Hoạt động sân khấu ngày một đa dạng

06/10/2017 | 08:28 GMT+7

Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam, những người làm sân khấu ở Hậu Giang lại có dịp gặp gỡ để trao đổi chuyện đời, chuyện nghề, để nhìn lại bức tranh sân khấu của tỉnh, đánh giá lại những việc làm được, chưa được để cùng phấn đấu !

Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh xây dựng những chương trình nghệ thuật chất lượng để phục vụ nhân dân.

Tri ân Tổ nghiệp

Thường lệ hàng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh tổ chức ngày lễ long trọng, mời khá đông các nghệ nhân, nghệ sĩ về dự nhân ngày Sân khấu Việt Nam. Cùng với đó, tùy theo điều kiện của từng đơn vị, các trung tâm VH, TT-TT huyện, thị, thành phố cũng tổ chức họp mặt các nghệ nhân, nghệ sĩ, tác giả. Những câu lạc bộ đờn ca tài tử cũng nhân dịp này tổ chức sinh hoạt hay cả những nghệ sĩ, nghệ nhân nếu có thờ Tổ nghiệp cũng tổ chức tại gia đình mình trong không khí ấm cúng… Nghệ nhân Đoàn Văn Tổng, ở thị xã Long Mỹ, đã 82 tuổi, nhưng lần họp mặt nào cũng gặp ông. Ông nói, dự để gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, dự để thấy mình còn khỏe, còn đóng góp được. Không chỉ vậy, ông còn tổ chức ngày giỗ tổ ở nhà, để tri ân Tổ nghiệp, là nơi để những người đam mê tài tử từng được ông truyền nghề tìm về, là nơi để những tâm hồn đồng điệu cùng hòa những khúc nhạc du dương, trầm bổng…

Nghệ nhân Kim Khéo (Trung tâm Văn hóa tỉnh) năm nay dự ngày kỷ niệm này trong tâm trạng hạnh phúc xen chút lo lắng, bởi chị vừa có tên trong danh sách xét duyệt nghệ nhân ưu tú mà tỉnh vừa thông qua để trình lên cấp xét duyệt cao hơn. Chị chia sẻ, đây là vinh dự lớn, làm động lực để chị tiếp tục học tập, rèn luyện để cống hiến cho tỉnh nhiều hơn nữa.

Giống như nghệ nhân Kim Khéo, câu chuyện về cuộc đời nghệ sĩ, về những dự định mới, về niềm vui, nỗi buồn trong công việc cứ thế được họ chia sẻ. Để theo được nghề, họ đã trải qua nhiều khó khăn, có người đã quyết định bỏ nghề, như nghệ nhân Hoàng Tân (Trung tâm VH, TT-TT thị xã Ngã Bảy), nhưng hễ nghe tiếng đờn, thấy ánh đèn sân khấu mở lên là anh nôn nao khó tả. Rồi anh kiếm công việc làm ở gần Trung tâm VH, TT-TT thị xã để đỡ nhớ nghề và dù có xuôi ngược thì đời nghệ sĩ cuối cùng cũng phải trở lại vì duyên - nghiệp đã trót đeo mang. Hoàng Tân nói, anh cũng không lý giải được, nhưng chỉ biết khi đứng trên sân khấu, anh mới là chính mình, thấy hạnh phúc, dù sau đó, cuộc sống đời thường vẫn phải vất vả mưu sinh để tìm kế sinh nhai.

Phát triển để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền

Hiện tại, những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu ở Hậu Giang từ tỉnh đến cơ sở khoảng hơn 1.200 người, gồm nghệ sĩ, nghệ nhân, lực lượng sáng tác, dàn dựng… Đối với những người chuyên nghiệp là đội ngũ tác giả, nhạc sĩ, nghệ sĩ ở các phân hội: sân khấu, múa, âm nhạc. Với những người sáng tác, họ luôn được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, tham gia các trại sáng tác toàn quốc, khu vực, trong tỉnh, để trang bị cho mình kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó, họ đã có những tác phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, mà còn nâng tầm nghệ thuật, chinh phục các cuộc thi sáng tác từ địa phương tới toàn quốc.

Lực lượng làm nghệ thuật chuyên nghiệp ở tỉnh còn phải kể đến Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang. Hàng năm, Đoàn xây dựng một chương trình nghệ thuật có chủ đề, mang tính nghệ thuật cao, với kinh phí đầu tư trên 300 triệu đồng để vừa tôi rèn, nâng cao trình độ chuyên môn, vừa đáp ứng yêu cầu cho những chương trình nghệ thuật do tỉnh tổ chức và các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân. Những năm gần đây, đoàn còn đặc biệt quan tâm đến mảng sân khấu, dàn dựng những tiểu phẩm, chập cải lương để làm phong phú, đa dạng cho các chương trình nghệ thuật, tạo sự tương đồng trong cơ cấu một chương trình nghệ thuật. Ông Lê Hoàng Chung, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng lực lượng của đoàn vẫn luôn trau dồi, nỗi lực để cống hiến hết mình, mang đến cho người xem những tiết mục hay.

Cùng với lực lượng chuyên nghiệp, đội ngũ làm phong trào ở cơ sở cũng đang ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được công việc tuyên truyền ở địa phương. Đội ngũ chủ lực là các đội tuyên truyền lưu động ở các trung tâm VH, TT-TT huyện, thị, thành phố. Họ không chỉ chủ động xây dựng những chương trình, kịch bản để tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, mà còn tham gia các hội thi tuyên truyền lưu động hàng năm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức. Với yêu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân, đòi hỏi họ phải luôn học tập, trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn để được những sản phẩm nghệ thuật hay phục vụ.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng chất hoạt động chuyên nghiệp, đẩy mạnh hoạt động ở các trung tâm VH, TT-TT, nâng chất hệ thống các câu lạc bộ, đặc biệt là câu lạc bộ đờn ca tài tử để tạo hoạt động sôi nổi, đa dạng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>