Sự thấu cảm ở các game show

03/07/2017 | 08:08 GMT+7

Còn nhớ đề thi ngữ văn ở Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 mới đây có bàn đến sự “thấu cảm”. Khi nghe từ vừa lạ, vừa quen này, nhiều người đã nhắc các chương trình truyền hình đầy tính nhân văn, mang đến cảm xúc, khơi lòng thiện từ khán giả truyền hình.

Cô Mẫn khiếm thị hát cho ước mơ con gái của mình…

Hầu như tập nào phát sóng cũng thấy nước mắt rơi và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả truyền hình cũng như cộng đồng mạng. Giám khảo khóc, thí sinh khóc, khán giả khóc và người xem cũng khóc theo những phận đời, những tấm lòng trong chương trình “Hát mãi ước mơ”, phát sóng trên HTV7 hàng tuần.

Ngay từ tập đầu tiên phát sóng, “Hát mãi ước mơ” đã lấy lòng người xem, khi biết được nhiều người muốn mang lời ca tiếng hát của mình để giúp đỡ, vun bồi, biến ước mơ thành hiện thực cho gia đình mình, cho bạn bè hoặc chỉ là một cảnh đời mà mình biết đang có cuộc sống gian nan. Đó là cô Mẫn khiếm thị, bị cưa bỏ một bên chân, ngồi xe lăn trên sân khấu để hát cho ước mơ của cô con gái làm công nhân của mình. Cô Mẫn kể rằng, vì hoàn cảnh quá khó khăn, chỉ có hai mẹ con cưu mang nhau, con gái cô đã 32 tuổi, nhưng không dám tìm hạnh phúc cho mình, vì sợ có chồng sẽ chẳng ai lo cho mẹ. Nên cô hát để động viên con và để kiếm một số tiền làm của hồi môn cho con gái. “Ngoài giọng hát ra tôi không có cái gì…”, lời chia sẻ của cô làm nhiều người rơi nước mắt. Bài hát “Những chuyến xe trong cuộc đời” đã thật sự chạm vào cảm xúc người xem từ giọng hát trầm, dung dị, cộng với hình ảnh một cụ già ngồi xe lăn, mắt mù bồi hồi hát lên mấy câu: “Tháng năm dài vui buồn tuổi chồng thêm, ngọt cay cũng mau quên,…”. Người xem cảm nhận đó là chuyến xe cuộc đời của cô và con gái mình!

“Đêm nay nghe tiếng mưa ngồi đây nhớ mẹ. Ở quê nhà, mẹ bây giờ có nhớ con không…”, bài hát “Đêm mưa nhớ mẹ”, được thể hiện qua giọng hát khiếm thính Nguyễn Văn Thọ ở một tập khác của chương trình cũng đã khiến không khí lắng lại, sự cảm thông cũng trỗi lên. Đó còn là anh phóng viên hát cho bé trai bị ung thư; là đôi vợ chồng nghèo mê hát; là cô giáo về hưu hát cho bệnh nhân ung thư… mỗi tập qua đi là nhiều câu chuyện, nhiều tấm lòng được sẻ chia, được bày tỏ, để người ta thấy cuộc sống này thật đẹp và thật đáng sống... Xem chương trình, mọi người thấy lòng mình mở ra hơn, tấm lòng thiện như được khơi dậy.

Nhưng game show nào cũng vậy, ít nhiều sẽ có khen, có chê và cả những scandal. Trong “Hát mãi ước mơ”, hoàn cảnh người cha Đặng Hữu Nghị nuôi hai con bị teo não được hàng trăm ngàn khán giả dõi theo cuộc sống sau khi chương trình lên sóng, nhưng sau đó sự nghi ngờ ập đến, cho rằng anh cố tình trục lợi, lợi dụng thương cảm của mọi người… Nhưng rồi những chuyện không đáng tiếc đó cũng qua đi, vì mọi người cảm thông cho anh, cho hai đứa con dị tật!

Sự thấu cảm trong những chương trình truyền hình hiện nay luôn được đề cao, không chỉ kéo người xem cho nhà đài, mà còn khơi dậy tính nhân văn. “Tiếng hát mãi xanh” (HTV), một sân chơi dành cho các cụ cao niên và cả những người trẻ. Xem “Tiếng hát mãi xanh” người ta nhận ra một điều: “Hãy hiểu và cảm nhận suy nghĩ của ông bà mình, để họ được sống cuộc sống tươi trẻ hơn tuổi của mình”.

Trong nhiều chương trình thuần giải trí khác, không biết vô tình hay hữu ý, vẫn thường xuất hiện những cảnh đời đáng thương, dám vươn lên và khẳng định mình, tạo dấu ấn cho người xem và dù thế nào thì với sự xuất hiện của những “nhân vật thiện nguyện”, những cuộc đời tưởng chừng đã hết đường đi, khổ đến tận cùng nhưng vẫn vươn lên tìm ánh sáng cuộc đời đã làm cho cuộc sống thêm nhiều cảm xúc…

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>