Sự trưởng thành của phân hội âm nhạc

26/06/2017 | 08:34 GMT+7

Nhớ hồi mới thành lập tỉnh, đi đâu cũng chỉ nghe bài “Về Hậu Giang nhé em” của nhạc sĩ Sơn Hà, nhưng sau hơn 10 năm qua, bài hát ca ngợi Hậu Giang nhiều thêm, đội ngũ nhạc sĩ ở tỉnh trẻ cũng đang từng bước trưởng thành, vươn ra tầm khu vực !

 “Nhóm hát với guitare thùng” là một sáng kiến vừa tạo sân chơi và định hướng thị hiếu âm nhạc.

Vẫn còn giữ nguyên cảm xúc vui mừng vì được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống chia sẻ: “Tôi là người làm phong trào, không nghĩ mình theo con đường sáng tác chuyên nghiệp. Khi vào Phân hội Âm nhạc, được gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhạc sĩ đàn anh, được tạo điều kiện để đi thực tế sáng tác, nên tôi thấy mình trưởng thành. Giờ, việc sáng tác lại qua một giai đoạn mới mà tôi biết chắc là đầy khó khăn, vì mình phải vượt qua cái bóng của chính mình để viết những tác phẩm hay hơn nữa…”.

Giống như nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống, những nhạc sĩ ở Hậu Giang đang từng bước khẳng định mình với nhiều cách khác nhau. Mỗi người đều có một công việc riêng, họ đến với âm nhạc do niềm đam mê, nên tận dụng mọi thời gian, từng khoảnh khắc để sáng tác. Từng hội viên luôn tự tạo cơ hội cho mình để đi thực tế sáng tác, chứ không hẳn dựa vào những chuyến thực tế do Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức. Đây chính là những điều làm cho tác phẩm của họ ngày một đa dạng, nhiều màu sắc.

Nhận xét về lực lượng nhạc sĩ ở Hậu Giang, nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang cho rằng, đội ngũ này đang ngày một trưởng thành, đông đúc về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên. Họ đã bắt đầu chinh phục những giải thưởng âm nhạc khu vực. Điển hình như nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống, đạt giải nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc ĐBSCL 2016, với ca khúc “Phụng Hiệp khúc tình ca”. Nhạc sĩ Sơn Hà và nhạc sĩ Vĩnh Phúc đạt 2 HCV với ca khúc “Điệu huê tình trên sông nước”, “Hậu Giang một dòng sông” tại Liên hoan Âm nhạc ĐBSCL vừa tổ chức tại Hậu Giang cách đây không lâu.

Phân hội Âm nhạc có 27 hội viên, khá đa dạng, ở các lĩnh vực sáng tác, đào tạo, hòa âm, phối khí, thanh nhạc… Trong đó, có 8 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đây là con số khá ấn tượng, thể hiện sự chăm chút của những người đầu tàu, để không chỉ đông về số mà còn mạnh về chất. Một điều lạ ở phân hội này là số lượng hội viên giảm. Trước đây, có đến hơn 30 hội viên, cách đây 2 năm còn 22 và mới đây, có 5 hội viên mới được kết nạp. Lý giải về chuyện này, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Phân hội phó Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ: “Vào đây là nơi để sinh hoạt nghề nghiệp nghiêm túc. Vì thế, những ai không mặn mà chúng tôi sẵn sàng xóa tên khỏi danh sách hội viên. Còn lại những người nhiệt tình, ham học hỏi sẽ được tạo mọi điều kiện để phát triển khả năng của mình. Chúng tôi làm điều này lúc đầu cũng bị phản ứng, nhưng với chúng tôi, chất lượng và sự nhiệt tình là trên hết”.

Hiện tại, vẫn còn một số huyện trong tỉnh chưa có hội viên như huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ… Phân hội đang tập trung rà soát để tiếp tục kết nạp những người có năng khiếu và muốn phát triển năng khiếu. Những người làm âm nhạc cũng đã xây dựng được “Nhóm hát với guitare thùng”, để hát biểu diễn phục vụ những ai yêu thích âm nhạc, đồng thời thai nghén một show mini giới thiệu tác giả, tác phẩm mới trong trường học. Sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm cùng sự nhiệt thành của từng thành viên, đã từng bước góp phần tạo nên sự thành công, tiếng vang cho Phân hội Âm nhạc nói riêng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nói chung.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhận xét: “Tôi quá bất ngờ với các tác phẩm của nhạc sĩ ở Hậu Giang. So với các tỉnh, thành khác trong khu vực, đây là đứa em út, nhưng sản phẩm âm nhạc thì các nơi khác phải dè chừng. Điều này thể hiện rõ ở chất lượng từng tác phẩm tham gia Liên hoan Âm nhạc ĐBSCL. 2/7 HCV mà Hậu Giang đạt là hoàn toàn xứng đáng”…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích