Nhà điêu khắc Phan Thị Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:

Muốn mỹ thuật đến gần với công chúng nhiều hơn

27/06/2017 | 08:12 GMT+7

Tới đây, Hậu Giang sẽ lần đầu đăng cai tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 22 năm 2017, trong chuyến công tác khảo sát tình hình phục vụ triển lãm, nhà điêu khắc Phan Thị Gia Hương (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi.

Nhà điêu khắc Gia Hương chia sẻ: “Triển lãm lần này ngoài Hậu Giang, tỉnh Trà Vinh cũng muốn đăng cai, nhưng với sự quan tâm, hết lòng của tỉnh và vì Hậu Giang là địa phương cuối cùng chưa đưa triển lãm về, nên chúng tôi đã thống nhất chọn tỉnh trẻ Hậu Giang tổ chức”.

Thưa bà, là đơn vị cuối cùng của đồng bằng tổ chức, lại ở lĩnh vực có phần mới mẻ là mỹ thuật, bà có thấy lo ?

- Bất cứ một triển lãm lớn hay nhỏ, quy mô như thế nào thì những người chủ trì cũng phải lo từ các chi tiết nhỏ nhất. Trước khi trao quyền đăng cai cho Hậu Giang, chúng tôi cũng bàn tính rất kỹ. Phía tỉnh luôn có thiện chí tốt, rất nhiệt tình và có sự phối hợp chặt chẽ với Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều quan trọng nữa là lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Tôi nhớ khi Triển lãm Mỹ thuật khu vực lần thứ 21 diễn ra ở tỉnh Tiền Giang năm 2016, chính Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã tham dự và có những chia sẻ hết sức chân tình, thể hiện sự trân trọng với mỹ thuật.

Chúng tôi với vai trò là đồng Ban tổ chức sẽ lo từ lúc làm kế hoạch đến kết thúc, khi nào được đánh giá thành công thì mới mừng!

Cùng với Hậu Giang, từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9 năm nay liên tục diễn ra các triển lãm ở những khu vực khác từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông… vậy có quá tải với Hội ?

- Công việc nhiều và như tôi nói cũng nhận được sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các địa phương, đơn vị đăng cai, nên không đến nỗi quá tải, mà chúng tôi thấy vui vì những người làm nghề, những văn nghệ sĩ có dịp gặp nhau để cùng trao đổi, giao lưu, chia sẻ từ những dịp thế này.

Mỹ thuật là một sân chơi mang tính chuyên nghiệp, thiết nghĩ rất khó đưa đến công chúng ?

- Đúng là mỹ thuật mang tính chuyên nghiệp và có phần đặc thù, nhưng tôi tin từ những triển lãm mỹ thuật được tổ chức ở khắp các khu vực như thế này sẽ là cơ hội lớn để đưa mỹ thuật đến công chúng rộng rãi hơn. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ lĩnh vực của mình là cao siêu, vì nghệ thuật muốn sống được phải đến với công chúng, phải mang hơi thở cuộc sống, muốn vậy chúng ta phải tuyên truyền, phải biết cách đưa ra công chúng. Chúng tôi cần nhiều hoạt động tuyên truyền của địa phương và những đợt triển lãm như thế này.

Bà có đánh giá gì về mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long ?

- Đã có những bước phát triển đáng trân trọng rồi. Tôi năm nay 66 tuổi và gần như phần lớn cuộc đời dành cho điêu khắc, cho mỹ thuật, nên tôi có thể đánh giá, nếu 20 năm về trước nói đến mỹ thuật đồng bằng thật sự chưa thể gọi là có dấu ấn hay sự phát triển. Gần như mỗi tỉnh, thành đều “đóng khung” từ suy nghĩ, quan điểm đến cách thể hiện tác phẩm. Nhưng hiện nay đã khác, nhiều tác giả đồng bằng đã được ghi nhận, có những tác phẩm được đánh giá rất cao, tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn, được giải lớn. Những thế hệ nghệ sĩ trẻ cũng đang tiếp sức, họ học hỏi, chịu khó tìm tòi và đó là nền tảng để mỹ thuật đồng bằng vươn lên…

Xin cảm ơn bà !

HOÀNG NGUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>