Người nặng lòng với múa…

09/06/2017 | 09:18 GMT+7

Lúc thì đi tập huấn, khi thì chuẩn bị dàn dựng cho các đơn vị thi văn nghệ, lúc tập chương trình ở cơ quan nhưng với diễn viên, biên đạo múa Đỗ Đăng Nguyên Luân đó là niềm vui.

Nguyên Luân trong một chuyến biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa.

Đam mê được chắp cánh

Anh đam mê múa từ nhỏ, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ thời phổ thông. Cứ tưởng chỉ tham gia cho vui, nhưng dần, Nguyên Luân đã định hướng cho mình cái nghề, mà lúc đầu anh sợ nói ra với ba, mẹ, vốn là giáo viên, sẽ bị phản đối. Thế nhưng, niềm vui vỡ òa khi chính ba anh là người gợi ý cho con trai thi vào nghệ thuật để phát huy năng khiếu. Năm 1998, anh khăn gói từ Cai Lậy (Tiền Giang) qua Cần Thơ học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật, chuyên ngành múa. Sau 3 năm học, anh về Đoàn Ca múa nhạc kịch Cần Thơ làm diễn viên cho đến năm 2004, lúc chia tách tỉnh, anh cùng đoàn về miền đất mới Hậu Giang và trụ lại cho đến hôm nay.

Nhìn lại quãng thời gian hơn 15 năm theo nghệ thuật, anh nói có lúc nản chí, nghĩ mình sẽ bỏ nghề giữa chừng, vì không thể trang trải được cuộc sống. Thế nhưng, chỉ nghĩ đến không múa nữa là anh đã thấy buồn, nên dần dẹp bỏ ý định, cố gắng trau dồi nghề để có thể phát huy hết khả năng của mình. Những lần đi diễn phục vụ hay tham gia các hội thi chuyên nghiệp toàn quốc đã giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm. Cùng với đó, anh tự xem và nghiên cứu các tác phẩm múa của các nghệ sĩ nổi tiếng, của đồng nghiệp để học hỏi và rút kinh nghiệm, suy nghĩ một cách thể hiện mới để dần hình thành nên một tác phẩm múa độc lập. Anh không ngại bị chê, bởi mỗi lần như vậy là anh lại tiếp tục nghiên cứu, đào sâu để tác phẩm của mình ngày một hoàn thiện hơn. Đây chính là điều giúp anh khắc phục dần những hạn chế để không chỉ làm tốt vai trò của diễn viên múa, mà còn làm biên đạo. Từ khi về Hậu Giang, anh càng phát huy khả năng biên đạo, khi tham gia dàn dựng nhiều chương trình cho nhiều đơn vị ở Hậu Giang tham gia các hội thi, hội diễn. Trong số đó, có nhiều tác phẩm đạt giải cấp khu vực và toàn quốc. Đây là niềm vui và động lực để anh tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

Chăm chút những tài năng…

Công việc ở Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang không quá bận, chỉ tập trung vào từng thời điểm nhất định, nên anh tranh thủ những khoảng thời gian rảnh để dạy múa, dàn dựng một số chương trình văn nghệ quần chúng. Anh chia sẻ, năm 2005, anh lập gia đình. Do vợ không đi làm nên mọi lo toan kinh tế đổ dồn lên vai anh. Lương ở đoàn không đủ trang trải, nên anh phải kiếm cách làm thêm, nhưng sắp xếp để không ảnh hưởng đến việc cơ quan. Rồi cuộc sống cũng dần ổn định, con gái ra đời giúp thêm động lực để anh miệt mài lao động nghệ thuật. Vài tháng nay, vợ anh đã được nhận vào Đoàn làm công tác phục trang, thay cho một cô vừa nghỉ hưu. Anh hồ hởi: “Tôi được tạo điều kiện cho ở tại Đoàn, nên không phải tốn tiền nhà trọ. Giờ vợ đi làm cũng có đồng vô, đồng ra, cuộc sống cũng thoải mái hơn”. Niềm hạnh phúc của anh khi cô con gái 10 tuổi cũng “ngấm” niềm đam mê múa từ cha, nên những lúc anh dạy hay đi dàn dựng, cô bé cũng múa theo và múa rất đẹp. Anh nói sẽ để cho bé phát triển tự nhiên và sẽ tạo điều kiện nếu con theo nghệ thuật, như cha mẹ anh đã từng làm với anh…

Anh còn hăm hở với việc tìm và phát hiện những hạt nhân năng khiếu trong quá trình đi dàn dựng các chương trình và tạo điều kiện để các em phát huy. Từ đó, xây dựng được đội ngũ cộng tác viên ổn định, để khi đoàn cần xây dựng những chương trình lớn, lực lượng tại chỗ không đủ, sẽ có lực lượng này hỗ trợ. Từ đó, cũng chọn được những gương mặt ưu tú và hướng dẫn các em theo múa chuyên nghiệp. Anh chia sẻ, mỗi lần tìm được một em, anh thấy thật hạnh phúc, vì nghề của mình sẽ có thêm một người đồng hành… 

Câu chuyện về con đường đến và gắn bó với nghiệp múa của anh kéo dài mãi bằng những kỷ niệm trong những chuyến biểu diễn phục vụ bà con ở nhiều vùng miền trong cả nước, của hạnh phúc riêng đã trọn vẹn hơn khi vợ anh hiểu, thông cảm và chia sẻ công việc với anh,  về cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi và về những thế hệ đàn em đang tiếp nối mình. Anh khoe đang hoàn tất thủ tục để xin được xét vào Hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Tất cả những niềm vui đó đã giúp anh vượt qua những khó khăn và thử thách của cuộc sống, của nghề, để có thể cống hiến hết mình cho nghệ thuật, xây dựng mái ấm hạnh phúc.

Đỗ Đăng Nguyên Luân hiện là Phó trưởng Phòng Nghệ thuật Múa, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang. Anh có hơn 15 năm làm diễn viên chuyên nghiệp tại Đoàn Ca múa nhạc kịch Cần Thơ, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang. Trong quá trình đó, anh đã tham gia nhiều hội thi, hội diễn chuyên nghiệp với vai trò diễn viên múa; đã dàn dựng hơn 50 chương trình, tác phẩm nghệ thuật cho Đoàn, cho phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương…

 

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>