Ông Nguyễn Phúc Anh, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Hậu Giang: Quyết tâm đạt 3 huy chương các loại

23/07/2018 | 10:53 GMT+7

Hậu Giang đang xây dựng chương trình và tiến hành tập luyện để tham dự 2 hội thi, hội diễn lớn cấp khu vực và toàn quốc, ông Nguyễn Phúc Anh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi xoay quanh công tác chuẩn bị.

10 ngày nữa là Hậu Giang sẽ tham gia Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, công tác chuẩn bị đang tiến hành thế nào, thưa ông ?

- Hội diễn được tổ chức 2 năm một lần, dành cho các diễn viên không chuyên, được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành trong khu vực. Năm nay, An Giang đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 1 đến 5-8. Đã là lần thứ 16, nên Hậu Giang quen và việc chuẩn bị xây dựng chương trình, chọn diễn viên, đạo diễn đến việc triển khai tập luyện, chúng tôi tiến hành từ hơn 1 tháng nay. Việc tập luyện đang diễn ra ở giai đoạn nước rút.

Vậy chương trình có nét gì đặc sắc, thưa ông ?

- Chương trình của Hậu Giang gồm 5 tiết mục: ca múa, đơn ca có tốp múa minh họa, múa độc lập. Các tiết mục tập trung thể hiện nét đặc sắc của vùng đất và con người Hậu Giang, sự đổi thay của tỉnh nhà sau một chặng đường thành lập. Đặc biệt, tiết mục bắt buộc do Ban Tổ chức quy định về Bác Tôn, chúng tôi chọn thể loại ca tài tử. Bài hát “Bác Tôn với Côn Sơn” do Thanh Tùng và Ánh Hồng viết lời, tốp nam nữ biểu diễn. Một bức tranh đa sắc với sự dàn dựng hiện đại, trẻ trung, được thể hiện bởi các diễn viên không chuyên, nhưng có sự chọn lựa kỹ càng từ phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh, hứa hẹn sẽ tạo một dấu ấn.

Đây là dịp để Hậu Giang giới thiệu về tiềm năng du lịch ?

- Chúng tôi có tham vọng không chỉ mang đến hội diễn những tiết mục đặc sắc, có đầu tư, thể hiện sự bứt phá vươn lên của Hậu Giang, mà còn muốn nhân cơ hội giới thiệu về tiềm năng du lịch thông qua hình ảnh tư liệu về những điểm đến ấn tượng để minh họa cho chủ đề của chương trình.

Điểm đặc biệt mà đơn vị Hậu Giang muốn mang đến hội thi lần này là chúng tôi sẽ có một dàn nhạc sống trực tiếp trên sân khấu, làm tăng thêm sự sôi động, hào hứng và cũng là chất xúc tác để các nghệ sĩ cống hiến hết mình. Dàn nhạc công này cũng sẽ được tận dụng để cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình đi biểu diễn phục vụ Nhân dân ở An Giang.

Chương trình hoành tráng, nên việc đầu tư chắc cũng kỳ công, thưa ông ?

- Vì là lực lượng không chuyên, nên phải chọn lọc và tập hợp sớm. Rồi việc xây dựng chương trình, lên kế hoạch tập luyện cũng sát với yêu cầu của từng diễn viên, để tạo điều kiện cho họ vừa hoàn thành công việc chuyên môn, vừa tham gia tập luyện hiệu quả. Chúng tôi tận dụng tối đa lực lượng “cây nhà lá vườn” để xây dựng và dàn dựng chương trình, chỉ một tiết mục múa đơn là mời nghệ sĩ múa Vinh Hiển dàn dựng. Được đầu tư gần 400 triệu đồng, chưa phải là cao, nhưng cũng đủ để có được một chương trình có chất nghệ thuật.

Sau hội diễn này, Hậu Giang sẽ tiếp tục tham gia một hội thi nào cấp toàn quốc, thưa ông ?

- Là Hội thi sân khấu kịch ngắn, kịch vui không chuyên toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tổ chức tại tỉnh Quảng Nam vào đầu tháng 9. Hội thi gồm có 2 phần: diễu hành xe cổ động tuyên truyền trên các tuyến đường và hội thi sân khấu với một vở kịch ngắn, kịch vui có thời lượng không quá 30 phút. Chúng tôi cũng đã lên ý tưởng, chuẩn bị lực lượng tham gia, để sau hội thi ở An Giang, sẽ bắt tay vào tập ngay.

Hậu Giang đặt chỉ tiêu cho hai hội thi lớn này ra sao, thưa ông ?

- Với Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVI, chúng tôi quyết tâm đạt 3 huy chương các loại. Còn với Hội thi sân khấu kịch ngắn, kịch vui không chuyên toàn quốc, chúng tôi tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi, không đặt nặng chỉ tiêu, nhưng sẽ quyết tâm tập luyện để có một chương trình tham dự tốt nhất.

Xin cảm ơn ông và chúc cho Hậu Giang đạt kết quả mong đợi từ hai hội thi lớn này !

VĨNH TRÀ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>