Lần theo tiếng đờn, lời ca

18/02/2018 | 07:55 GMT+7

Không ai nhớ đờn ca tài tử (ĐCTT) có từ khi nào, chỉ nhớ rằng đó là giai điệu đặc trưng của người Nam bộ. Tiếng rao đờn ngọt lịm, giọng ca mùi mẫm cứ len lỏi vào tận sâu thẳm tâm hồn người, từ đời này sang đời khác...

Nghệ nhân Đoàn Văn Tổng cần mẫn ghi chép các bài bản tài tử...

Ở Hậu Giang, phần lớn mỗi ấp, khu vực đều có câu lạc bộ (CLB) ĐCTT. Hàng trăm CLB ấy chính là nơi hội ngộ của những tâm hồn đồng điệu.

Chơi tài tử để có niềm tin lớn hơn trong cuộc sống

Cơn gió se lạnh chiều mấy ngày trước tết như càng kích thích các thành viên trong CLB ĐCTT ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, đến đúng giờ để chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt. Người mang bánh, trái cây, người vác cây đàn, chai rượu đế để cùng hòa điệu lời ca, tiếng hát cho thỏa đam mê, cho quên hết nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống… Gần 20 thành viên trong CLB đa phần đã ngoài 40, cùng có chung niềm đam mê tài tử. Chị Dương Thị Liên, Phó Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Chúng tôi đều làm nông, xong việc rồi phải chăm lo cho cuộc sống gia đình. Cả núi công việc, nhưng nếu biết sắp xếp chút là cũng tham gia sinh hoạt với mọi người, vừa giải tỏa áp lực, vừa thỏa niềm đam mê. Ai đến đây cũng khoái đờn, ca, mà đâu chỉ có vậy, chúng tôi còn cùng nhau san sẻ những niềm vui nỗi buồn, chia sẻ cách chăm sóc gia đình, góp vốn xoay vòng để giúp nhau ổn định cuộc sống”.

Đờn ca tài tử đang được nuôi dưỡng và lưu truyền bởi những người nhiệt huyết và đam mê.

Thường trong CLB không phải ai cũng rành các bài bản tài tử, nhưng mỗi lần gặp nhau, họ lại truyền nghề cho nhau, với ý nghĩa đơn giản là để đờn, hát cho ăn khớp, chứ không hề nghĩ sâu xa chính cách này lưu truyền hay và hiệu quả nhất. Ông Lư Văn Chọn, ở ấp 6, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho biết: “CLB tồn tại được nhờ niềm đam mê của từng thành viên. Mỗi người đều mang trong mình chất tài tử, nên hễ nghe rủ là chân đã muốn đi rồi. Nhưng không phải đi vậy mà bỏ bê gia đình. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng, tập hợp để thỏa niềm vui, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để bước tiếp trong cuộc sống… Niềm đam mê này còn được thắp lửa, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như nghệ nhân Hồng Nhãn (huyện Vị Thủy), Hồng Trúc (huyện Châu Thành A)… đều có ông bà, cha mẹ chơi tài tử. Vì thế, họ đã được nuôi dưỡng tâm hồn từ những ngày còn trong nôi, 6 tuổi, các nghệ nhân này đã bắt đầu đứng trên sân khấu hát. Hồng Trúc chia sẻ: “Em nghĩ cũng lạ, hễ nghe tiếng đờn của ông ngoại là em muốn hát. Nghe ở đâu có hát tài tử là em đến. Được tỉnh chọn đi thi, khỏi cần giải cao, chỉ cần thấy người nghe gật gù là hạnh phúc rồi. Em khó mà bỏ hát được!”. 

Thắp lửa đam mê, lưu truyền hậu thế

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con đường quanh co ở khu vực IV, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, là của nghệ nhân Đoàn Văn Tổng, tết này ông đã 83 tuổi. Hơn 50 năm theo nghiệp đờn, ông vẫn chưa chồn chân, mà tâm nguyện muốn truyền dạy lại cho ai đam mê thật sự. Đã lâu lắm rồi, ông cứ cần mẫn ghi chép tất cả các cách đờn, từ đơn giản đến phức tạp, các bài bản tài tử mà ông biết, học được trong quá trình theo đuổi niềm đam mê của mình. Những quyển sách của ông giờ đã dày lên rất nhiều. Mắt đã yếu, nhưng giờ hễ nhớ bài nào là ông lại chép. Nhiều khi ông tự hỏi chép hoài không biết có ai học, nhưng ý nghĩ ngay lập tức bị niềm đam mê tài tử đánh bại. Ông muốn các bạn trẻ sau này phải biết tài tử, tiếp tục truyền lại giống như ông làm hôm nay. Nhưng để được làm học trò ông phải có đủ đam mê, không phải ai ông cũng dạy. Người nghệ nhân già này nói, nếu mình dạy không tới nơi, tới chốn, họ đàn sai, hát trật là mình có tội với thế hệ mai sau.

Lớp tập huấn về nâng cao chất lượng nghệ thuật đờn ca tài tử được tổ chức tại tỉnh.

Những người chơi và am hiểu ĐCTT ở Hậu Giang có tuổi đời đã cao. Ngay ở các CLB ĐCTT, các thành viên cũng ngoài 40 tuổi, ít có những gương mặt trẻ. Từ đó, cộng với việc họ ít được tiếp cận với những bài bản tài tử đúng nghĩa, nên việc truyền nghề đang gặp không ít khó khăn. Còn nghệ nhân Hoàng Tân (thị xã Ngã Bảy) cũng đang tập hợp những người yêu tài tử để sinh hoạt, truyền nghề, hay nghệ nhân Huỳnh Kim Nhan, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, không chỉ tập hợp những người biết đờn, ca tài tử để sinh hoạt tại nhà mình, mà còn mở lớp truyền nghề. Họ chia sẻ, nếu không làm vậy, mấy đứa nhỏ sau này làm gì biết hát tài tử.

ĐCTT ở Hậu Giang những năm qua cũng đã có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi ĐCTT được vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Hậu Giang đã ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020 với phân kỳ thực hiện từng giai đoạn cụ thể. Từ đó, hệ thống CLB ĐCTT ở địa phương được củng cố, duy trì, phát huy. Đã có những lớp bồi dưỡng từ sơ cấp đến nâng cao. Có những em mới 10 tuổi cũng tham gia học. Hai chị em Nguyễn Thị Như Ý (14 tuổi) và Nguyễn Thanh Tứ (10 tuổi), ở xã Hỏa Lựu, được mẹ dẫn đi học dự thính lớp học mới đây, hồ hởi: “Dù chưa hiểu hết, nhưng tụi em biết được nhiều bài ca, cách thức ca. Trước đây, chỉ nghe người ta hát là hát lại y chang. Tụi em vui lắm vì được mẹ ủng hộ, bởi mẹ em cũng là người hát tài tử mùi lắm…”. Những điều này sẽ tiếp tục được ngành văn hóa phát huy, bằng những giải pháp như xây dựng CLB ĐCTT chuẩn ở mỗi huyện, thị, thành phố; tổ chức hội thi, hội diễn đờn ca tài tử cấp tỉnh và huyện xen kẽ hàng năm để duy trì, phát hiện và chăm bồi những hạt nhân mới...

Nói chuyện với những nghệ nhân tài tử, tôi đã giải tỏa được câu hỏi lâu nay là vì sao mà những nghệ nhân tài tử cứ hễ nghe tiếng đờn, lời ca là lại muốn đến. Tài tử đã thành một phần máu thịt của con người Nam bộ. Chính tình yêu, tấm lòng, sự trân quý với tài tử của những người như nghệ nhân Đoàn Văn Tổng hay Hồng Nhãn, Hồng Trúc đã giúp tài tử được lưu truyền. Sức sống tài tử vẫn âm ỉ trong dòng chảy của âm nhạc dân tộc, xứng đáng là báu vật cần được lưu giữ, trân trọng.

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>