Liên hoan Âm nhạc đồng bằng sông Cửu Long: Đậm đà hương vị sông nước miền Tây

13/03/2017 | 08:36 GMT+7

Đây là liên hoan thường niên, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức luân phiên khắp các vùng miền trong cả nước. Không chỉ tạo không gian để những nhạc sĩ gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới, mà mỗi chuyến đi như một đợt thực tế sáng tác để họ có thêm ý tưởng sáng tạo mới.

Tác phẩm “Điệu huê tình trên sông nước” của nhạc sĩ Sơn Hà (Hậu Giang) đạt giải A tại liên hoan.

Đợt sinh hoạt nghiệp vụ sâu sắc

Nói sinh hoạt nghiệp vụ là hoàn toàn đúng, bởi các nhạc sĩ đến đây với tâm thế gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu tác phẩm mới. Vì thế, ai cũng chuẩn bị cho mình một chút hương vị riêng, đặc sắc nhất, để “trình làng”, để mọi người cùng bình phẩm, chia sẻ và tiếp tục rút kinh nghiệm cho những tác phẩm tiếp theo. Vì thế, chương trình giới thiệu tác phẩm mới chính là điểm nhấn của liên hoan. 37 sáng tác mới đã được dàn dựng và thể hiện trên sân khấu với không gian vừa đủ, ấm cúng để mọi người có thể thưởng thức hết những cái hay, cái đẹp của các tỉnh, thành trong khu vực, do các nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu, chuyển tải tâm tư, tình cảm của nhạc sĩ. Một bức tranh mang đậm hương vị đồng bằng đã được thể hiện một cách đa dạng, sâu sắc, thấm đẫm tình đất, tình người, làm say đắm lòng người. Đó là “Hậu Giang một dòng sông” của tác giả Vĩnh Phúc, “Điệu huê tình trên sông nước” của Sơn Hà (Hậu Giang); “Hoa sữa Phương Nam” của Dương Năm (Tiền Giang); “Mùa thu Sa Pa” của Huỳnh Anh Kiệt, “Một dáng rồng trên đất Tây Nam” của Vĩnh Tuyên (Vĩnh Long); “Tiếng ru” của Đỗ Triệu An (An Giang); “Đêm trăng nhiều gió” của Nguyễn Hồng Sơn (Sóc Trăng); “Lung linh Đá Bạc” của Nguyễn Ngọc Để (Cà Mau)…

Đợt sinh hoạt nghiệp vụ còn thể hiện ở hội thảo chuyên đề “Từ dân ca, dân nhạc đến những sáng tác mới trong đời sống âm nhạc ĐBSCL”. Rất nhiều ý kiến đánh giá, chia sẻ về dòng chảy, sức ảnh hưởng của dân ca, dân nhạc trong những sáng tác trong đời sống âm nhạc đồng bằng. Không chỉ khẳng định dân ca, dân nhạc vẫn tồn tại, vẫn ảnh hưởng sâu sắc trong các sáng tác của các nhạc sĩ, mà nhiều ý kiến còn đề cập đến những xu hướng cảm thụ âm nhạc mới, những dòng nhạc xưa trỗi dậy một cách khó kiểm soát, cả những mong muốn giới nhạc sĩ hôm nay cần sống, cần trải nghiệm, cần nghiên cứu nhiều hơn về dân ca, dân nhạc, để nó ngấm vào máu, để tự bật lên mỗi khi có cảm xúc tràn về. Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chia sẻ: “Tôi thấy vùng đất có nhiều chất liệu quý từ dân ca, dân nhạc, nghệ thuật đờn ca tài tử. Vậy là những chất  liệu này chưa được khai thác nhiều và đủ để làm nên những sáng tác vừa dễ đi vào lòng người, vừa thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc, vừa thể hiện sự da dạng, tránh thể hiện một màu, gần giống với những ca khúc của tiền bối. Đây là điều các nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ trẻ cần quan tâm, để tác động đến sự sáng tạo của mình trong thời gian tới”.

Chuyến thực tế ý nghĩa

Các nghệ sĩ về miền đất Hậu Giang đã được tham dự lễ dâng hương, dâng hoa trước tượng đài Công viên Chiến Thắng, để tưởng nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này, để cùng góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Họ còn được ngắm dòng Xà No thơ mộng, đã đi vào thơ, nhạc, thưởng ngoạn không khí trong lành, yên ả, đậm chất làng quê ở Hậu Giang, nên ai cũng có cảm giác dễ chịu. Đoàn còn được tham quan Khu du lịch Mùa Xuân, tắm mình trong không khí trong lành, mát rượi, nghe những tiếng chim gọi nhau và ngắm hàng ngàn chú chim bay lượn trong khu rừng tràm rộng ngút tầm mắt, được thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị miền quê và được nghe nghệ nhân đờn, ca tài tử biểu diễn phục vụ… Tất cả đều để lại những dấu ấn sâu đậm và ai cũng có cảm xúc, hứa hẹn sẽ có dịp trở lại bằng một sáng tác…

Nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt, giới nhạc sĩ quen gọi với cái tên thân thương: Chú Ba Kiệt, đã ngoài 80 tuổi, vẫn cố gắng theo mọi hoạt động của liên hoan. Ông chia sẻ, ông làm văn nghệ từ thời kháng chiến, đi nhiều, cảm nhận cuộc sống nhiều và thấy tự hào là các nhạc sĩ ĐBSCL thời nào cũng có những người hay, sáng tác nên những ca khúc đi vào lòng người. Ông hy vọng rằng các nhạc sĩ trẻ hôm nay sẽ kế thừa được truyền thống này, ra sức học tập để trau dồi nghề nghiệp, trải nghiệm nhiều hơn với cuộc sống để mang những thanh âm ấy vào trong sáng tác của mình một cách khéo léo… Giờ, sức khỏe không còn nhiều, nhưng ông vẫn luôn đi tìm cho mình một cảm xúc mới. Các nhạc sĩ Nguyễn Dũng (Cần Thơ), Bửu Thiết (Long An)… đều có chung cảm xúc này. Người có chuyến trở về đặc biệt nhất là nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đây là chuyến trở về đầy kỷ niệm, bởi trước đây ông là bộ đội, có khoảng thời gian gần 10 năm đi bộ đội và sống, chiến đấu ở vùng đất này. Thế nhưng, điều ông ray rứt là vẫn chưa có tác phẩm âm nhạc để trả nghĩa vùng đất giàu truyền thống, hiền lành, đã nuôi dưỡng ông trong một khoảng thời gian khá dài…

***

Khoảng thời gian gặp gỡ ngắn ngủi của những nhạc sĩ đồng bằng đã qua. Họ chia tay nhau để trở về với công việc thường ngày. Những tâm tư tình cảm đã được giải bày, sáng tác mới đã được giới thiệu, những cái bắt tay siết chặt như hẹn lần sau… Nhạc sĩ chỉ cần có vậy là họ đã được tiếp thêm sức mạnh, dù ai cũng biết rằng hành trình sáng tác không dễ dàng…

Liên hoan âm nhạc khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần này thu hút gần 150 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Có 37 tác phẩm mới được sáng tác, dàn dựng và biểu diễn. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, đây là bữa tiệc âm nhạc đậm đà chất liệu miền sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, hạn chế là các tác phẩm vẫn một màu, chưa có nhiều sự sáng tạo, đột phá. Ban tổ chức đã trao 7 giải A, 10 giải B cho các tác phẩm xuất sắc và giải dành cho dàn nhạc xuất sắc. Hậu Giang xuất sắc đạt 3 giải, gồm: 2 giải A cho tiết mục: “Hậu Giang một dòng sông” (Vĩnh Phúc) và “Điệu huê tình trên sông nước” (Sơn Hà) và giải dành cho dàn nhạc xuất sắc.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích