Khắc phục khó khăn, tạo điểm nhấn trong xây dựng đời sống văn hóa

18/10/2017 | 10:40 GMT+7

Sau Hội nghị giao ban cụm khu vực Đông, Tây Nam bộ, do Ban chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tổ chức tại tỉnh Tiền Giang, đã có nhiều vấn đề khó khăn được bàn thảo. Trở về từ hội nghị, bà Nguyễn Thị Lý (ảnh), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, đã có chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang.

Thưa bà, những vấn đề khó khăn được đặt ra tại hội nghị là gì ?

- Khó khăn chủ yếu là các địa phương đều chưa có cán bộ chuyên trách tuyên truyền cho phong trào. Ban chỉ đạo phong trào các cấp đều là kiêm nhiệm nên chưa dành hết tâm huyết cho phần việc được phân công thêm này. Bên cạnh đó, một thực tế là phong trào ở cơ sở hoạt động khá tốt, còn ở các sở, ban, ngành lại không bằng và có phần xem nhẹ việc này.

Hậu Giang có gặp những khó khăn như thế không, thưa bà ?

- Đương nhiên, Hậu Giang cũng đang vướng phải những vấn đề này. Tỉnh còn khó khăn nhiều nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ít. Toàn tỉnh có hơn 50% nhà văn hóa ấp, khu vực xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp và đang mượn đất của dân cũng đã hết hạn, một số hộ dân đã lấy đất lại. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có đầu tư. Dù khó, nhưng Hậu Giang vẫn có lộ trình đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa và đang tập trung cho những xã nông thôn mới. Các địa phương vẫn đang cố gắng khắc phục khó khăn, nâng cấp, sửa chữa các nhà văn hóa đã xuống cấp theo khả năng để bảm bảo hoạt động tại nơi này.

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về những điểm nhấn trong phong trào TDĐKXDĐSVH ở cơ sở ?

- Chúng tôi luôn cố gắng tạo những sân chơi rộng rãi để người dân cùng tham gia. Tất cả đều nhằm vào mục đích nâng cao đời sống tinh thần của người dân lên một bước. Đó là việc tổ chức Cuộc thi “Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”; xây dựng mô hình tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu… Bên cạnh đó, các mô hình câu lạc bộ cũng được chú trọng. Giờ đã có sự lan tỏa và nâng cao ý thức tự giác của người dân. Các phong trào này đã trở nên quen thuộc, phát động là người dân hưởng ứng, không cần phải cực khổ đi hướng dẫn, cùng làm với dân như những năm đầu tổ chức. Đây là điều những người làm phong trào như chúng tôi vô cùng hạnh phúc…

Vậy trong thời gian tới, Hậu Giang có những giải pháp gì để tiếp tục duy trì, nâng chất phong trào, thưa bà ?

- Bên cạnh việc tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, các ngành, các cấp, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền vận động người dân, nhân rộng những mô hình văn hóa điển hình để tiếp tục tạo sức lan tỏa. Việc kiểm tra, giám sát các địa phương nâng chất các danh hiệu văn hóa cũng sẽ được tiến hành thường xuyên, với phương châm xây dựng con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”…

Hậu Giang hiện có trên 94% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 22 xã đạt danh hiệu văn hóa nông thôn mới, 12 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 59 tổ, liên tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu… 

 

 

Xin cảm ơn bà !

VĨNH TRÀ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>