Ở Câu lạc bộ hát bội “Hương Xưa”

28/07/2017 | 09:29 GMT+7

Một dịp tình cờ, tôi đến gia đình bà Trần Thị Nghi, nghệ nhân hát bội và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát bội “Hương Xưa”, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, để xem bà cùng đồng nghiệp sắm tuồng, mới biết họ vẫn nặng nợ với cái nghề mà giờ đã ít nhiều mai một.

Các nghệ nhân sắm tuồng “Phàn Lê Huê kinh Tây”.

Nói có người muốn xem hát bội, bà Trần Thị Nghi cười rất tươi, hỏi có cần trang điểm, thay trang phục không? Không đợi khách trả lời, bà gọi mấy người bạn diễn ở gần, gọi con trai, con dâu hối hả tụ tập lại. Mỗi người đều tranh thủ vẽ mặt và thay trang phục một cách nhanh chóng. Tuồng đã nằm lòng, máu diễn sẵn có, vậy là diễn…

Tình yêu nghề mãnh liệt

Hỏi về nghề hát bội, mắt bà Trần Thị Nghi sáng rực nhưng cũng chợt vui, chợt buồn khi kể về quá trình theo nghề và theo mãi đến tận bây giờ khi bà đã ngoài 70 tuổi. Là con gái út của ông bầu Dương (Trần Văn Dương), từng đi diễn nhiều tỉnh, thành trong khu vực, bà Trần Thị Nghi thừa hưởng tố chất từ cha nên cũng bám nghiệp. Bà kể, hồi trước giải phóng, theo gánh hát của cha đi diễn tuồng ở nhiều nơi. 12 tuổi, bà đã tập tành lên sân khấu. Lúc đó chưa hiểu nhiều, nhưng đi diễn, lại được tổ nghiệp đãi, được khán giả yêu thích, lại được cha giải thích hiểu cặn kẽ về môn nghệ thuật này, bà càng yêu thích và đeo mang đến tận bây giờ như một cái nghiệp không thể rời.

Rồi bà lập gia đình, sinh lần lượt sáu người con, bà trở về quê cha ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, lập nghiệp đến nay. Nói là lập nghiệp, nhưng bà tụ tập những anh em đam mê, người biết hát bội, người chưa biết, cùng với các con của mình, gồm hai con trai, hai con gái cùng hát với nhau cho đỡ nhớ nghề. Rồi những nơi cúng đình, miếu biết bà hát tốt, bắt đầu mời đi hát, bà lại đứng ra nhận, tập hợp mọi người tập và biểu diễn. Vậy là bà vẫn được sống với nghề, với niềm đam mê và truyền tiếp ngọn lửa cháy bổng ấy cho các con, các cháu của mình, dù thu nhập bấp bênh, cuộc sống vẫn đầy khó khăn. Bà chia sẻ: “Mấy anh em trong CLB này đã ngoài 60 tuổi hết rồi. Mừng là vì có con, cháu tôi cũng yêu thích, nên CLB đang tiếp tục được duy trì và ngày một lớn lên. Hàng tháng, mỗi người gặp nhau một lần để tập tuồng, tập múa bóng rỗi. Bởi nếu hát tuồng không thôi thì đâu thu hút người xem, nên từng thành viên phải biết hết, người đờn cò, người đánh trống, người hát tuồng, người biểu diễn múa bóng rỗi, một loại hình nghệ thuật dân gian với những trò như một tiết mục xiếc: múa dâng bông, biểu diễn với mâm, ly nước, xe đạp, khạp…”.

Mừng đó rồi chợt buồn đó, vì giờ ít người muốn học quá, chỉ có mấy người già đã ngoài 70 tuổi vẫn gắng gượng theo đuổi đam mê!

Vui vì được hát

CLB hát bội “Hương Xưa” thành lập hơn 4 năm nay, do những người làm công tác văn hóa ở huyện Vị Thủy phát hiện và hỗ trợ. Lúc đầu là 11 người, giờ con số này cũng tăng lên. Mới đây nhất, ông Lê Văn Hai, cũng đã 70 tuổi, xin gia nhập vào CLB để được tập tành hát tuồng, bởi ông cũng yêu thích. Ngoài giờ khám, hốt thuốc chữa bệnh từ thiện ở các chùa, ông lại tìm đến đây để được gặp gỡ, chia sẻ niềm đam mê của mình. Ông cho biết: “Ít có nam, nên thường sắm vai tướng, các chị phải giả nam. Tôi vào, mọi người liền giao tập đi để đảm nhận vai tướng, chắc là sẽ có nhiều chuyện phải làm đây”…

Cái nghề này đòi hỏi thuộc tuồng, nên đi đâu, nghệ nhân hát bội cũng mang sách theo. Học thuộc lời rồi đến học cách diễn. Bà Trần Thị Mai, cũng đã ngoài 70 tuổi, đồng hành lâu năm cùng nghề hát bội, thành viên CLB, chia sẻ: “Đã đam mê rồi là khó bỏ. Giờ tôi sức khỏe kém, đang nằm viện đó chứ, nhưng nghe gọi là đến đây, dù tập tí thì mệt, phải nằm nghỉ, nhưng có lẽ vậy mà tôi thấy mình yêu đời hơn, bệnh cũng mau hết”. Sau câu nói là một tiếng cười dài của một người gắn đời mình với nghiệp hát bội, dù rằng, giờ họ đi hát cũng ít, tập trung vào những dịp cúng đình. Mỗi chuyến đi cũng gồng gánh hơn chục người, rồi tự sắm trang phục, đạo cụ lên đường, để rồi trở về, tiền thù lao cũng chỉ vài trăm ngàn đồng một người. Vậy nhưng họ vui vì được hát, vẫn còn người nhớ đến họ…

Những người hát bội ở CLB này muốn làm phong phú thêm cho những buổi đi hát bằng múa bóng rỗi và đây là những tiết mục được chào đón mỗi dịp họ đi biểu diễn. Vì thế, nhiều người trong CLB biết và đặc biệt là con trai và cháu nội của bà Trần Thị Nghi - anh Dương Văn Y và cháu Dương Văn Đến, con của một người con trai khác của bà, có năng khiếu và rất đam mê loại hình này nên đã tự xem và tập luyện một số tiết mục phục vụ các buổi biểu diễn...

Có thể xem là đây là CLB hát bội duy nhất ở Hậu Giang vẫn duy trì hoạt động thường xuyên. Ông Lê Hoàng Tiến, Văn phòng Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Vị Thủy, là người phát hiện, hỗ trợ và chăm bồi cho CLB này, chia sẻ, đã có được CLB này rồi, ông đang muốn thành lập tiếp CLB bóng rỗi, bởi ở huyện Vị Thủy vẫn còn một ít người biết và đam mê loại hình này, nhằm tạo điều kiện phát huy những loại hình độc đáo của dân tộc đang dần mai một.

***

Chia tay họ trong cơn mưa nặng hạt, làm tôi nhớ lại sự vất vả, gian truân của cuộc đời họ, khi họ chọn môn nghệ thuật dân tộc đã qua thời làm niềm đam mê và lặng thầm thắp truyền ngọn lửa ấy cho thế hệ sau…

Hát bội hay hát bộ là cách gọi khác của nghệ thuật tuồng, du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ 13. Đây là loại hình mang nặng tính ước lệ và khuếch đại hơn sự thật ngoài đời. Trước khi cải lương, kịch nói cùng các loại hình ca diễn khác xuất hiện, hát bội được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nam bộ.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>