Sâu lắng hồn quê qua từng tác phẩm

08/12/2017 | 08:00 GMT+7

Tác giả Lê Thị Thu Tâm luôn khiến đồng nghiệp, khán giả trân trọng, khi có tác phẩm trình làng, ai cũng cảm nhận được sự chắt chiu của cảm xúc, của trải nghiệm và cảm xúc ấy được chị nuôi dưỡng bằng sự đầu tư nghiêm túc !

30 năm gắn bó với nghề, với nghiệp

Tác giả Lê Thị Thu Tâm là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Phụng Hiệp, Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Chị có cách nói chuyện rất nhẹ nhàng và nụ cười rất đẹp thu hút người đối diện, nhưng có chút đượm buồn. Chị bắt đầu câu chuyện về cơ duyên đến với nghệ thuật từ khi chị học hết cấp 2, vào năm 1984. Gia đình chị đông anh em lắm, học hết lớp 9, phần vì gần nhà không có trường cấp 3, phần vì gia cảnh cũng khó khăn, nên chị nghỉ học để đi làm, vào công tác tại Trạm truyền thanh xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Đây là khoảng thời gian phong trào văn nghệ ở Phụng Hiệp, đặc biệt là xã Hòa An phát triển rất mạnh. Vốn cũng có chất giọng, lại có vóc dáng ưa nhìn, nên chị lại được phát huy năng khiếu nghệ thuật của mình. Vậy là từ đó, chị gắn bó với nghề đã ngót 30 năm…

Trong suốt khoảng thời gian đó, chị là thành viên Đội văn nghệ huyện Phụng Hiệp, may mắn được tham dự một lớp tập huấn viết kịch bản sân khấu. Thời đó, nhờ có các bậc đàn anh như soạn giả Nhâm Hùng, Nhâm Kính, nhạc sĩ Sơn Hà…, chia sẻ, hướng dẫn nên chị cũng thích và tập tành viết kịch. Đề tài chị chọn là về phong cách, đạo đức của một người đảng viên và  trách nhiệm của họ với quê hương, xứ sở. Chị cũng từng viết chung kịch bản với soạn giả Nhâm Hùng, để tham dự Liên hoan các nhà văn hóa lao động toàn quốc vào năm 1993. Đến năm 1994, chị đoạt giải “Tuyên truyền viên xuất sắc” tại Hội thi Thông tin lưu động toàn quốc… Giai đoạn này chị cũng viết rất nhiều, vừa kịch, vừa ca cổ, lại vừa tham gia diễn xuất. Chị nói vui: “Tôi khâm phục những người đồng nghiệp, họ khoe cứ cảm xúc đến là ngồi viết liền một mạch. Tôi không có vậy, khi nào bị “thúc ép” lắm mới viết được”. Chị nói vậy, nhưng tác phẩm của chị lại là sự chắt chiu của cảm xúc, của trải nghiệm. Cảm xúc ấy được nuôi dưỡng bằng sự đầu tư nghiêm túc, nếu không muốn nói là khá cầu toàn.

Những năm gần đây, chị viết cũng khá nhiều và đoạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh, khu vực, ấn tượng nhất là giải nhất cuộc thi Sáng tác kịch bản, chặp cải lương khu vực ĐBSCL năm 2015 với kịch bản “Hồn chim”, một đề tài về bảo vệ môi trường. Năm 2016, chị cũng tập hợp khoảng 20 bài ca cổ của mình thành một tuyển tập mang tên “Câu hò sông quê”, là những trải nghiệm, những tình cảm với quê hương được chắt chiu từ những cảm xúc. Lời ca ngọt ngào, da diết, có lời ru ngọt ngào của mẹ, có những đồng lúa xanh thấp thoáng cánh cò, có con sông quê thả trôi những câu hò nhớ thương…

Đời nghệ sĩ cũng lắm gian truân

Chính là tình yêu sâu nặng và đầy trách nhiệm của người con nặng lòng với quê hương, của một người làm nghệ thuật nghiêm túc mới làm được điều đó. Gặp chị những ngày này, ngoài tất bật của công việc thường nhật, chị đang nghiền ngẫm cho kế hoạch mừng Đảng, mừng Xuân của huyện Phụng Hiệp, chuẩn bị thai nghén tác phẩm kỷ niệm 15 năm chia tách tỉnh. Ở cương vị Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu, chị cũng còn nhiều trăn trở là làm sao tạo điều kiện cho hội viên được trải nghiệm nhiều, tác phẩm của họ đến gần hơn với công chúng… Chị nói nhiều dự định lắm, nhưng sợ nói trước bước không qua. Trong khả năng của mình, mình cứ làm, vậy thôi!

Người ta nói đời nghệ sĩ lắm vui nhưng cũng đầy nỗi buồn và càng trắc trở, họ càng viết sâu sắc. Với chị, con đường nghệ thuật có thành tựu bao nhiêu thì cuộc sống riêng lại lắm nỗi buồn. Mối tình của chị và anh, cũng là một người cùng ngành, đẹp lãng mạn lắm, nhưng rồi hạnh phúc ấy không ở với chị lâu. Anh ra đi sau cơn bạo bệnh, để lại chị với cô con gái 14 tuổi. Hơn 10 năm nay, trong cả hai vai trò người mẹ và người cha, chị đã chăm chút cho cô con gái của mình học hành đàng hoàng. Mỗi chiều, sau giờ làm việc là chị dành hết thời gian cho gia đình, cho ngôi nhà ấy ấm cúng, rộn vui như những ngày còn anh. Chị nói, ở ngoài đã vất vả, gia đình chính là nơi bình yên nhất để chị suy ngẫm mọi thứ.

Dù không nói ra, nhưng qua cách chị chăm chút cho gia đình, cho cô con gái duy nhất đang học đại học, tôi hiểu, chị đã giấu nỗi niềm riêng phía sau nụ cười buồn, để làm tròn trách nhiệm của trụ cột gia đình. Niềm vui và hạnh phúc của chị ngoài công việc, còn là được thấy con gái ngoan ngoãn, học giỏi và tìm được một công việc thích hợp… Chị nói, con bé hát hay lắm nhưng chị không hướng theo nghệ thuật. Bởi chị không muốn con bước vào con đường chị đã trải qua, gian truân lắm…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>