Nô nức đón mừng Lễ Sene Dolta

09/10/2018 | 08:01 GMT+7

Những ngày qua, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh nô nức đón mừng Lễ Sene Dolta tưởng nhớ ông bà, cha mẹ quá cố. Năm nay, lễ diễn ra trong 3 ngày từ 29-8 đến 2-9 âm lịch.

Phật tử ở xã Vị Thủy đến chùa Ôchumrứtsa để vệ sinh, dọn dẹp đón mừng lễ.

Sene Dolta có nghĩa là tưởng nhớ, cúng bái ông bà, cha mẹ tại nhà và chùa. Trong đó, ở chùa tổ chức nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của đồng bào. Những ngày qua, các chùa trên địa bàn tỉnh chuẩn bị lễ khá chu đáo.

Mặc dù đang xây cổng nhưng việc chuẩn bị Lễ Sene Dolta của chùa Ôchumrứtsa, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy vẫn khẩn trương. Gần một tuần qua, nhiều phật tử trên địa bàn đến đây quét dọn, vệ sinh khuôn viên chùa; trang trí, treo cờ phướn, cờ phật, cờ Tổ quốc…

Theo ông Danh Bình, Trưởng ban Quản trị chùa Ôchumrứtsa, dù bộn bề đến mấy, phật tử vẫn dành thời gian để chuẩn bị lễ tại chùa sao cho chu đáo, trang trọng. Ngoài việc cúng bái, cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, cầu an cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, thì năm nay chùa còn tổ chức một số trò chơi dân gian như đẩy gậy, đập bóng nước, kéo co…

“Tuy quy mô không lớn nhưng sẽ góp phần tạo không khí vui tươi và càng làm cho lễ thêm đậm đà bản sắc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phát quà cho một số bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó, giúp nhiều hộ Khmer nghèo có điều kiện đón lễ ấm cúng”, ông Bình cho biết thêm.

Còn tại chùa Pôthyvongsa Saron, ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, công tác chuẩn bị lễ cũng tất bật. Ngoài việc trang trí, vệ sinh khuôn viên thì chùa còn đang hoàn tất chánh điện, sala cho kịp lễ.

Ông Danh So, Phó trưởng Ban Quản trị chùa, cho biết: “Những năm qua, nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư lộ, các công trình công cộng nên bà con khá thuận lợi trong phát triển kinh tế nên lễ này bà con có phần phấn khởi hơn”.

Gia đình đồng bào dân tộc Khmer cũng chuẩn bị lễ không kém phần rộn ràng. Con cháu ở xa cũng sớm về sum họp.

Đang công tác tại thành phố Vị Thanh, nhưng lễ này chị Sơn Thị Merry, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, được nghỉ để về nhà. Chị Merry chia sẻ: “Đây được xem là một trong những lễ lớn của đồng bào Khmer nên dù bận rộn hay xa đến mấy tôi cũng tranh thủ về gia đình. Trước hết là để làm lễ báo hiếu với ông bà, sau đó là đi chùa cầu an. Qua đó, mình cũng giáo dục con cháu lòng hiếu thảo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Những năm qua, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều được quan tâm đầu tư nhiều công trình dân sinh, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống bà con ngày một thay đổi, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Lễ này, nhà nào cũng tất bật chuẩn bị nhang đèn, nếp để làm bánh cúng ông bà và dâng lên chùa.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, đời sống đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh thời gian qua có bước phát triển khá. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách chăm lo.

Năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh triển khai, thực hiện tốt các chính sách, hoạt động dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như: phối hợp với ngành chức năng tổ chức thăm, chúc tết 15 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú và thăm, tặng quà cho 90 sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học dự bị Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với ngành chức năng cấp gần 61.100 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Trong năm, tỉnh còn được Trung ương phân bổ trên 15,4 tỉ đồng để thực hiện Chương trình 135… Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu của đồng bào.

 Không khí Lễ Sen Dolta hiện sôi nổi, vui tươi trong từng gia đình, ngôi chùa. Ông Danh Khương, ở ấp 6, xã Vị Thủy, nói: “Mọi thứ cho ngày lễ đã được chuẩn bị đầy đủ”.

Lễ Sene Dolta năm nay diễn ra trong 3 ngày (ngày 29-8 đến 2-9 âm lịch)

Chiều ngày thứ nhất, mỗi gia đình dọn mâm cơm cúng ông bà, cha mẹ đã khuất. Tối đêm đó, đến chùa nghe sư sãi tụng kinh, cầu siêu. Ngày thứ hai, vào buổi trưa, đồng bào chuẩn bị mâm cơm mang vào chùa cúng. Ngày thứ ba, đồng bào chuẩn bị một mâm cơm, mời sư sãi, họ hàng đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố.

Nhân lễ này, lãnh đạo tỉnh cùng sở, ngành, địa phương đến thăm các chùa trên địa bàn tỉnh nhằm chúc đồng bào dân tộc Khmer đón lễ ấm cúng, hạnh phúc…

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>