Gia đình văn hóa, tài tử hội ngộ

02/07/2018 | 07:23 GMT+7

Hội thi Gia đình với văn hóa giao thông tỉnh Hậu Giang năm 2018 kết thúc cuối tuần qua, đã để lại những dư âm đẹp.

Hội thi kết nối những thế hệ trong gia đình.

Gặp gỡ, khoe tài

Nhiều người làm văn hóa chia sẻ, từ hội thi này, là cơ hội nghĩ đến những định hướng mới mẻ hơn trong công tác tuyên truyền. Tại hội thi năm nay, có đến gần nửa số đội dự thi là những gia đình tài tử nhiều thế hệ. Lý giải về sự trùng hợp này, nhiều đơn vị cho biết, chọn gia đình văn hóa ở địa phương đủ 3 thế hệ dự thi đã khó, để họ có thể diễn tiểu phẩm lại càng khó hơn. Thế nhưng, may mắn là ở Hậu Giang có khá nhiều gia đình tài tử nhiều thế hệ cũng là gia đình văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu. Những gia đình này cũng đã tham gia và đạt giải cao cấp huyện. Ưu điểm của họ chính là quen sân khấu, có thể lĩnh hội và diễn tiểu phẩm bên cạnh việc học những câu hỏi tình huống - điều ai cũng có thể làm được. Vì thế, những gia đình này luôn có ưu thế và tạo nhiều thiện cảm, có nét duyên riêng khi tham gia cuộc thi.

Từ đó, vô tình những gia đình tài tử lại được gặp nhau ở một sân chơi mới và nhiều ý nghĩa này. Ông Nguyễn Văn Lẽo, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, chia sẻ, từng tham gia chơi tài tử ở địa phương, đi thi, ông mừng vì gặp được những người cùng có nhiều đam mê, như gia đình tài tử Đặng Hồng Mau, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, có con trai và đứa cháu nội hát, diễn rất hay. Còn gia đình của anh Nguyễn Văn Phải, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, vợ chồng đều tham gia đờn ca tài tử ở địa phương. Hay gia đình chị Trần Thị The, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, có cha và hai đứa con chỉ hơn 10 tuổi Nguyễn Thanh Tứ, Nguyễn Như Ý nhưng hát rất ngọt ngào, truyền cảm, hứa hẹn là những nghệ nhân tài tử lớp kế thừa xứng đáng…

Các gia đình cho hay, vừa được tham gia cuộc thi để nâng cao kiến thức gia đình với văn hóa giao thông, vừa được hội ngộ những người có cùng niềm đam mê là điểm nhấn của cuộc thi và chắc rằng những cuộc gặp gỡ, giao lưu về đờn ca tài tử sẽ còn tiếp nối sau cuộc thi này…

Một cách gắn kết, xây dựng gia đình hạnh phúc

Với những kiến thức xoay quanh chủ đề gia đình với văn hóa giao thông, các đơn vị đã xây dựng những chương trình ấn tượng, bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ phần thi “Tự giới thiệu” đến “Trả lời câu hỏi” và đặc biệt là phần thi “Tiểu phẩm”.  Anh Nguyễn Thanh Long, đội của thành phố Vị Thanh, bộc bạch, vợ và con lên sân khấu nhiều, nhưng với anh, đây là lần đầu tiên anh lên sân khấu. Ở nhà cũng học bài dữ lắm, nhưng lên đây run quá quên hết, may là mấy đứa nhỏ thuộc. Qua cuộc thi, anh thấy mình học được rất nhiều, có thêm nhiều kiến thức để cùng góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Mỗi người tham gia cuộc thi đều mang tâm thế tự tin, mỗi gia đình đến đây đại diện cho một màu sắc, khía cạnh của gia đình, nhưng điểm chung đều là những gia đình văn hóa có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Trong câu chuyện, từng tiểu phẩm họ diễn, đã khẳng định giữ được một nếp nhà đã khó, để cho mái ấm ấy luôn rộn tiếng cười lại càng khó hơn. Nhất là trong xã hội hiện đại với sự xâm nhập của nhiều luồng văn hóa làm cho giá trị văn hóa trong mỗi gia đình ít nhiều ảnh hưởng. Đã ngoài 70 tuổi, bà Trần Thị Lộc, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cũng lên sân khấu cùng các con. Không phải để thi thố hay giành giải, bà quan niệm rằng được tham gia sẽ giúp bà học thêm nhiều kinh nghiệm, có thêm nhiều kiến thức để răn dạy con cháu phải giữ lấy nếp nhà, dù xã hội có tiến bộ, dù những đứa trẻ hiện đại có rời xa vòng tay gia đình đến  đâu, vẫn hiểu rằng nơi đây vẫn là nơi ấm áp nhất để trở về…

Bà Lộc cũng mong muốn những cuộc thi như thế này nên được tổ chức thường xuyên, vì đó là cơ hội để những người cao tuổi như bà thêm yêu cuộc sống, để những đứa cháu của bà thêm dạn dĩ, thêm kỹ năng sống và có lẽ, ước mong này chắc không riêng gì của bà Lộc.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>