Gần trọn đời dành cho âm nhạc

10/04/2020 | 09:07 GMT+7

Biết nhạc sĩ Trần Vũ Hưng khá lâu, trong vai trò nhạc công của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Châu Thành, nhưng tôi ngạc nhiên khi mấy năm nay, lại thấy ông sáng tác và bắt đầu gặt hái thành công bằng những giải thưởng.

Nhạc sĩ Trần Vũ Hưng.

“Nhạc sĩ trẻ…”

Gọi ông là nhạc sĩ trẻ, bởi ông mới là thành viên Phân hội Âm nhạc mấy năm nay. Ông cũng ngại khi được gọi nhạc sĩ và ông chịu nhận mình chỉ là người viết nhạc, ghi lại những cảm xúc mà ông bắt gặp trong cuộc sống, khó lý giải bằng lời… Quê ông ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, nhưng lớn lên, gia đình chuyển về quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ) sống đến bây giờ. Kể về cơ duyên đến với âm nhạc, ông chia sẻ, có lẽ ông được thừa hưởng trọn vẹn từ người cha là nghệ nhân chơi đàn Violon. Những nốt nhạc đầu tiên cũng là cha ông truyền dạy. Rồi lớn lên, ông thích trống nên đi học. Đánh trống giỏi, ông bắt đầu khám phá các nhạc cụ khác như guitar, organ... Mỗi loại nhạc cụ đều mang lại cho ông sự đam mê khác nhau.

Năm 1987, để có được một công việc ổn định, lại phát huy đam mê âm nhạc, ông xin vào làm nhạc công tại Trung tâm Văn hóa huyện Châu Thành (khi chưa tách tỉnh). Sau khi chia tách huyện, ông về Trung tâm VH, TT-TT huyện Châu Thành cho đến ngày nghỉ hưu. Chuyên tân nhạc, nhưng để đáp ứng nhu cầu của đơn vị trong quá trình phục vụ, cũng như nhu cầu của người ca khi ông đi đờn thêm ở các nhà hàng, đám tiệc, ông tập đờn cổ nhạc trên đàn organ. Ông nói lúc đầu cũng khó, nhưng tập riết, đờn cũng được… Suốt mấy chục năm làm trong ngành văn hóa, ông có nhiều chuyến đi đáng nhớ, phục vụ người dân nông thôn trên thuyền văn hóa, có chuyến hơn 10 ngày mới về nhà. Đó là những lần đi giúp ông có thêm nhiều trải nghiệm, tập tành viết những ca khúc về quê hương, viết cho chính mình, tự nghiền ngẫm về cuộc sống, về tình yêu, về những người thân xung quanh mình và viết phục vụ nhiệm vụ tại địa phương, trong các đợt ra quân tuyên truyền, hội thi, hội diễn.

Duyên với những sáng tác về Bác kính yêu

Mấy năm gần đây, khi tham gia vào Hội Văn học Nghệ thuật, ông được tạo điều kiện đi thực tế sáng tác, gặp gỡ những nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh, ông viết đều tay hơn, cảm xúc hơn. Khi Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc, tạo điều kiện để hội viên giao lưu, học hỏi, ông mạnh dạn thử sức gởi tham dự ca khúc “Nhớ Bác”, một ca khúc được ông viết với tất cả lòng thành kính về Người. Ca khúc đã đạt giải nhất. Sau đó, ông gởi ca khúc “Mãi nhớ ơn Người” tham gia Cuộc thi Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào năm 2017, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức và đạt luôn giải ba. Giải thưởng đã mấy năm, nhưng đến giờ, ông vẫn còn nguyên xúc động: “Khi viết về Bác, tôi trăn trở nhiều lắm. Bởi có quá nhiều nhạc sĩ viết, toàn những bài hay. Cuối cùng, tôi chọn viết theo những cảm xúc của mình, trên nền của quê hương đang đổi mới và phát triển từng ngày. Tôi hoàn toàn bất ngờ với hai giải thưởng này. Tôi nhận ra và thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn, để viết tiếp những ca khúc mới bằng tất cả cảm xúc, tình cảm và trải nghiệm”.

Ngoài 60 tuổi, nhạc sĩ mới bắt đầu con đường sáng tác chuyên nghiệp. Ông đã được tạo nhiều điều kiện, có nhiều thời gian hơn và đặc biệt là những trải nghiệm cuộc sống cũng dày dặn, đủ đầy nuôi nấng cho những cảm xúc. Dù cuộc sống hiện tại vẫn còn gánh nặng cơm, áo, gạo tiền, phải làm thêm để nuôi đứa con trai duy nhất còn đi học, nhưng ông hoàn toàn mãn nguyện với con đường mình đã chọn và trải qua.. Ông nói vui, đời nghệ sĩ, lúc nào mà chẳng nghèo, nhưng niềm vui vì sống được với đam mê, vì có được vợ, con ủng hộ, tiếp sức là ông đã mãn nguyện. Giờ, ông tiếp tục hành trình… chạy show để trang trải cuộc sống, để tiếp sức cho những chuyến đi tìm những cảm hứng mới…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích