Nhân tố tạo lan tỏa nhiều phong trào

18/06/2019 | 08:45 GMT+7

Hậu Giang đã xác định gia đình chính là nhân tố chính trong phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và tạo sức lan tỏa cho những phong trào khác.

Tổ chức Hội thi nấu bữa cơm gia đình đã góp phần gắn kết, giữ gìn mái ấm hạnh phúc.

Điểm nhấn xây dựng gia đình văn hóa

Toàn tỉnh có 175.646 gia đình văn hóa, chiếm hơn 90% tổng số hộ, trong đó có 11.142 gia đình văn hóa tiêu biểu. Từ những gia đình này, nhiều phong trào được phát động. Với sự đồng thuận, đồng lòng, góp công của họ, việc phát động, nhân rộng các nội dung trong phong trào như đoàn kết giúp nhau thoát nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa… được thuận lợi hơn.

Từ sức lan tỏa, hàng năm có sơ kết, đánh giá, khen thưởng những điển hình tiêu biểu, đồng thời nhân rộng trong cộng đồng, đã dần tạo được niềm tin cho người dân. Ông Lê Hoàng Tiến, Văn phòng Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Vị Thủy, chia sẻ, từng làm ở cơ sở nhiều, ông là người trực tiếp đi tuyên truyền vận động từ những ngày đầu đến bây giờ, ông nhận thấy khi cuộc sống của người dân ngày càng đủ đầy cả đời sống vật chất và tinh thần, việc vận động cũng nhẹ nhàng theo. Họ tự giác, tự nguyện và địa phương đã ươm mầm cho những mô hình tạo sức lan tỏa”.

Nhiều mô hình, câu lạc bộ hay thời gian qua đã trình làng có thể kể đến là: Mô hình tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, tuyến đường đẹp, khu dân cư thi đua yêu nước kiểu mẫu, câu lạc bộ trồng hoa, câu lạc bộ gia đình văn hóa…, tạo nên những điểm nhấn trong phong trào trong từng giai đoạn.

Tiếp sức gia đình

Là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm, ông Nguyễn Hoàng Nhựt, ở ấp Đông An, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, được người dân ở đây rất nể phục. Hơn 70 tuổi, ông vẫn làm chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân, rồi câu lạc bộ đờn ca tài tử. Mỗi lần sinh hoạt có nhiều nội dung để nói, để vui chơi, nên mọi người không nhàm chán. Ông nói vẫn giữ được mái ấm của mình, nuôi các con trưởng thành và xây dựng cơ ngơi riêng. Lão nông này cũng nghiệm ra rằng, gia đình tác động lớn đến sự trưởng thành của con, nên trong cuộc sống, mọi người luôn nhẹ nhàng, lắng nghe và chia sẻ. Ông rất mừng là các con noi theo cha mẹ để giữ lửa trong gia đình mình…

Việc nâng chất gia đình, nhất là gia đình văn hóa vẫn tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức đa dạng và xem đây là cốt lõi của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa. Trong đó, việc nhân rộng những điển hình tiên tiến trong những dịp sơ, tổng kết, họp mặt được thực hiện đều đặn. Tuyên dương, tổ chức tọa đàm để chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ vững phong trào ở địa phương cũng được gia đình, địa phương chia sẻ thông qua những buổi họp mặt này tiếp tục đi vào chiều sâu, chất lượng, ngấm sâu vào từng người để biến thành hành động, cùng nhau giữ gìn và xây dựng những mái ấm hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ, mỗi năm, dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc…, ngành tổ chức nhiều hoạt động đồng thời chỉ đạo các địa phương tổ chức thi nấu ăn, gia đình với văn hóa giao thông, gia đình tài năng... Bên cạnh đó, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác gia đình cho cán bộ ở cơ sở; in ấn, phát hành tài liệu, tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về gia đình và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ gia đình, từ việc tư vấn, giáo dục hôn nhân, công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Ngành còn xây dựng, hướng dẫn và nâng cao chất lượng các mô hình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng cơ sở giúp nạn nhân bạo lực gia đình…

Toàn tỉnh có 234 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 89 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 214 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Tất cả cùng hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>