chị dần trưởng thành, ngày càng đam mê, quyết tâm theo nghiệp múa, dù biết rằng để theo nghệ thuật không hề dễ dàng chút nào, nhất là với nữ, tuổi nghề của một diễn viên múa không dài, nên chị nghĩ xa hơn là học biên đạo, với kiến thức chuyên môn đủ để có thể trụ được lâu dài với nghề. Lúc đầu là diễn viên, dần có nhiều trải nghiệm thực tế rồi được đào tạo bài bản, chị trở thành biên đạo, bắt đầu gắn bó phong trào ở Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ. Năm 2004, chị về Hậu Giang bắt đầu hành trình gian nan tìm kiếm và lại gầy dựng đội ngũ mới, bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh.

Chị chia sẻ câu chuyện những ngày đầu về Hậu Giang, khiến tôi hiểu rằng phải có niềm đam mê mãnh liệt, mới có thể trụ được ở đây cho đến bây giờ. Chị nói: “Tôi phải tìm lực lượng thông qua các cuộc thi ở các trường, rồi những ai yêu thích múa, gom về Trung tâm Văn hóa tỉnh tập luyện, dạy các em từng động tác bài bản. Mang tiếng là dạy, nhưng chỉ đóng học phí vài tháng rồi các em theo sinh hoạt CLB luôn, có em vẫn theo đến giờ và khi có chương trình là tập hợp lại”. Lớp này trưởng thành rồi đến lớp khác, vì thế lực lượng múa ở đây luôn có sự kế thừa, đảm đương tương đối các chương trình nghệ thuật diễn ra trên địa bàn, đặc biệt là các chương trình nghệ thuật quần chúng tham gia các hội diễn khu vực, toàn quốc. Sau này, có một số nơi xây dựng phong trào múa tốt như thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, nên khi cần tập hợp, tận dụng lực lượng đã dễ dàng hơn, chị cũng được san sẻ những vất vả.

Vun bồi hạnh phúc gia đình nhỏ

Nhắc đến gia đình nhỏ của mình, ánh mắt chị rạng ngời hạnh phúc: “Mình có hai nhóc, một trai, một gái, vậy còn gì hơn. Ông xã cũng là người cùng nghề, trước ở Đoàn ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang, giờ về dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ”. Hỏi chuyện về cơ duyên kết nối chị với ông xã, chị cười, bảo hai đứa học cùng trường, đi múa chung, đồng cảm rồi được vun đắp và về dưới mái nhà chung. Chính vì cùng làm nghệ thuật nên hiểu và thông cảm công việc của nhau, chứ làm nghề này, mà nửa kia không chia sẻ thì rất khó trụ được với nghề. Hai đứa con chị cũng có khiếu nghệ thuật, nhưng chị nói làm nghệ thuật vất vả quá, nếu con quá đam mê và có cái duyên thì sẽ theo. Còn ước muốn của chị là con tìm một nghề nhàn hơn cha mẹ nó. Nói vậy chứ phải là cái duyên và cả nghiệp nữa. Như chị, từng học thợ bạc, tưởng sẽ theo nghề, nhưng rồi cuối cùng lại gắn bó với múa và theo đuổi, dù cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, thử thách…

Thế nhưng, nếu ai có dịp dõi theo cuộc sống của chị, quả là không hề dễ dàng như những câu chia sẻ gọn gàng với gương mặt rạng rỡ. Trước đây, khi con còn nhỏ, chị ẵm luôn con ra sân tập, rồi các đồng nghiệp ai rảnh thì giữ giùm để chị có thể hoàn tất cả tiết mục múa, nhất là chương trình nghệ thuật đêm giao thừa. Khi chương trình kết thúc, cũng là lúc đứa con đã ngủ trên tay đồng nghiệp, anh chị lại ẵm con lên xe, tất tả chạy về Cần Thơ hưởng giao thừa muộn cùng gia đình… Ở Cần Thơ, anh chị vẫn ở nhà thuê. Sáng chị xuống làm, chiều lại tất tả chạy về Cần Thơ để chăm sóc các con. Có lúc, anh đi học ở Hà Nội suốt mấy năm, vậy là sáng đưa hai con đi học, xong lại chạy xuống Hậu Giang, chiều lại về. Công việc ấy quá vất vả, với những người nam sức dài vai rộng có khi không làm nổi, nhưng với chị, vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình, vẫn chăm chút cho gia đình nhỏ một cách trọn vẹn.

***

Câu chuyện về chị càng làm tôi thấm thía câu nói “vì cái duyên, cái nghiệp” của chị. Bởi nếu không có duyên, chị đã rẽ sang hướng khác, nếu không vì nghiệp, chắc chị sẽ không vượt qua được những khó khăn và thử thách để trụ được với nghề cho đến hôm nay…

Biên đạo múa Huỳnh Bích Hạnh sinh năm 1974, hiện là Phân hội trưởng Phân hội Múa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, Trưởng phòng Nghệ thuật Quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh. Chị dàn dựng nhiều tiết mục múa ở Hậu Giang trong suốt 10 năm qua và có nhiều tiết mục tham gia các liên hoan văn nghệ quần chúng khu vực, toàn quốc, đạt huy chương vàng, bạc, đồng…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>