Nặng lòng với sân khấu

21/07/2017 | 07:03 GMT+7

Ông đang chuẩn bị về hưu sau mấy chục năm cống hiến cho nghệ thuật. Vậy mà khi hỏi ông về thành quả trên con đường đầy nhọc nhằn để theo đuổi đam mê, ông từ chối, nói mình có làm được gì nhiều đâu. Tôi phải thuyết phục mãi, tác giả Phạm Thành Chung (ảnh), Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, mới chịu nói một chút về mình...

Trưởng thành từ cơ sở

Tôi biết ông khá lâu, từ khi ông làm Trưởng phòng Hành chính, Trung tâm Văn hóa tỉnh Cần Thơ. Khi chia tách tỉnh, ông về Hậu Giang, đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ông nói, nghiệm lại gần cả đời làm công tác văn hóa, văn nghệ, thấy hài lòng vì mình làm và sống bằng cái tâm. Hồi nhỏ, ông mê đờn ghi-ta phím lõm, nên học và tập thành đờn, tham gia vào Đoàn văn công xã Vĩnh Trung từ năm 1975. Thời điểm đó, bà con thiếu thốn phương tiện giải trí, nên đi đến đâu là họ kéo xem rần rần, dù chỉ là đoàn của xã. Rồi ông tập tành viết bài ca cổ, bài bản tài tử để phục vụ, viết theo cảm xúc về tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ…

Năm 1979, ông được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hậu Giang (Hậu Giang lớn) rút về làm tuyên truyền viên Đội thông tin lưu động. Từ đây, ông bắt đầu một hành trình mới với nhiều đợt phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trên địa bàn rất rộng. Mỗi đợt đi phục vụ kéo dài hàng tháng trời. Thời đó, phương tiện đi lại khó khăn, lại nghèo, nên sống nhờ vào dân rất nhiều. Người dân rất thương anh em, nên có gì là họ mang lại cho. Anh em biểu diễn với phương tiện đơn giản, nhưng thấy ấm lòng vì tình cảm của bà con dành cho mình…

Đi nhiều, cảm xúc cũng được nuôi dưỡng nhiều, nên ông viết nhiều hơn, ca từ, ý tưởng cũng dày dặn hơn. Cùng với đó, ông bắt đầu viết chập cải lương ngắn để vừa cho đội tuyên truyền biểu diễn phục vụ, vừa xây dựng tác phẩm tham gia các hội thi trong và ngoài tỉnh. Càng gắn bó với cơ sở, ông viết càng sâu, nhưng nhẹ nhàng, đi vào những đề tài gần gũi, phản ánh những vấn đề thiết thực trong cuộc sống. Ông còn viết tiểu phẩm để các ngành tham gia hội thi toàn quốc và đạt khá nhiều huy chương vàng, bạc, đồng cá nhân, tập thể. Ông nói vui, là tác giả, mình luôn ở lại phía sau, nhường hết những vinh quang cho mọi người. Khi một vở diễn kết thúc, khán giả luôn khen diễn viên, chứ ít ai biết đến tác giả. Dù vậy, nhưng với ông, khi đứa con tinh thần của mình được chọn biểu diễn là hạnh phúc lắm rồi!

Hết mình chăm chút những tài năng

Khi tỉnh Hậu Giang thành lập, ông về đây và tiếp tục hành trình mới với muôn vàn khó khăn. Ông xác định, phải tìm kiếm ngay lực lượng tuyên truyền viên đa năng để đáp ứng nhu cầu tuyên truyền của tỉnh. Thế nhưng, lực lượng học hành bài bản ít chịu về và gắn bó, bởi không có nhiều điều kiện để phát huy. Còn lực lượng không chuyên phải rèn giũa nhiều mới có thể đứng trên sân khấu được. Những cái tên như: Thanh Triều, Kim Khéo, Tố Nguyên, Huỳnh Mai… dần được phát hiện qua các cuộc thi hay chính những gương mặt này đến Trung tâm Văn hóa tìm cơ hội mới. Ông không bỏ sót một năng khiếu nào và bắt đầu hành trình tập luyện, tạo điều kiện cho họ có một việc làm để phát huy tài năng, học hành nâng cao trình độ. Sau hơn 10 năm, lực lượng này khá ổn định và từng đi “chinh chiến”, mang về nhiều huy chương cấp khu vực, toàn quốc. Ông chia sẻ: “Mình phải thấy được khả năng của mỗi người để đặt đúng chỗ, nhằm tạo điều kiện cho họ phát huy, để có thể đánh đâu thắng đó”.

Hành trình cống hiến của ông với ngành văn hóa nói chung, lĩnh vực sân khấu nói riêng ở Hậu Giang là không hề nhỏ. Nhưng ông luôn xem đó là trách nhiệm, là niềm đam mê. Khi đã gần đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn thấy mình tràn đầy năng lượng, vẫn đau đáu về lực lượng kế thừa, luôn tìm kiếm và tạo điều kiện để họ phát huy... Qua các hội thi, hội diễn, những gương mặt nào hát được, tuyên truyền hay là ông “đánh dấu” ngay. Khi có hội thi, hội diễn phù hợp với chất giọng nào là ông tìm và gọi họ cộng tác, tạo cơ hội để họ được đứng trên sân khấu, phát huy hết sở trường của mình. Vì thế, lực lượng cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa tỉnh không lúc nào thiếu.

Những tháng ngày làm phong trào, ông gặp và gắn bó với một người đàn em, là đồng nghiệp, hiểu và chia sẻ với công việc vất vả của ông. Bà chịu lui về phía sau để lo cho gia đình, cho ông an tâm công tác. Khi về Hậu Giang công tác, ông lại xa gia đình nhiều hơn. Hai đứa con giao hết cho vợ chăm sóc. Con ông giờ học xong, đã ra trường và có công việc ổn định. Ông nói, thời gian tới, khi công việc bỏ lại phía sau, ông sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình và chắc chắn sẽ viết nhiều hơn. Ông hình dung những tác phẩm chắc sẽ đầy ắp chất liệu cuộc sống, như những gì ông đã trải nghiệm mấy chục năm nay vẫn còn lưu lại trong ký ức và cả những tìm tòi, khám phá để thể hiện những góc khuất trong cuộc sống hiện đại hôm nay!

Tác giả Phạm Thành Chung, sinh năm 1957, là hội viên Hội Sân khấu Việt Nam. Ông sáng tác khoảng 30 ca khúc, tiểu phẩm, bài bản tài tử phục vụ công tác tuyên truyền, hội thi, hội diễn, mang về nhiều huy chương trong và ngoài khu vực.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>