Kiểm tra, giám sát - Động lực để nâng chất danh hiệu văn hóa

11/09/2017 | 09:37 GMT+7

Kiểm tra, giám sát sẽ đồng hành cùng các địa phương trong quá trình xây dựng và gìn giữ nâng chất danh hiệu văn hóa.

Uốn nắn, nhìn lại kết quả

Mỗi năm, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh luôn có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc xây dựng, nâng chất các danh hiệu văn hóa, để uốn nắn kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng, nâng chất từng danh hiệu có thời gian để nhìn lại hành trình đã, đang và sẽ bước tiếp của mình. Năm nay cũng không ngoại lệ.

Từ kiểm tra, giám sát, danh hiệu văn hóa ở các địa phương được giữ vững.

Vừa qua, đoàn đã kiểm tra việc nâng chất của một số địa phương của huyện Châu Thành A, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị, văn hóa nông thôn mới trong năm nay… Ông Huỳnh Ngọc Trương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Khi chúng tôi tập trung xây dựng đơn vị nào đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới hay văn minh đô thị, lúc tiến độ khoảng hơn 50% là chúng tôi mời Ban chỉ đạo tỉnh xuống để kiểm tra, đánh giá và đưa ra nhiều ý kiến sát thực. Từ đó, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện có định hướng và sẽ hiệu quả hơn, đáp ứng sát với từng nội dung, tiêu chí của danh hiệu đồng thời giúp địa phương nhìn lại mình một cách thực tế nhất để có hướng điều chỉnh, nhằm từng bước đưa danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào thực chất”.

Những chuyến khảo sát, kiểm tra cũng là dịp từng thành viên đi sâu vào từng mô hình mà địa phương đang xây dựng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, về những điều mà địa phương phát động họ thực hiện thời gian qua có sát với thực tế. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, họ có gặp khó khăn, trở ngại gì và hiện tại họ cần gì để có thể cùng góp công, góp sức vào phong trào ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Nhỏ, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ, gia đình bà cũng chí thú làm ăn, nhưng nghèo vẫn nghèo. Mấy năm nay, nhờ địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi và cất nhà, cộng với động viên, theo sát của địa phương, gia đình bà dần đủ ăn. Giờ đây, đã cất được ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà lá lụp xụp và quyết tâm năm nay sẽ thoát nghèo. Bà cùng gia đình quyết tâm sẽ không chỉ ổn định cuộc sống mà còn xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa, từng thành viên của gia đình ý thức hơn đến môi trường xung quanh, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Phát huy nét đẹp cộng đồng

Từ việc quan tâm, giám sát địa phương đến việc chia sẻ với người dân, tìm hiểu và biết được những điều họ đang gặp khó để tháo gỡ, đã phát hiện được nhiều gương mặt điển hình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, góp phần khơi dậy sự sáng tạo và phát huy nét đẹp cộng đồng trong mỗi hộ dân, dần nâng chất lên thành những mô hình điển hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh phát triển một cách đồng bộ, chất lượng và có những điểm nhấn trong từng giai đoạn.

Những mô hình tiêu biểu đã khẳng định điều này, như mô hình khu văn hóa gia đình, hộ gia đình có cảnh quan đẹp, tuyến đường đẹp, tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu… Các mô hình kể trên đều xuất phát từ những chuyến khảo sát, kiểm tra và phát hiện những cá nhân, tập thể điển hình, từ đó có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương, người dân xây dựng mô hình ngày một tròn hơn, phát động những hộ liền kề, xây dựng mô hình điển hình để nhân rộng.

Hơn 5 năm nay, Hậu Giang không đặt nặng chỉ tiêu cho từng huyện, thị, thành phố mỗi năm phải xây dựng bao nhiêu địa phương đạt danh hiệu văn hóa nông thôn mới hay văn minh đô thị, mà chỉ tập trung nâng chất. Việc xây dựng danh hiệu tùy tình hình thực tế, do các địa phương chủ động đăng ký và Ban chỉ đạo sẽ hỗ trợ khi họ yêu cầu, nhằm tạo sự thống nhất đồng bộ, nâng chất toàn diện, tạo sự thoải mái, tránh áp lực cho các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, chia sẻ, việc để các đơn vị tự nguyện đăng ký nâng chất, xây dựng các danh hiệu văn hóa đạt chuẩn như hiện nay đã tạo điều kiện và sự chủ động cho địa phương. Tuy nhiên, vấn đề là một số địa phương lại bằng lòng với danh hiệu văn hóa và tập trung giữ, ít tạo đột phá hay chọn nơi còn nhiều khó khăn để nâng chất đạt danh hiệu văn minh đô thị hay văn hóa nông thôn mới”.

Cũng theo bà Lý, đã đến lúc phải nghĩ đến cách khác, có thể là đến một giai đoạn nào đó bắt buộc các địa phương phải nâng chất đồng bộ, nếu không đạt phải bắt đầu lại, để có sự phấn đấu đồng đều, toàn diện, tiếp tục tạo sự lan tỏa cho phong trào cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc nâng chất từng địa phương…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>