Nét đẹp từ những mái ấm gia đình

28/06/2017 | 08:11 GMT+7

Nhiều gia đình hạnh phúc, xây dựng được nếp sống văn hóa, văn minh, sẽ làm cho xã hội ngày một đẹp hơn. Nét đẹp ấy vẫn đang được giữ gìn, trân trọng !

Bữa cơm của các gia đình được giới thiệu tại hội thi. Với các gia đình, bữa cơm chính là một cách để giữ lửa hạnh phúc.

Cùng giữ lửa, vun bồi hạnh phúc

Trong cuộc sống hiện đại, tất bật, bữa cơm gia đình đang ngày một hiếm dần. Đôi lúc do công việc, nhưng cũng có người vì một lý do chưa thật chính đáng đã lảng tránh điều này. Thế nhưng, những người mà tôi được gặp đã làm cho tôi ngộ ra rằng vẫn còn rất nhiều người đang chắt chiu xây dựng hạnh phúc và tự giữ lửa theo cách của mình. Với họ, dù xã hội có phát triển đến đâu, hạnh phúc đơn giản chỉ là một ngày đi làm vất vả, về được đắm mình trong tiếng cười, nói rôm rả của người thân, được chuyện trò, chia sẻ bên mâm cơm nóng hổi…

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, vẫn đầm ấm với 3 thế hệ. Chị chia sẻ, lúc trước, ông bà còn sống, gia đình 4 thế hệ, vẫn duy trì mâm cơm gia đình, giờ ông bà không còn, nhưng chị vẫn giữ thói quen này cho con, cháu mình. Chị nói, không có sự sum họp này, ngôi nhà sẽ lạnh lẽo lắm. Nên dù có mệt cỡ nào, chị cũng giữ cho bếp nhà mình luôn đỏ lửa. Chị rất kỹ tính, nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ và còn có thói quen trồng hoa kiểng. Chị nói, lúc rảnh rang, cả nhà cùng ngồi ngắm nghía, người ta chạy xe qua, dừng lại trầm trồ, là thấy vui rồi. Chị còn lan tỏa niềm đam mê này với những hộ dân lân cận, để ngày càng có nhiều ngôi nhà, tuyến đường xanh, sạch, đẹp…

Giữ lửa trong mỗi gia đình, ngoài mâm cơm gia đình, mỗi thành viên đều biết vị trí của mình trong gia đình để chung tay xây dựng mái ấm hạnh phúc. Nói nghe dễ, nhưng làm không hề đơn giản, chị Phạm Thị Đặng, ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ, vợ chồng làm sao tránh được những lúc giận hờn. Cái chính là chồng giận, vợ phải bớt lời. Muốn nói gì thì chờ cho họ qua cơn nóng, mình nhỏ nhẹ phân trần, có lỗ gì đâu, mà không khí gia đình lại yên ấm nữa. Chị Đặng thẳng thắn nói: “Giữ được hạnh phúc mấy chục năm cực khổ lắm, vì thế, tôi không ngại chịu thiệt về mình, miễn sao trong ấm ngoài yên. Con dâu tôi ngày mới về, tôi cũng chia sẻ cách sống của gia đình để con bé dần thích nghi. Giờ thì nó giỏi hơn tôi ngày xưa luôn, trong ngoài đều vén khéo”. Chị Thùy Dương được mẹ chồng khen, bẽn lẽn: “Em được mẹ dạy dỗ rất nhiều. Về đây, em quý nhất là từng thành viên đều cố gắng để giữ lửa cho gia đình. Dù các anh chị đã có gia đình riêng, nhưng hễ cuối tuần, mẹ lại nấu ăn và mọi người quây quần. Em dọn dẹp cũng cực, nhưng mà vui. Em sẽ cố gắng để tiếp nối truyền thống này của gia đình”…

Tình gia đình trong một gia đình nhiều thế hệ là một nét đẹp của gia đình Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều gia đình như bà Đặng, chị Hiệp, mỗi một gia đình được giữ lửa, được vun bồi hạnh phúc, sẽ giúp cuộc sống thêm hạnh phúc, sự yêu thương được lan tỏa, cuộc sống thêm đẹp, cũng từ đó phong trào xây dựng gia đình văn hóa sẽ đạt được những thành quả mới và toàn diện hơn!

Tác động và lan tỏa

Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hơn 180.000 gia đình văn hóa được công nhận hàng năm, chiếm trên 94% tổng số hộ dân toàn tỉnh là một con số không nhỏ sau hơn 20 năm xây dựng gia đình văn hóa. Từ những gia đình này, đã có những điển hình tiêu biểu được chọn khen thưởng hàng năm, vào những dịp sơ, tổng kết phong trào. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chia sẻ: “Tôi luôn xem đây là cốt lõi để xây dựng phong trào. Trong những chuyến khảo sát, tôi tìm đến những gia đình để lắng nghe những tâm tư, tình cảm của họ, cách họ xây dựng gia đình văn hóa, những điều họ vẫn chưa hiểu về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa… Từ đó, đề xuất xây dựng hay nhân rộng những mô hình mới cũng sát với thực tế của địa phương”. Những cá nhân điển hình luôn được chọn theo từng thời điểm khác nhau, trong những hội nghị để họ giao lưu, chia sẻ cách thức xây dựng gia đình văn hóa, cách nuôi dạy con cháu chăm ngoan, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình…

Những năm gần đây, Ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức đều khắp ở từng địa phương, tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình, làm cho những mô hình gia đình nổi bật của từng địa phương được nhiều người biết, từ đó, tạo sự tác động xã hội trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Không chỉ vậy, họ còn được tổ chức tham gia hội thi nấu ăn, tạo một bữa cơm ấm cúng, quây quần cùng các thành viên trong gia đình, thi năng khiếu văn nghệ, thể dục thể thao… để họ phát huy sở trường của từng thành viên. Xây dựng nên những sân chơi này cùng góp phần giúp những bếp lửa của mỗi gia đình thêm ấm, kết nối từng thành viên với nhau và là dịp để họ gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm sống, cách để mỗi gia đình giữ được hạnh phúc.

Tham gia Hội thi nấu ăn do tỉnh tổ chức vào sáng ngày 27-6, anh Nguyễn Văn Danh, đến từ thị xã Long Mỹ, là một giáo viên, bày biện món ăn nhanh nhẹn, khéo léo. Anh Danh chia sẻ: “Được chọn đại diện thị xã đi thi, tôi mừng lắm. Vợ chồng tôi mang đến hội thi một bữa ăn mà thường ngày chúng tôi vẫn duy trì trong gia đình mình, đây là bữa ăn của tình yêu thương… Đây là cách mà từng thành viên trong gia đình tôi tạo được trong suốt những năm qua”. Dù cuộc sống có bộn bề, thời gian dành cho gia đình ngày một ít dần, nhưng với từng thành viên trong gia đình tôi, việc giữ những bữa ăn ấm cúng là điều mà mỗi người phải thực hiện, để tạo sự kết nối, chia sẻ và đồng hành cùng nhau trong cuộc sống…”. Hay cặp đôi Phạm Tuấn Lẹ - Võ Thị Kim Nhớ, đến từ huyện Long Mỹ, mang đến cho hội thi một bữa ăn không chỉ ngon mà còn khéo léo nhờ những tạo hình đẹp mắt. Anh chia sẻ: “Món ăn phải ngon và đẹp mắt mới kéo được thành viên trong gia đình trông chờ một bữa ăn ngon. Tôi luôn thích sự hoàn thiện, nên luôn nghĩ ra và bày biện sao cho thật đẹp”…

Họ là đại diện cho những gia đình văn hóa tiêu biểu ở các địa phương, không chỉ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, con cái học hành chăm ngoan, mà họ còn giữ được những bữa cơm truyền thống. Câu chuyện mà họ chia sẻ nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng lại là những cách làm thật hay và ý nghĩa, để ngọn lửa ấm áp được chảy mãi trong mỗi gia đình…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>