Sôi động, chất lượng

28/06/2019 | 07:55 GMT+7

Hội thi “Tìm hiểu kiến thức công tác gia đình và trật tự, an toàn giao thông” tỉnh Hậu Giang năm 2019, do Ban chỉ đạo công tác gia đình phối hợp tổ chức, là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động chào mừng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Gia đình Việt Nam và Năm an toàn giao thông 2019 trên địa bàn tỉnh.

Phần thi tiểu phẩm của đơn vị thành phố Vị Thanh.

Hội thi diễn ra sáng 27-6, với sự tham gia của 8 đội, là các gia đình 3 thế hệ, đến từ 8 huyện, thị, thành trong tỉnh. Họ là những đại diện tiêu biểu cho hàng ngàn gia đình khác trong toàn tỉnh đã đến đây, tham dự ngày hội, không chỉ có ý nghĩa giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cho gia đình mình, xây dựng mái ấm hạnh phúc, mà còn thấy được trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện bình đẳng giới… Bà Nguyễn Thị Đây, xã Vĩnh Thuận Tây, đại diện cho đơn vị Vị Thủy tham gia Hội thi, hồ hởi: “Gia đình tôi hôm nay đến đây, gồm có con trai, con gái, con dâu và cháu nội. Chúng tôi đã tập luyện, soạn các câu trả lời rất kỹ để học. Qua đó, cũng biết thêm nhiều điều nay để cùng chăm chút cho gia đình của mình ngày thêm hạnh phúc…”. Đây cũng là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm ở địa phương. Không chỉ nuôi dạy con thành đạt,  mà bà còn chỉ các con biết quan tâm đến cộng đồng, cùng giữ gìn nếp nhà, xây dựng môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp…

Mỗi đội sẽ tham gia 3 phần thi: “Tự giới thiệu”, “Trả lời câu hỏi” và “Tiểu phẩm”. Mỗi phần thi đều có cái hay riêng, đòi hỏi mỗi thành viên trong đội thi không chỉ am hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa. Những tình huống được đặt ra qua các tiểu phẩm dự thi rất gần gũi với đời sống như: những hệ lụy trong việc lấn chiếm lòng lề đường, làm che khuất tầm nhìn của các phương tiện giao thông, dễ dẫn đến va, quẹt; việc xây dựng và giữ gìn mái ấm hạnh phúc; cách giáo dục con cái biết yêu thương, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, chăm chỉ học hành để xây dựng tương lai.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, hội thi sôi động, chất lượng. Các đơn vị đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nếu như  phần “Tự giới thiệu”, các đơn vị đã tận dụng các thể loại hò, vè… để làm sinh động cho phần thi, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, thì trong phần thi “Trả lời câu hỏi”, họ lại có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trả lời trọn vẹn. Để làm được điều này, mỗi thí sinh phải chuẩn bị chu đáo. Nhất là phần thi kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa… Các câu hỏi không khó, nhưng đòi hỏi mỗi đội phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hiểu vấn đề mới có thể nói đúng, nói đủ. Hay trong phần này còn có câu hỏi tình huống, càng đòi hỏi họ không chỉ am hiểu các luật trên, mà phải có phong kiến thức rộng để có thể có cách trả lời thuyết phục, hợp lý, hợp tình.

Mỗi câu chuyện là một bài học, được thể hiện nhẹ nhàng, sâu sắc, vừa đáp ứng với yêu cầu đặt ra cho một cuộc thi, vừa trang bị thêm nhiều kiến thức về gia đình, xã hội cho mỗi thành viên trong gia đình, để họ hiểu, biết cách ứng hành xử, để cùng nhau xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Đặc biệt, các đơn vị đã tận dụng hình thức sân khấu hóa, hiệu ứng tuyên truyền cổ động trực quan để làm đậm lên điều muốn chuyển tải trong phần thi “Tiểu phẩm”. Đây là phần thi khó, đòi hỏi mỗi thành viên phải biết diễn và thể hiện theo một kịch bản, có tình tiết, cao trào, có thắt và gỡ nút. Các đơn vị đã rất chú trọng khai thác khả năng diễn xuất của từng thành viên để xây dựng kịch bản vừa sức, chuyển tải được nội dung cần bàn một cách trọn vẹn. Như đơn vị Vị Thủy, khai thác vấn đề lấn chiếm lòng lề đường buôn bán gây mất trật tự, vẻ mỹ quan của đô thị, lại gây ra nhiều hệ lụy; hay đơn vị thành phố Vị Thanh đã mang đến câu chuyện về bạo hành trong gia đình. Bằng sự yêu thương, chia sẻ, không quay lưng lại của người thân, sự quan tâm, tuyên truyền vận động của địa phương, làm cho người có hành vi bạo lực gia đình bỏ đi hành động không hay, để sống tốt, làm gương cho con cháu noi theo; hay đơn vị thị xã Long Mỹ đã đưa những vấn đề về vi phạm Luật Giao thông hiện nay ở những người trẻ khi tham gia giao thông. Qua đó, lồng ghép yếu tố giáo dục của gia đình để họ nhận ra những lỗi lầm để khắc phục.

Hội thi đã khép lại, như những câu chuyện mà từng đội đề cập đến về cách xây dựng gia đình hạnh phúc hay những vấn nạn bạo lực gia đình; về ý thức chấp hành Luật Giao thông, Luật Bình đẳng giới…, vẫn đọng lại, làm mỗi người suy nghĩ, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm để sống tốt hơn, cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững…

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đơn vị huyện Châu Thành, giải nhì cho đơn vị thị xã Long Mỹ và giải ba cho đơn vị huyện Châu Thành A. Ngoài ra, còn có 5 giải khuyến khích và 3 giải dành cho đơn vị có phần tự giới thiệu, tiểu phẩm xuất sắc nhất và thí sinh xuất sắc nhất.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>