Lan tỏa sâu rộng…

23/01/2019 | 07:11 GMT+7

Nâng chất các danh hiệu văn hóa bằng nhiều hình thức, để mỗi năm, dấu ấn của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) lại đậm hơn, cùng hướng đến chất lượng, sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân...

Dấu ấn phong trào từ sự đồng lòng, chung tay của người dân.

Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH vừa tổng kết Cuộc thi mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp lần thứ VI, giai đoạn 2017-2018. Như vậy, cuộc thi đã có hành trình 12 năm. Những khó khăn trong công tác vận động người dân ở những lần đầu đã qua, giờ đã là thành quả dễ dàng nhận thấy. Đó là sự thay đổi ngoạn mục cảnh quan môi trường ở địa phương. Trong đó, thành công nhất, tạo sự lan tỏa từ cuộc thi này chính là ý thức của người dân. Bà Lê Thị Cúc, ở ấp Thạnh Lợi C, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Cuộc thi có được tổ chức hay không thì tôi vẫn quan tâm xây dựng không gian sống cho gia đình mình sáng - xanh - sạch - đẹp. Từ đó, mỗi thành viên trong gia đình đều nhín chút thời gian để dọn dẹp, bài trí, để mỗi khi trở về nhà, đều cảm thấy thật sự thoải mái, quên đi những mệt nhọc ngoài cuộc sống”.

Qua từng lần tổ chức, những người dân ý thức như vậy ngày càng nhiều. Có những người ban đầu chưa chịu tham gia, nhưng qua từng năm, nhìn thấy sự thay đổi của làng quê, họ tự nguyện tham gia. Từ đó, làm cho cuộc thi đi vào chiều sâu, chất lượng, tạo sự hài lòng cao. Những mô hình ngày càng được nối dài. Đó chính là lý do và niềm tin để những người tổ chức đã nghĩ ra những cách hay, đổi mới, sáng tạo để nâng chất cuộc thi, như: con đường đẹp, tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, liên tuyến thi đua yêu nước kiểu mẫu... Nổi bật nhất là mô hình tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu - mô hình thể hiện sự đột phá. Không chỉ ý thức về cảnh quan môi trường sống, mà người dân còn đặc biệt quan tâm cải thiện đời sống kinh tế, bởi lẽ ngoài các tiêu chí về tỷ lệ gia đình văn hóa, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, còn là tiêu chí không còn hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết để xây dựng thành công tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, Vị Thắng bắt đầu từ việc phát động từng hộ dân xây dựng cảnh quan môi trường trước nhà mình, rồi nhân rộng thành tuyến đường. Ở ấp 6, xã Vị Thắng có CLB trồng hoa kiểng, gồm những người dân không chỉ trồng hoa trước nhà mình, mà còn cùng nhau trồng hai bên tuyến đường. Mỗi dịp cuối tuần, họ cùng đi tưới, cắt tỉa, tạo nên những luống hoa rất đẹp. Sự ý thức của họ, cộng với sự tác động, hướng dẫn của địa phương, dần dần đã thay đổi nếp nghĩ của người dân. Họ cùng chung tay làm nên nhiều tuyến đường đẹp. Từ đó, địa phương chọn tuyến nào hội đủ điều kiện thì xây dựng tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu”. Giờ, phong trào này đang lan rộng ra các ấp khác ở xã Vị Thắng và cả các xã, thị trấn khác của huyện Vị Thủy, như: Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy, Vị Trung, Nàng Mau… Các huyện, thị, thành khác trong tỉnh cũng đang nhân rộng tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, đặc biệt là Phụng Hiệp còn tiên phong nâng từ tổ lên liên tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, rồi liên tuyến thi đua yêu nước kiểu mẫu…

Từ những thành quả cho thấy, phong trào TDĐKXDĐSVH đã được sự quan tâm của các ngành, các cấp, đặc biệt là ý thức của người dân, tạo nên những kết quả thiết thực. Năm nay, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh tiếp tục phát động cuộc thi, đồng thời nâng chất toàn diện phong trào ở từng cấp dưới nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt. Đó cũng là cách mà Hậu Giang thực hiện trong những năm qua, để nâng chất phong trào TDĐKXDĐSVH bằng những đột phá, sáng tạo. Cùng với đó, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Hậu Giang nói chung, cấp huyện và xã nói riêng sẽ tiếp tục ra sức thực hiện nâng cao chất lượng phong trào lên một bước mới. Ông Đồng Văn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, đồng thời tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, điển hình tiên tiến trong phong trào. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, vận động để phong trào tiếp tục đi vào chiều sâu, được người dân chung tay thực hiện. Cùng với đó, là kế hoạch kiểm tra việc nâng chất các danh hiệu của phong trào, lắng nghe và kịp thời cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn, để mỗi năm, phong trào lại mang một màu sắc khác, hướng đến chất lượng, tạo sự hài lòng trong dân”.

Hậu Giang hiện có 175.646 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 90%, 506/539 ấp, khu vực văn hóa, 15/22 phường, thị trấn văn minh đô thị, 31/54 xã văn hóa nông thôn mới; năm 2018 xây dựng 55 tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, nâng tổng số tổ của toàn tỉnh là 189 tổ…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>