Mỹ thuật đồng bằng soi vào quá khứ, vững bước tương lai

30/08/2017 | 08:04 GMT+7

Năm nay, Hậu Giang vinh dự đăng cai triển lãm mỹ thuật cấp khu vực, dù xuất phát điểm thấp, không thể so sánh với “anh em” trong khu vực, nhưng mỹ thuật vùng đất này cũng đã có những điểm nhấn đáng trân trọng.

Đi thực tế sáng tác là tiêu chí đầu tiên giúp các họa sĩ Hậu Giang vẽ nên những tác phẩm ngày càng đa dạng.

Bài 3: Mỹ thuật Hậu Giang vươn lên

Là tỉnh ra đời muộn, đội ngũ văn nghệ sĩ về Hậu Giang xây dựng cơ ngơi mới đã ít, những anh em làm mỹ thuật lại càng ít hơn, chỉ vài người. Nhưng với những nỗ lực không ngừng, đã có những thay đổi tích cực !

Từ xuất phát điểm thấp

Lúc mới chia tách, Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang chỉ có 5 người, hoạt động rời rạc, không kết nối. Họa sĩ Nguyễn Đức Vận, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, chia sẻ: “Nhìn anh em ở tỉnh, mình thấy buồn. Lúc đó, được chọn triển lãm ở cuộc thi cấp khu vực 1 tác phẩm đã là mừng. Nhưng từ đó, tôi thấy mình phải gầy dựng, tìm kiếm lực lượng mỹ thuật từ trong hệ thống các trường tiểu học, trung học cơ sở, tạo điều kiện để họ vào Hội, theo đuổi sáng tác chuyên nghiệp. Rồi những đợt triển lãm cấp khu vực, thông báo rộng rãi, nếu họ thích thì có thể đi theo để xem tác phẩm của các tác giả trong khu vực…”.

Khó khăn là vậy, nhưng những người đầu tàu vẫn không nản lòng. Từ đó, hội viên ngày càng đông dần. Họ là những giáo viên dạy mỹ thuật, là anh em làm thiết kế ở hệ thống trung tâm văn hóa, là những người làm thiết kế, quảng cáo tư nhân… Niềm đam mê làm nghề lớn dần, có người bỏ hẳn việc dạy, về làm công tác hội, để được vẽ chuyên nghiệp, như họa sĩ Nguyễn Duy Dương, Phân hội phó Phân hội Mỹ thuật Hậu Giang. Anh chia sẻ: “Tham gia vào hội một thời gian, tôi thấy môi trường thoáng để tôi tự do sáng tạo mà không bó buộc bất cứ điều gì, nên nghỉ dạy học. Dù cũng rất tiếc, nhưng lòng đam mê nghệ thuật quá lớn khiến tôi đưa ra quyết định này. Đến bây giờ nhìn lại, thấy sự liều lĩnh của mình là đúng, bởi tôi được là chính mình, được sống trọn với niềm đam mê”. Giờ, ở cương vị này, anh không chỉ sáng tạo mà còn ra sức tập hợp, tìm kiếm nguồn để phát triển hội viên, tạo điều kiện cho họ đi thực tế sáng tác, cùng chia sẻ kinh nghiệm, những khuynh hướng sáng tác mới và luôn ra sức học tập, rèn luyện để tác phẩm ngày một chất lượng hơn.

Đến khẳng định bằng sản phẩm

Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, cho biết, khi mới thành lập, Phân hội Mỹ thuật là một phân hội ít người, nhưng đến thời điểm hiện tại, số hội viên là 17, cũng chưa bằng các tỉnh, thành trong khu vực, nhưng khẳng định mặt bằng chung trong các phân hội của Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang. Hội cũng đã tạo điều kiện tối đa để anh em có điều kiện thâm nhập thực tế sáng tác, tham dự trại sáng tác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Như năm nay, khi Hậu Giang đăng cai tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL, Hội ưu tiên các chuyến đi thực tế, tham dự trại sáng tác… cho hội viên Phân hội Mỹ thuật. Song song đó, Hội cũng tổ chức Hội thi Mỹ thuật tỉnh Hậu Giang, để mọi người có ý thức chọn và nuôi dưỡng đề tài, hình thành tác phẩm. Từ đó, chọn tham dự cấp khu vực. Chính sự quan tâm, đầu tư, cùng sự phấn đấu vươn lên của từng hội viên, đã góp phần tạo nên bước tiến mới, khẳng định sự trưởng thành của một phân hội còn non trẻ.

Từ năm 2012 đến nay, Phân hội Mỹ thuật đã thể hiện sự lớn mạnh của mình bằng số lượng tác phẩm được chọn triển lãm tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL ngày càng nhiều và tăng lên từng năm. Lần lượt mỗi năm là 6 tác phẩm, 8 tác phẩm, 12 tác phẩm, 13 tác phẩm và năm nay là 16 tác phẩm. Số lượng hội viên vào hội cũng tăng dần, giờ đã là 17 hội viên. Các tác phẩm phản ánh những góc nhìn của các họa sĩ về đất và người Hậu Giang, những nét sinh hoạt bình dị, nét văn hóa độc đáo trong đời sống các dân tộc anh em… Họ đã đi, trải nghiệm và thai nghén nhiều đề tài, cách thể hiện mới lạ, đó là sự cố gắng vượt bậc và rất đáng tự hào.

Tuy nhiên, những cố gắng này chỉ là bước đầu. Họ cần phải trải nghiệm nhiều hơn nữa để có thể bắt kịp với guồng quay này, đây là câu chuyện còn ở phía trước. Sự nhiệt tâm và lòng yêu nghề của họ đã được thắp lên và chính bản thân họ đang nỗ lực hết mình để góp phần đưa mỹ thuật Hậu Giang hòa vào nhịp phát triển của mỹ thuật các tỉnh, thành trong khu vực…

Ấm lòng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh dành cho mỹ thuật

Trong dịp lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ VI, năm 2016 tại tỉnh Tiền Giang, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã đến tham dự và chứng kiến việc trao cờ luân phiên tổ chức Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ VII sẽ diễn ra tại Hậu Giang. Lãnh đạo của Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ thấy ấm lòng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh dành cho mỹ thuật, đó chính là nền tảng để mỹ thuật vươn lên và khẳng định mình.

 

Ít người trẻ tham gia mỹ thuật

Không chỉ Hậu Giang mà các tỉnh, thành trong khu vực, lực lượng họa sĩ trẻ rất ít, đặc biệt là những người dưới 20 tuổi hầu như không có. Ngay như Hậu Giang, họa sĩ trẻ nhất cũng khoảng 30 tuổi. Lý do này được mọi người lý giải là đa phần họ tham gia vào Hội Văn học Nghệ thuật, tham gia các giải trong và ngoài tỉnh khi đã học xong đại học, trung cấp hoặc cao đẳng.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>