Quả ngọt !

09/02/2019 | 19:33 GMT+7

Gọi là quả ngọt một hành trình hoàn toàn có cơ sở, bởi những nhạc sĩ đã có sự bứt phá ngoạn mục vươn lên khẳng định mình từ con số 0... Để hôm nay, những nhạc sĩ Hậu Giang có thể mỉm cười và nói với nhau rằng mình đã làm hết sức để mang đến một bức tranh âm nhạc đa sắc...

Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, người góp phần đưa âm nhạc Hậu Giang bứt phá.

Những ai từng trải qua vô vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập tỉnh sẽ không bao giờ quên cảnh cái gì cũng thiếu. Nhưng cái thiếu về âm nhạc làm cho con người ta bứt rứt, nhất là những người làm công tác văn hóa, văn nghệ. Trải qua một hành trình 15 năm, bây giờ, bức tranh âm nhạc đã mang sắc màu tươi sáng…

Khởi đầu gian nan

Khi mới thành lập tỉnh, ngay chính bản thân tôi rất sợ đi đâu, mà tới phần văn nghệ, người ta kêu hát bài về Hậu Giang, bởi chưa có bài nào để hát. Có lẽ nhạc sĩ Sơn Hà chính là người thấu hiểu điều này, nên anh quyết tâm tạo nên sự đột phá bằng việc mở màn ca khúc “Về Hậu Giang nhé em”. Lúc đó, anh chia sẻ rằng, anh viết với mong muốn kêu gọi những nhân tài về xây dựng quê hương Hậu Giang, dù khó khăn, nhưng vùng đất này, con người ở đây chơn chất, hiền lành. Về đây là về với chốn bình yên của tiếng ru ầu ơ của mẹ, với điệu hò, lời ca ngọt lịm, với miền đất đang rất cần bàn tay con người khai phá. Vậy là suốt một thời gian dài, đi đâu, cũng nghe bài hát này, riết rồi ai cũng thuộc, bởi lời ca như tiếng ru, ngọt ngào, da diết, đọng lại trong lòng người.

Từ sự khơi nguồn này, các nhạc sĩ Hậu Giang lúc đó chỉ có vài người, nhưng tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác,  lắng nghe những thanh âm cuộc sống của vùng đất mới để viết nên những ca khúc bằng cảm xúc của mình. Nhạc sĩ Vĩnh Phúc, Phân hội phó Phân hội Âm nhạc, tỉnh Hậu Giang, suy tư: “Những buổi chiều hơn 5 giờ là không tìm ra quán có cơm ăn, đã giúp tôi có dịp chạy lòng vòng trong thị xã để ngắm đường sá thưa thớt xe cộ và người qua lại. Tôi chợt phát hiện ra Vị Thanh có quá nhiều ngã tư dù đường nhỏ và ngắn, nhìn ngắm cũng rất thú vị. Điều này làm tôi nảy sinh ra sẽ viết một bài hát về đô thị nhỏ xinh có dòng Xà No trải dài này”. Từ những cảm xúc ban đầu đó đã dần giúp các nhạc sĩ có thêm vốn sống về vùng đất mới, cộng với cảm xúc dày dặn, đã làm nên những sản phẩm âm nhạc đậm đà hương vị… 

Các chương trình nghệ thuật của Hậu Giang đã sử dụng nhiều sáng tác của nhạc sĩ tỉnh nhà.

Khẳng định bằng tác phẩm

15 năm, một hành trình không dài, nhưng để âm nhạc Hậu Giang có sự bứt phá, với hàng trăm tác phẩm. Trong số này, nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn trong lòng người nghe, như: “Bảy dòng sông nhớ”, “Ngẫu hứng đêm Xà No”, “Điệu huê tình trên sông nước” của nhạc sĩ Sơn Hà; “Vị Thanh thành phố tôi yêu”, “Hương sắc  Vị Thanh”, “Yêu lắm Hậu Giang”, “Về lại Lung Ngọc Hoàng”, “Huyền thoại Xà No”… của nhạc sĩ Vĩnh Phúc,…; “Sông chiều”, “Trầm tích” của Trung Hậu hay Ngụy Hoàng Thống với “Phụng Hiệp khúc tình ca”, “Xà No khúc hoài niệm”, “Hậu Giang ơi! Tiếng gọi lòng tôi”, Em là cô gái Hậu Giang của Thu Phương… Những sáng tác này càng đa dạng, đã tạo cho âm nhạc một sức sống mới. Những người tham dự hội thi, hội diễn đã không còn khổ sở tìm tác phẩm hát về Hậu Giang nữa, mà đã có nhiều tác phẩm để chọn. Đặc biệt, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, đơn vị thường dàn dựng nhiều tiết mục hàng năm để biểu diễn, cũng đã thở phào với lượng ca khúc ngày càng dồi dào. Ông Lê Hoàng Chung, Trưởng đoàn, chia sẻ: “Chúng tôi luôn ưu tiên những ca khúc của các tác giả Hậu Giang để chọn lọc dàn dựng trong các chương trình hàng năm và biểu diễn phục vụ tùy theo từng chủ đề khác nhau”.

Để có một lượng tác phẩm âm nhạc chất lượng, là sự nỗ lực rất lớn của những nhạc sĩ có tâm, có tài. Trong đó, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Một mặt anh cùng những nhạc sĩ trong phân hội âm nhạc tạo điều kiện cho hội viên đi thực tế sáng tác, tổ chức cuộc thi sáng tác, tìm kiếm và chăm bồi những nhân tố mới. Mặt khác, trong mối quan hệ của mình với những nghệ sĩ nổi tiếng, anh mời gọi, tạo điều kiện cho họ đi thực tế để có những tác phẩm về Hậu Giang. Anh chia sẻ: “Tôi làm hết trách nhiệm của một người con với quê hương. Ngay bản thân mình, tôi luôn nuôi dưỡng cảm xúc, đi để cảm nhận về những đổi thay của quê hương Hậu Giang và thể hiện nó bằng giai điệu. Mỗi lần viết xong, tôi thấy vui và hạnh phúc”.

Tác phẩm “Điệu huê tình trên sông nước” của nhạc sĩ Sơn Hà đã đạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc ĐBSCL.

Bức tranh âm nhạc Hậu Giang dần định hình và các nhạc sĩ không chỉ tham gia sáng tác để phục vụ trong tỉnh, mà bắt đầu chinh phục những giải thưởng khu vực, toàn quốc.

Đủ sức lấp đầy vùng trũng âm nhạc

Gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc vào cuối năm, anh khoe tác phẩm của anh tham dự cuộc thi Sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 2018 đã vào vòng có giải thưởng. Đây là nhạc sĩ từng đạt các giải nhất, nhì của cuộc thi này. Anh còn đạt giải B và C tại các cuộc thi âm nhạc của các bộ, ngành Trung ương. Với anh, vùng đất mới này đã truyền cảm hứng, giúp anh có những thành công trên con đường nghệ thuật. Ngày đó, cùng chịu cảnh khó khăn chung của một tỉnh mới chia tách, nhưng nếu mọi người thấy xứ Vị Thanh này buồn, thì anh lại quan sát và nhận thấy ở đây có nét đẹp riêng, từ những con đường, góc phố, tất cả đều được anh thể hiện bằng những ca khúc ngọt ngào, da diết. Mỗi nơi đi qua đều được anh chắt chiu để trở về trong những sáng tác của mình. Rồi anh khoe: “15 năm ấy để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi vừa thể hiện cảm xúc ấy bằng ba ca khúc viết trong năm 2018 là “Thành phố nỗi nhớ trong tôi”, “Thương nhớ Hậu Giang” và “Thành phố tỏa sáng tương lai””… Bức tranh sôi động của một thành phố trẻ Vị Thanh, sự đổi thay của quê hương Hậu Giang qua cảm xúc của anh thật đầy đặn…

Cũng là người từng chinh phục giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL cách đây 2 năm, nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống vẫn còn giữ nguyên cảm xúc của ngày nhận tin ca khúc “Phụng Hiệp khúc tình ca” đạt giải cao nhất. Anh chia sẻ rằng, đã chọn Hậu Giang làm quê hương và viết ra bằng cảm xúc của chính trái tim mình. Nhất là vùng đất Phụng Hiệp, nơi anh gắn bó mấy chục năm nay. Lời ca, giai điệu nhẹ nhàng, da diết đã chinh phục hội đồng giám khảo để giành giải cao nhất: “Phụng Hiệp ơi! Câu hò gợi nhớ. Ai có về thăm ghé Lung Ngọc Hoàng, theo gió nhẹ đưa thơm mát hương tràm. Về vùng căn cứ dấu xưa anh hùng. Về đây, ta sống cho trọn tình quê”. Ca khúc là nỗi nhớ nhung, là tình yêu và cũng là lời mời gọi cùng ghé thăm miền quê yên bình, đồng xanh, trái ngọt, giờ đang vươn lên phát triển…

Nhạc sĩ Vĩnh Phúc (bìa trái), là đầu tàu, hết lòng hỗ trợ và gắn kết, tạo điều kiện để nhạc sĩ viết và phổ biến tác phẩm.

Các tác phẩm đạt giải tại Liên hoan âm nhạc ĐBSCL được tổ chức tại Hậu Giang vào cuối năm 2017 cũng là một dấu ấn cho nhạc sĩ Hậu Giang, mà còn gây ngạc nhiên cho những nghệ sĩ trong và ngoài khu vực ĐBSCL. Hậu Giang có 2 tác phẩm đạt giải A là “Điệu huê tình trên sông nước” (Sơn Hà) và “Hậu Giang một dòng sông” (Vĩnh Phúc). Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, đã không thể ngồi yên khi nghe hai tác phẩm này. Ông bày tỏ ngạc nhiên, bởi sự phát triển vượt bậc của âm nhạc Hậu Giang. Các nhạc sĩ ở vùng đất mới đã khẳng định tài năng bằng những tác phẩm vừa ngọt ngào, sâu lắng, da diết, đậm đà chất quê, nhưng được phối mới lạ, hiện đại. Đây là điều cần phát huy để âm nhạc vùng đất mới này cất cánh…

***

Giờ, gia tài âm nhạc của Hậu Giang không chỉ là những sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trần Long Ẩn với “Người Hậu Giang”, “Bên dòng Xà No” của Lê Nghiệp những ngày đầu chia tách, mà đã có hàng trăm tác phẩm hay, lấp đầy dần một vùng trũng âm nhạc, khẳng định sự bứt phá bằng tấm lòng, cái tâm của những người con ngấm cái tình, cái nghĩa của vùng đất mới…

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>