Khi thơ - nhạc giao hòa

02/03/2018 | 09:51 GMT+7

Gần 15 năm thành lập tỉnh, ngoài những sáng tác của riêng mình, các nhạc sĩ Hậu Giang đã chắp thêm đôi cánh cho hàng trăm bài thơ, tạo nên một nét đẹp giao hòa, đầy cảm xúc.

Nhạc sĩ Trần Kiên Nhẫn bên sản phẩm nhạc phổ thơ.

Dấu ấn của những ca khúc phổ thơ

Từ bao đời nay, thơ và nhạc luôn có mối giao hòa khó có thể tách rời. Thơ chính là chất xúc tác để những nhạc sĩ thăng hoa và nhạc đã tiếp tục chấp cánh cho những vần thơ bay cao, bay xa… Mỗi khi một tác phẩm được phổ nhạc, không chỉ là niềm hạnh phúc của nhạc sĩ, mà cả nhà thơ được chọn cũng lâng lâng khó tả và ngược lại. Nhà thơ Sao Mai chia sẻ, cảm giác lạ lắm, khi đứa con tinh thần của mình được nhạc sĩ cảm và nâng cảm xúc lên để những vần thơ ấy bay cao, bay xa, đến gần với rất đông những người yêu nhạc. Sắp tới, chị cũng sẽ tiếp tục chọn những tác phẩm tâm đắc của mình để gửi cho các nhạc sĩ quen đọc, xem nếu được thì sẽ sáng tác. Nhà thơ từng có khá nhiều tác phẩm được phổ nhạc như: “Khoảng trống”, “Gởi anh người lính trẻ”, “Cảm xúc mưa”, “Như cánh bằng lăng”, “Tự hỏi”, “Xuân ước vọng”, “Mùa hoa cho em”…

Cùng với chị, các nhà thơ khác như: Thanh Huyền (“Trưa vàng”, “Về Hậu Giang”, “Màu xoan tím tháng tư”, “Tình biển”…), Tuyết Băng (Nhớ người một cõi đi về, “Gởi anh người lính biển”, “Trường Sa tôi yêu”), Bảo Bình (Trầm tích), Huỳnh Thị Nguyệt (Hương tràm nhớ Bác), Đặng Hiếu (“Duyên dáng Xà No”), Lê Hồng (“Khúc tưởng niệm ngày về”) … Đây đều là những ca khúc được biểu diễn khá nhiều trên sân khấu của Hậu Giang trong những hội thi, hội diễn, trong những chương trình nghệ thuật… Bài thơ đã hay, đong đầy cảm xúc, cộng với cảm xúc của nhạc sĩ, nên càng như cánh diều no gió, chuyển tải được cái hồn của bài thơ và sự đồng điệu của nhà thơ - nhạc sĩ… Một bức tranh đẹp với mối giao hòa đó đã được cất lên, ngọt ngào, sâu lắng làm đắm say lòng người.

Đưa thơ đến gần công chúng

Là một nhạc sĩ rất có duyên phổ thơ, nhạc sĩ Trần Kiên Nhẫn, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, trong cuộc đời sáng tác của mình, ông phổ nhạc hơn 20 bài thơ. Mỗi bài thơ đều để lại cho ông một cảm xúc rất riêng. Có khi, đọc được tứ thơ hay, là phải bỏ thời gian nghiền ngẫm để thấm hết cái hay, nhiều lúc phải trao đổi với tác giả để hiểu đúng thâm ý của nhà thơ, có thể sửa một ít từ để cùng nâng tác phẩm ấy lên. Ông làm việc này với tâm thế đầy hứng khởi. Mới đây, ông vừa ra mắt đĩa nhạc phổ thơ, như một món quà dành tặng các đồng nghiệp nhân Ngày thơ Việt Nam năm nay.

Nhạc sĩ hiếm khi trau chuốt được từng câu, chữ, nhưng thi sĩ lại khác, từng câu chữ đều đẹp và có ẩn ý. Nhưng một bài thơ dù có tính nhạc đến đâu cũng chẳng thể thổi vào đó những giai điệu bổng trầm nếu không được nhạc chắp cánh. Nhạc sĩ Huỳnh Hình Kim Ngọc lại đặt cảm xúc của mình vào những nhà thơ nữ. Chị chia sẻ, có lẽ cùng là phụ nữ nên dễ cảm hơn. Chị đã phổ được một số bài của nhà thơ Tuyết Băng, sắp tới và hiện tại, có một bài thơ mang đậm chất tài tử của nhà thơ Trúc Linh Lan, chị đang nghiên cứu để phổ tiếp. Còn nhạc sĩ Sơn Hà, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc thì lại kỹ càng hơn, rất khó để chọn được một bài thơ ưng ý. Thế nhưng một khi họ đã cảm thì bằng mọi giá đặt để cảm xúc, giai điệu sao cho nâng tầm tác phẩm lên. Có lẽ chính điều này mà khán giả luôn tìm được sự đồng cảm và hào hứng khi nghe những bài nhạc được phổ thơ.

Nhiều nhạc sĩ chia sẻ, phổ thơ không hề dễ. Bởi việc đi tìm sự đồng điệu đã khó, phải có lương duyên lại càng khó hơn. Thế nhưng, khi đã đạt đủ cảm xúc, họ sẽ viết bằng tất cả tấm lòng của mình và nói hộ luôn những ẩn ý của nhà thơ bằng những cung bậc trầm, bổng. Trong những năm gần đây, để tạo điều kiện cho thơ nhạc cùng cất cánh, Phân hội Âm nhạc đã mời những nhà thơ tham dự các buổi sinh hoạt âm nhạc nhiều hơn để mọi người cùng chia sẻ và tạo điều kiện để các tác giả giao lưu, trao đổi và đọc tác phẩm của các nhà thơ, tìm hứng khởi để cùng chắp cánh cho những tác phẩm bay cao. Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: “Đây là cách làm hay và tôi sẽ sát cánh cùng hai phân hội để tiếp tục làm tốt việc này, cũng là cách để đưa tác phẩm thơ đến gần hơn với công chúng qua âm nhạc, đặc biệt là trong năm nay, năm chuẩn bị cho nhiều sự kiện lớn diễn ra vào đầu năm sau”.

Để thơ - nhạc cùng cất cánh

Trong những năm gần đây, để tạo điều kiện cho thơ nhạc cùng cất cánh, Phân hội Âm nhạc đã mời những nhà thơ tham dự các buổi sinh hoạt âm nhạc nhiều hơn để mọi người cùng chia sẻ và tạo điều kiện để các tác giả giao lưu, trao đổi và đọc tác phẩm của các nhà thơ, tìm hứng khởi để cùng chắp cánh cho những tác phẩm bay cao.

 

Rất nhiều bài hát nổi tiếng được phổ nhạc từ thơ

Có lẽ chưa có thống kê chính thức về số lượng những bài thơ được phổ nhạc, nhưng ai cũng phải công nhận là những bài nhạc từ thơ luôn có những dấu ấn rất riêng, những bài hát này cũng được đánh giá đậm tính nghệ thuật. Những bài hát nổi tiếng được phổ từ thơ có thể kể đến như: “Đồng chí” (thơ Chính Hữu); “Thuyền và biển” (thơ Xuân Quỳnh); “Mùa xuân nho nhỏ” (thơ Nguyễn Thanh Hải); “Em đi chùa Hương” (thơ Nguyễn Nhược Pháp); “Thơ tình cuối mùa thu” (thơ Xuân Quỳnh); “Anh còn nợ em” (thơ Phan Thanh Tài)… Đặc biệt, “Màu tím hoa sim” (thơ Hữu Loan), được phổ khoảng 10 bài nhạc, mỗi bài đều hay. Nhân dịp Nguyên tiêu năm nay, xin nói đến điều này để thấy được vai trò không nhỏ của thơ với nhạc.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>