Nâng chất thiết chế văn hóa

21/11/2019 | 08:32 GMT+7

Nâng chất hệ thống thiết chế văn hóa đã tạo điều kiện cho các địa phương trên địa bàn huyện Vị Thủy tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân...

Câu lạc bộ đờn ca tài tử ấp 7, xã Vị Thắng sinh hoạt tại Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp.

Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Vị Thủy được đầu tư đạt chuẩn từ năm 2004. Tại đây, có hội trường, sân khấu, đảm bảo điều kiện để tổ chức hội thi, hội diễn phục vụ người dân trong suốt thời gian qua. Đây còn là nơi để các câu lạc bộ chuyên môn của trung tâm sinh hoạt định kỳ, từng bước nâng chất và đi vào chiều sâu, tham gia các hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức. Ông Nguyễn Thanh Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao (VHTT-TT) huyện, cho biết: “Nhờ có nơi tập luyện, biểu diễn, nên chúng tôi đã phát huy và khai thác được thế mạnh văn nghệ của địa phương, nuôi dưỡng, phát huy đội ngũ cộng tác viên, đảm bảo đủ sức xây dựng những chương trình phục vụ nhiệm vụ tại địa phương, tham gia các hội thi cấp tỉnh”. Cùng với đó, ở một số địa phương đã dần hoàn thiện hệ thống thiết chế, nên việc tổ chức hội thi, hội diễn, sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử… theo nhóm, cụm được địa phương phát huy, tạo nên nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân.

Thiết chế văn hóa tại Trung tâm VHTT-TT huyện đạt chuẩn, các xã nông thôn mới được đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế này. Đã có gần 40 trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao ấp được xây dựng, nâng cấp và sửa chữa đạt chuẩn. Từ đó, tạo thêm nhiều cơ hội để xây dựng thành những điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, họp dân vào những dịp lễ quan trọng trong năm. Bà Dương Thị Liên, ở ấp 7, xã Vị Thắng, chia sẻ: “Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp 7 xây dựng cách đây mấy năm. Đây là nơi để chị em chúng tôi tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, tổ chức những buổi đờn ca tài tử sau những giờ nông nhàn, tổ chức hội thi nấu ăn, gói bánh tét vào dịp lễ, tết. Chứ trước đây, toàn tổ chức ở nhà một số chị em…”.

Để đạt được điều này, là sự đầu tư đồng bộ của tỉnh, sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự góp công, góp sức của người dân. Cùng với việc đầu tư, là việc địa phương tổ chức phát huy công năng các công trình văn hóa, bằng những hoạt động vui tươi, bổ ích và lành mạnh. Ông Lê Hoàng Tiến, Văn phòng Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Chúng tôi đã rất cố gắng tổ chức và duy trì hoạt động, tạo thêm nhiều sân chơi cho người dân. Từ đó, ngành cũng tìm và phát huy được những nhân tố mới. Ở những nơi chưa đầu tư khang trang, những thiết chế cũ được nâng chất, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Có thể nhận thấy, ở những nơi được đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, thì việc tổ chức sinh hoạt, hội họp hiệu quả, chất lượng hơn rất nhiều, từ đó, người dân được tạo thêm nhiều sân chơi hấp dẫn, có thêm nơi sinh hoạt có ích, để chia sẻ về cách chăm sóc cho gia đình, cách làm ăn, cách chăn nuôi… hiệu quả. Tuy việc đầu tư hệ thống này chủ yếu tập trung ở những xã nông thôn mới, nhưng bước đầu đã khẳng định được hiệu quả thiết thực, tạo thêm điều kiện để phát huy, nâng chất phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>