Mỹ thuật đồng bằng soi vào quá khứ, vững bước tương lai

29/08/2017 | 10:22 GMT+7

Những thành tựu của thế hệ nghệ sĩ đi trước là nền tảng để mỹ thuật đồng bằng vươn mình, nhưng hành trình khẳng định mình có vui, có buồn, có trăn trở, lo lắng, đắn đo...

Bài 2: Gian nan trên đường khẳng định

Mỹ thuật đồng bằng đã có sự bứt phá, đông về số lượng, nâng về chất lượng, nhưng để trụ với nghề, để đưa mỹ thuật đồng bằng lên tầm cao mới là sự trăn trở lớn.

Tác phẩm “Sử Việt” của tác giả Tạ Đình Nguyên (Sóc Trăng) ấn tượng bởi sự sáng tạo.

Những thành tựu mới

Hơn 20 năm nay, các tác giả miền Tây sông nước đã có sân chơi để thể hiện mình, đó là Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL được duy trì tổ chức hàng năm, luân phiên tại các tỉnh, thành trong khu vực. Đến với sân chơi này, các nghệ sĩ được giao lưu, học hỏi qua chính tác phẩm của những đồng nghiệp, qua sự sẻ chia về quá trình thai nghén để làm nên tác phẩm. Mỗi năm, có khoảng hơn 200 tác giả với gần 500 tác phẩm cùng cạnh tranh để có được khoảng 200 tác phẩm được triển lãm.

Ngắm nghía tác phẩm được triển lãm tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL lần thứ 21 tại Tiền Giang, họa  sĩ Phan Văn Sáu, Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang, chia sẻ: “Tôi vui không biết diễn tả thế nào. Tôi đã vẽ tác phẩm bằng tất cả tình yêu quê hương và muốn mang vẻ đẹp, bình yên của quê mình giới thiệu đến mọi người. Mỗi lần tham dự là tôi thấy sự đa dạng, sáng tạo của các đồng nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ đó, luôn tự vạch ra cho mình một kế hoạch để phấn đấu”.

Theo nhận định của các họa sĩ lão làng, mỹ thuật đồng bằng đã có sự bứt phá ngoạn mục, đông về số lượng, nâng về chất lượng. Các họa sĩ trẻ ngày càng được đào tạo bài bản, khả năng thẩm mỹ tốt. Những họa sĩ hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống, cùng vẽ lên sắc màu cho mỹ thuật đồng bằng. Các tác giả đã sử dụng chất liệu đa dạng, có đầu tư, nghiên cứu về đề tài, trăn trở với từng nét cọ, nét bút và đặt hết cảm xúc, tâm huyết vào trong từng tác phẩm, nên có nhiều tác phẩm có hồn, phản ánh được hiện thực xã hội một cách gần gũi, đầy đủ. Các tác phẩm điêu khắc có sự chuyển biến khá rõ, từ đề tài đến ý tưởng và sự tìm tòi trong cách thể hiện tạo nên những nét mới. Lực lượng trẻ trỗi dậy, sáng tạo, táo bạo với những phương pháp thể hiện mới. Họ đã chịu khó đi vào những mảng đề tài nóng hổi của cuộc sống, những góc khuất nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng. Họa sĩ Trần Nguyên Đán, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh, chia sẻ, là một họa sĩ trẻ, tham gia cuộc thi cũng chỉ vài lần, nhưng anh thấy mình trưởng thành lên rất nhiều, học được rất nhiều từ đồng nghiệp. Mỗi năm, anh luôn tự vạch ra cho mình kế hoạch sáng tác để có tác phẩm tham dự. Mỗi khi có thành tựu, kèm theo niềm vui là nỗi lo, vì năm sau, mình phải có tác phẩm tốt hơn, vượt lên chính mình…

Nhưng còn đau đáu nỗi lo trụ nghề

Dù số lượng hội viên các hội, phân hội mỹ thuật ĐBSCL ngày một đông, mỗi tỉnh, thành có từ 17-50 hội viên, nhưng để sống được với nghề là rất khó. Vì vậy, họ phải xem niềm đam mê nghệ thuật này như nghề tay trái và cuộc mưu sinh vẫn là một nghề khác. Có người làm giáo viên, có người làm quảng cáo, thiết kế… Họa sĩ Bùi Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật An Giang, chia sẻ: “Ngay chính bản thân tôi, cũng làm nghề vài chục năm, nhưng vẽ cũng chỉ để thưởng thức thôi, chứ đâu có bán được. Đây là một thực tế chung, chỉ một số ít đếm trên đầu ngón tay, là có tranh bán được và họ tham gia vào các công trình làm tượng đài”… Còn nhà điêu khắc Trần Đình Thảo, Chủ tịch Hội Mỹ thuật, Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, trầm tư: “Mảng họa lợi thế hơn rất nhiều, các nghệ sĩ vẫn còn rất khó khăn, thì với mảng điêu khắc mà ông theo đuổi, thì buồn hơn. Ngay cả hội viên ở mảng này cũng chỉ có tôi và một người nữa. Mỗi một lớp trung cấp điêu khắc, nhiều nhất cũng chỉ có 5 học viên. Như năm nay, đến thời điểm này, cũng chưa thấy học viên đăng ký…”. Từ đó, niềm đam mê nói theo cách nào đó cũng bị sa sút. Thế nhưng, họ luôn động viên nhau, tạo điều kiện để rèn giũa, nâng cao tay nghề, xem như mình đã trót đeo mang với nghệ thuật thì phải sống cho trọn…

Khó sống được với nghề là tình trạng chung của các họa sĩ, nhà điêu khắc ĐBSCL. Thế nhưng, không vì chuyện này mà họ quay lưng với niềm đam mê. Từng hội, phân hội vẫn có những kế hoạch, định hướng để phát triển hội viên, tạo điều kiện để hội viên phát huy khả năng sáng tạo. Anh Nguyễn Đức Thành, CLB Mỹ thuật Châu Đốc, An Giang, chia sẻ: “CLB của anh có hơn 20 người, đến từ các huyện lân cận như Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu... CLB được Hội Văn học Nghệ thuật An Giang tạo điều kiện để phát huy tính sáng tạo, lòng say mê nghề, bằng những chuyến thực tế sáng tác, cuộc thi, triển lãm tranh… Từ đó, làm cho anh em chúng tôi thêm yêu nghề. Dù biết rằng tranh vẽ chỉ cho nhau xem, nhưng mọi người vẫn hăm hở, về tình yêu nghề mãnh liệt…”. Đó cũng là suy nghĩ của nhiều anh em đam mê hội họa mà tôi có dịp gặp. Dù khó khăn, nhưng lòng đam mê và sáng tạo, tự tìm tòi cách để phát huy khả năng của mình. Đây chính là điều giúp họ vượt qua mọi trở lực của cuộc sống để bám trụ, theo đuổi đam mê, cùng góp phần tạo nên bức tranh đa sắc cho mỹ thuật đồng bằng…

***

Thời chiến gian khổ mà mỹ thuật vẫn phát triển, cớ gì thời bình lại phát triển kém hơn. Chính suy nghĩ này, cùng với niềm đam được chăm bồi đã tạo nên những thế hệ họa sĩ hôm nay hăng say, hết lòng, đã, đang và sẽ làm đẹp cuộc sống bằng những sản phẩm nghệ thuật, góp phần làm nên bức tranh mỹ thuật đồng bằng, hòa vào dòng chảy của mỹ thuật cả nước.

Mong muốn có nhiều hơn những đề tài gần gũi đời sống, nét sinh hoạt đặc trưng của cộng đồng

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Mỹ thuật đồng bằng có sự tiến bộ vượt bậc trong hơn 20 năm trở lại đây, về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nỗ lực hết mình, chưa đào sâu suy nghĩ và có những sáng tạo đẳng cấp, chưa dám thể hiện những đề tài mới lạ và theo đến nơi đến chốn. Họ ưa làm theo những tác phẩm đạt giải, nhất là việc phối màu, làm cho mảng tối nhiều hơn, chưa dám sáng tạo, đột phá với những biến hóa linh hoạt về màu sắc. Nhiều người chọn đề tài lớn rồi chuyển tải không hết hay ít chọn những để tài gần gũi với đời sống, nét sinh hoạt đặc trưng của cộng đồng… Hy vọng những điều này sẽ được khắc phục”.

 

“Mỹ thuật cũng rất dung dị, gần gũi”

Nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Dù mỹ thuật mang tính chuyên nghiệp và có phần đặc thù, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ lĩnh vực của mình là cao siêu, vì nghệ thuật muốn sống được phải đến với công chúng, phải mang hơi thở cuộc sống, muốn vậy chúng ta phải tuyên truyền, phải biết cách đưa ra công chúng. Chúng tôi cần nhiều hoạt động tuyên truyền của địa phương và những đợt triển lãm như thế này”.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

------------------

Bài 3: Mỹ thuật Hậu Giang vươn lên

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>