Hạnh phúc vì sống được với đam mê

27/10/2017 | 08:08 GMT+7

Anh Nguyễn Thanh Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Vị Thủy, hội viên Phân hội Múa (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang), đã chia sẻ về con đường theo nghệ thuật của mình: “Cái tính mình khoái được đứng trên sân khấu, làm gì cũng được” và anh phải cố gắng tôi rèn rất nhiều cho đam mê này !

Đam mê với nghệ thuật, nên anh Nguyễn Thanh Đẳng sẵn sàng sống trọn vẹn với nó…

Quê anh ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Từ nhỏ, anh rất thích được xem các nghệ sĩ múa, hát trên sân khấu. Thời đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng ít, nên hễ có dịp xem phim, xem các đội thông tin lưu động biểu diễn là anh phải đi cho bằng được. Thấy những diễn viên, ca sĩ đứng trên sân khấu, anh thầm mong ước khi lớn lên mình cũng được như vậy. Rồi năm tháng dần trôi, khoảng năm 1989, anh tốt nghiệp THPT nhưng cũng chưa chọn cho mình con đường nghệ thuật để theo đuổi, mà làm bảo vệ ở một số cơ quan ở huyện Vị Thanh lúc đó. Đến năm 1995, anh về Trung tâm Văn hóa huyện Vị Thanh, bắt đầu hành trình theo đuổi nghệ thuật của mình. Lúc này, kiếm diễn viên nam múa trong đội thông tin lưu động rất khó. Mọi người hỏi anh có muốn thử, vậy là gật đầu liền. Sau đó, anh được tạo điều kiện đi học lớp sơ cấp múa 6 tháng ở Cần Thơ, dần hình thành trong anh những kiến thức, động tác ban đầu của môn nghệ thuật khổ luyện này.

Càng tập, anh càng thấy thích và dần dần đam mê lúc nào chẳng hay. Anh cũng bắt đầu dàn dựng những tác phẩm múa không chỉ biểu diễn phục vụ mà còn tham gia các hội thi, hội diễn. Lúc đầu nhiều va vấp, kinh nghiệm tích lũy dần, anh ngày càng trưởng thành và tay nghề cũng được nâng lên. Trong suốt quá trình ấy, những khi có các lớp tập huấn về múa, anh được tạo điều kiện tham dự, được tiếp cận với nhiều biên đạo múa nổi tiếng, được tiếp thu những tinh hoa, sáng tạo của môn nghệ thuật này, cộng với thực tiễn làm phong trào đã hình thành trong anh nét riêng. Năm 1999, anh tiếp tục đi học lớp trung cấp biên đạo múa. Anh trưởng thành hơn rất nhiều và trở thành một trong những biên đạo múa có nghề, dàn dựng nhiều tác phẩm dự hội thi, hội diễn cấp tỉnh của ngành văn hóa và các ngành khác trong tỉnh… Đây cũng là thời gian chia tách huyện Vị Thủy, anh về đây và bắt đầu gầy dựng lại phong trào. Từ đó đến giờ, huyện Vị Thủy trở thành đơn vị  nằm trong tốp đầu trong các hội thi, hội diễn. Anh nhớ lại, đơn vị nào khó khăn trong việc tìm diễn viên, chứ ở Vị Thủy lúc nào cũng dồi dào. Để có được điều này, anh luôn tìm kiếm và phát huy những em có năng khiếu trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, rồi rèn luyện. Anh Đẳng chia sẻ: “Tìm nguồn không khó. Cái khó là cần có sự miệt mài, chịu khó rèn luyện cho các em nhỏ dần trưởng thành. Nguồn từ trong hệ thống nhà trường nhiều, nhưng không ổn định. Vì thế, phải tìm kiếm và đào tạo suốt, để tốp này ra trường là có tốp khác kế thừa”. Nói chỉ vài câu, nhưng để làm được không hề dễ, đòi hỏi phải có sự kiên trì, đặc biệt là nhiệt tình, tâm huyết và đầy đam mê. Bởi việc này rất cực, tốn nhiều thời gian và công sức. Thế nhưng với anh, niềm đam mê đã giúp anh vượt qua tất cả để xây dựng phong trào văn nghệ ở địa phương mình ổn định, phát triển.

Với nghệ sĩ, được làm nghề mình yêu thích, được những người thân đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ là hạnh phúc. Khi nhắc về gia đình, ánh mắt anh long lanh và nụ cười rạng ngời hơn. Bởi anh rất hạnh phúc vì sống được với đam mê. Anh còn hạnh phúc hơn khi có người vợ hiểu và chia sẻ cùng anh những buồn vui trong cuộc sống, trong nghề, có hai con ngoan ngoãn, học giỏi. Chị ở nhà còn cùng anh gầy dựng một tiệm bán phụ kiện, trang phục sân khấu, để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ngoài công việc ở cơ quan, tranh thủ nhận thêm show dàn dựng, biên đạo để kiếm thêm thu nhập. Tất cả cùng vun vén để mái ấm thêm rộn tiếng cười, tiếp thêm cho anh sức mạnh và niềm tin để anh theo đuổi con đường mình đã chọn…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>