Giữ hồn quê qua từng chiếc bánh

12/07/2019 | 06:43 GMT+7

Nghệ nhân Phạm Văn Phúc, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, nổi tiếng với nghề làm bánh, được mời đến nhiều nơi để biểu diễn. Trò chuyện với anh để biết cái duyên gắn với nghề đa phần dành cho phụ nữ này...

Anh Phúc (giữa) giới thiệu các món bánh dân gian.

Cách đây không lâu, trong lần Hậu Giang tổ chức Giải Mekong delta marathon tỉnh Hậu Giang năm 2019, tôi gặp anh tươi cười giới thiệu mấy món bánh dân gian, mới làm còn nóng hổi, để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Gian hàng bài trí đẹp mắt với đa dạng các loại bánh, như bánh bèo, bánh chuối, bánh ướt ngọt, bánh bò, bánh da lợn, bánh ít trần, bánh lá mít… Sự xởi lởi của ông chủ vui tính đã thu hút nhiều người ghé lại gian hàng này. Rồi cũng nếm thử các loại bánh và chợt lắng lòng nhớ lại món bánh rất dân dã, từ lâu đời đã đi vào tuổi thơ của mỗi người… Mới đây, tôi lại gặp anh ở Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, do Hậu Giang vừa tổ chức tại Đài PT&TH tỉnh Hậu Giang, anh nói, được góp phần giới thiệu những món ngon với những người làm du lịch ở nhiều nơi đến với tỉnh nhà, anh hãnh diện lắm và đã chuẩn bị từ hôm trước thật kỹ càng để các món bánh thật ngon, đẹp mắt…

Trong lúc vắng người đến tham quan và thưởng thức, anh đã chia sẻ câu chuyện về cơ duyên đến với nghề làm bánh dân gian của mình. Anh cười tươi: “Từ nhỏ, tôi thấy bà nội, bà ngoại làm bánh rất ngon. Mỗi lần về quê là được ăn. Rồi cứ lẽo đẽo theo miết để nói bà chỉ cho cách làm. Lúc đầu, bà chỉ cười vì nghĩ mình làm ngon, cháu nó nói cho mình làm nữa. Nhưng thấy tôi cứ đòi chỉ hoài, bà đã bắt đầu cho tham gia mỗi lần bà làm bánh. Như mở cờ trong bụng, tôi chú ý từng chi tiết và tập tành làm theo. Những cái bánh đơn giản mà bà đã gửi gắm vào đó nhiều tình cảm nồng đượm. Nhìn các cháu ăn ngon lành, bà cười hiền lành, nụ cười ấy làm tôi nhớ mãi…”.

Mỗi ngày một ít, anh dần học được tất cả các loại bánh. Không chỉ vậy, anh còn học bà nấu những món ăn ngon. Thế nhưng, không hề nghĩ sau này mình sẽ sống bằng nghề này… Tốt nghiệp cấp III, anh chọn ngành sư phạm và học xong, về dạy tại Trường THCS thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A). Nghề nấu ăn, làm bánh bắt đầu được anh thể hiện qua những buổi tiệc, thi nấu ăn, làm bánh ở trường. Dần dần, nhiều người biết đến đôi bàn tay khéo léo ấy nên các hội thi làm bánh, nấu ăn, anh đều đại diện trường, huyện nhà đi thi. Nhưng với anh, đó cũng chỉ là làm để thỏa đam mê và xem như đây là cái nghiệp mà mình đeo mang.

Anh nói, mỗi lần đi thi, anh rất vui, vì gặp được nhiều người, nếm thử họ nấu để so lại xem mình còn thiếu cái gì, bài trí cách nào cho đẹp để mỗi món mình làm ra không chỉ ngon mà còn hấp dẫn. Thấm thoát, anh đã gắn bó với nghề làm bánh, nấu ăn mấy chục năm. Hơn 10 năm nay, thấy nghề chính của mình khó lòng lo cho gia đình cuộc sống sung túc, anh mạnh dạn mở dịch vụ nấu ăn và bắt đầu có được chỗ đứng khi luôn có đơn đặt tiệc, không chỉ ở Châu Thành A mà còn ở các huyện, thị xã lân cận. Anh chia sẻ, thấy làm ăn được, vợ anh, là giáo viên mầm non, đã nghỉ dạy để ở nhà quán xuyến. Còn anh vẫn bám nghề và xem dịch vụ nấu ăn lưu động như nghề tay trái. Nhưng từ nguồn thu nhập này, cuộc sống anh dần ổn định.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh nói chắc mở rộng dịch vụ nấu ăn của mình thành quán ăn sân vườn, vì đất của gia đình còn rộng. Nhưng chưa phải bây giờ. Bởi, anh vẫn muốn gắn bó với nghề giáo viên. Nếu mở rộng, có lẽ sẽ phải nghỉ dạy.

Còn cái nghề làm bánh của mình, anh nói anh đã được cả bà nội và bà ngoại truyền hết những bí quyết làm bánh ngon. Mấy chục năm nay, anh luôn tâm niệm sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy những món bánh dân dã, nhưng đậm đà hương vị quê mình, nên luôn học hỏi để rút ra cách làm bánh ngon nhất. Giữ hồn quê qua từng chiếc bánh là cách để anh nhớ về những người bà của mình và muốn mọi người cảm nhận được tình cảm anh đặt trọn vào những chiếc bánh dung dị mà gợi nhớ bao kỷ niệm.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>