Làm sao phát huy công năng thiết chế văn hóa ?

04/12/2017 | 07:32 GMT+7

Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở lâu nay vẫn được nhắc đến với nhiều hạn chế, rất cần những hướng mở để cải thiện công năng hoạt động.

Nhà văn hóa ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, vừa được xây dựng xong và đưa vào sử dụng…

Buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh tổ chức cuối tuần qua đã ghi nhận được những nguyên nhân và giải pháp thiết thực. 

Chủ yếu là mở cửa hội họp…

Ông Nguyễn Văn Túc, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ một thực trạng ở địa phương là cán bộ chuyên trách, không chuyên trách khối văn hóa - xã hội cần có nhiều kỹ năng, kiến thức ở lĩnh vực pháp luật, quản lý nhà nước, văn hóa, xã hội, tổ chức thực hiện công việc cộng đồng, vừa phải có năng khiếu văn nghệ, tâm lý… phù hợp với nhiều nhóm dân cư ở địa phương. Tuy nhiên, đa phần cán bộ ở địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu này. Họ cũng chưa được hưởng chính sách ưu đãi, trong khi đó khối lượng công việc khá nhiều. Đó là chưa kể đến việc khi đào tạo xong, cán bộ này lại nhận nhiệm vụ khác. Điều này làm cho việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động ở các nhà văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết công năng. Đây cũng là thực trạng đang xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đội ngũ làm cán bộ văn hóa ở cơ sở ở nhiều địa phương, chứ không riêng gì ở xã Phụng Hiệp.

Ở xã đã vậy, xuống tới ấp còn nhiều hạn chế hơn. Những nhà văn hóa cũ, xuống cấp với diện tích dưới 50m2 không tổ chức được hoạt động, đóng cửa thường xuyên đã đành, các nhà văn hóa - khu thể thao mới xây, đầu tư trên dưới 1 tỉ đồng, cũng chịu cảnh vắng vẻ tương tự. Chủ yếu cũng là mở cửa để giải quyết các vấn đề hòa giải, hội họp. Những người giữ chìa khóa thường là trưởng ấp, bí thư chi bộ, phụ nữ ấp. Nhiều người chia sẻ, khi có việc, họ đến mở cửa, chứ nếu mở cửa thường xuyên cũng không có việc gì để làm. Rồi vì cuộc sống gia đình, nên họ vẫn phải “chân trong, chân ngoài” tìm kế sinh nhai… Đó cũng là những lý do được cán bộ ở cơ sở lý giải cho việc ít tổ chức hoạt động ở các nhà văn hóa, thể thao ấp, khu vực cho đến nhà văn hóa xã.

Khó là vậy, nhưng cũng phải công nhận là những năm gần đây, nhờ xây dựng xã nông thôn mới, các thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, ấp dần được hoàn thiện. Tỉnh có 59/76 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao, trong đó có 24 đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (diện tích từ 2.000m2 trở lên với đầy đủ các phòng chức năng, sân bãi tập thể thao…); 486/530 ấp, khu vực có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó 121 nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn.

Cần xây dựng quy chế, mô hình mẫu

Lâu nay, tình trạng nhà văn hóa, thể thao ở cơ sở ít hoạt động, thậm chí không hoạt động vẫn xảy ra nhiều. Nơi đây dùng cho việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân, là nơi để thanh niên chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe, nhưng qua thời gian, dần biến thành nơi làm việc của ấp, khu vực. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trước khi tổ chức tọa đàm, tôi đã trực tiếp đi khảo sát ở những nơi nhà văn hóa xuống cấp nhất cả những nơi mới xây dựng để xem vì sao mà họ không tổ chức hoạt động. Qua đó, thấy ở cơ sở đã thật sự khó khăn. Những khó khăn này tôi đã ghi nhận, cùng với những ý kiến sát thực tại buổi tọa đàm, sẽ phân công cơ quan thường trực tổng hợp để đề xuất hướng giải quyết. Cố gắng khi đã có nơi chốn khang trang, công năng hoạt động cũng cần được khai thác đa dạng, phù hợp với đặc điểm ở từng địa bàn, như vậy mới tránh gây ra tình trạng lãng phí”.

Việc tổ chức hoạt động ở các nhà văn hóa - thể thao ở cơ sở tuy khó nhưng trước nay, chưa được đặt lên bàn để soi rọi, tìm cách giải quyết một cách thấu đáo. Nhiều ý kiến cho rằng, xã hội hóa là việc đầu tiên có thể nghiên cứu, để khai thác công năng của những nơi này. Một số nơi đã có cho thuê bán nước, tổ chức trò chơi cho trẻ con; cũng có nơi tổ chức sinh hoạt CLB văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử… Nhưng con số này không nhiều và nơi đây vẫn chưa có được một quy chế hoạt động bài bản, hướng dẫn tổ chức các hoạt động rõ ràng, cụ thể… Nên chăng cùng với việc xây dựng quy chế, hướng dẫn hoạt động, cần chọn một số thiết chế văn hóa ở cơ sở để tổ chức hoạt động như mô hình mẫu thăm dò dư luận, nếu nhận được sự đồng tình sẽ nhân rộng. Đây là công việc lâu dài, đòi hỏi cái tâm lẫn tầm, như chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh thì, sự tâm huyết của cán bộ văn hóa thôi chưa đủ, phải là sự vào cuộc của các ngành, các cấp cùng chung tay tạo sân chơi cho người dân ở địa phương, vừa tránh đi sự lãng phí đầu tư cho các công trình ý nghĩa này.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>