Nâng chất câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương

24/09/2018 | 09:07 GMT+7

Hậu Giang hiện có hàng trăm câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, cải lương. Trong những năm qua, các CLB này luôn được tạo điều kiện để hoạt động, đi vào nề nếp và ổn định về chất lượng. Đây cũng là cách để phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Các nghệ nhân tài tử được quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn.

Trung tâm văn hóa cấp tỉnh là nơi chỉ đạo về nội dung hoạt động của các CLB đờn ca tài tử và các câu lạc bộ khác, như: sân khấu, âm nhạc, múa… Ông Lê Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trung tâm chỉ đạo duy trì họp giao ban hàng quý, để chia sẻ thông tin, chỉ đạo hoạt động và hỗ trợ giải quyết những khó khăn. Riêng với CLB đờn ca tài tử, đơn vị cũng có một cán bộ chuyên trách theo dõi sát để tạo điều kiện cho các CLB sinh hoạt tốt hơn, phát huy và chăm bồi nhân tố mới…”. Từ đó, lực lượng nghệ nhân luôn có lớp kế thừa, các CLB từng bước được nâng chất.

Đặc biệt, những năm gần đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh còn xây dựng CLB đờn ca tài tử kiểu mẫu, rồi hệ thống trung tâm văn hóa cấp huyện cũng xây dựng tương tự. Họ luân phiên tổ chức sinh hoạt, giao lưu với nhiều CLB của các xã, phường, thị trấn khác, để tạo sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy khả năng sáng tạo, giúp từng thành viên hiểu đúng, hát đúng chất tài tử, cải lương. Ông Nguyễn Thanh Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Trong việc xây dựng và phụ trách chỉ đạo nội dung sinh hoạt cho các CLB, ngoài CLB thanh nhạc, múa, chúng tôi tập trung cho tài tử và sân khấu. Vì đây là lĩnh vực khó tìm được người thể hiện đúng chất. Có chăm bồi cho lực lượng này, sẽ phát hiện những nhân tố mới, làm nòng cốt cho phong trào”. Nhờ vậy, khi địa phương tổ chức cuộc thi các CLB văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử, nhóm hát… vào những dịp lễ, kỷ niệm trong năm, các nơi đều dễ dàng tìm được lực lượng cộng tác viên phù hợp.

Không chỉ ở hệ thống các trung tâm văn hóa chú trọng đến tài tử, cải lương, những năm gần đây, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh cũng đã duy trì duy trì nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong chương trình nghệ thuật hàng năm của đoàn, luôn có một trích đoạn cải lương hoặc tiểu phẩm để tạo sự đa dạng, làm phong phú cho chương trình nghệ thuật. Ông Lê Hoàng Chung, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, chia sẻ: “Đi lưu diễn, những trích đoạn cải lương hay tiểu phẩm mà chúng tôi xây dựng rất được khán giả yêu thích. Chúng tôi cũng phát huy được khả năng của anh chị em trong đoàn, tạo điều kiện cho họ nâng cao tay nghề. Điều này cũng góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc”.

Không chỉ xây dựng và nâng chất hoạt động tại các CLB, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn mở từ 1 đến 2 lớp tập huấn về đờn ca tài tử, từ cơ bản đến nâng cao, tạo điều kiện cho các nghệ nhân nâng cao ngón đờn, lời ca. Rồi các trung tâm văn hóa, thông tin - thể thao đến huyện, thị, thành trong tỉnh, tùy theo nhu cầu thực tế của địa phương mà tổ chức các lớp tập huấn tài tử, cải lương, tạo điều kiện để thành viên các CLB nâng cao chất lượng chuyên môn trong những lần sinh hoạt.

Việc quan tâm, nâng chất các CLB tài tử, cải lương đồng bộ đã tạo thêm xúc tác, giúp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên có cơ hội phát huy khả năng của mình; từng bước góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy đờn ca tài tử, cải lương trước làn sóng du nhập của nhiều dòng nhạc hiện đại.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn do trình độ của những nghệ nhân tài tử, cải lương không đồng đều, kinh phí còn nhiều thiếu thốn, nhưng việc quan tâm này đã tạo điều kiện để họ dốc lòng, dốc sức xây dựng và vun đắp hoạt động cho các CLB, thúc đẩy phong trào văn nghệ ở địa phương, tạo sân chơi lành mạnh, thú vị cho người dân.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>