Tác giả Ngọc Thảo: Cái duyên của người nặng lòng với quê hương

01/09/2017 | 08:08 GMT+7

Tôi biết tác giả Ngọc Thảo (ảnh) đã lâu, cũng là đồng nghiệp làm báo ở mảng văn nghệ. Biết chị là người năng động, hòa đồng. Nhưng tôi càng bất ngờ hơn khi biết chị còn là một tác giả của rất nhiều bài vọng cổ được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hát. Chị cười hiền: “Tất cả cũng vì cái duyên”…

Tình quê hương qua từng sáng tác

Tác giả Ngọc Thảo nói, chị viết từ những ngày còn trên ghế nhà trường, không chỉ có bài ca cổ mà còn viết truyện ngắn, tạp bút… Những gì quan sát được, tạo cho chị cảm xúc là chị viết. Lúc đầu chỉ mình đọc, rồi cũng gửi đăng ở các tờ báo tuổi học trò. Khi mới rất nhút nhát, ít dám đưa ai hát, nhưng rồi ngày một lớn, chị mạnh dạn hơn, tham gia các cuộc thi và cũng không nhớ từ bao giờ, ca khúc của chị lại được các nghệ sĩ chọn hát. Tôi cũng biết một số tác phẩm của chị, nhưng nghe câu chuyện này, tôi lại tìm thêm để được nghe một số nghệ sĩ như: Trọng Phúc, Quế Trân, Hồng Yến, Thanh Nhường… từng hát và cảm nhận được rằng lời trong ca khúc ngọt ngào, ca từ bình dân, nhẹ nhàng được trau chuốt bằng tình cảm chân thật từ tấm lòng của một người con với quê hương xứ sở. Có lẽ điều này làm cho những bài hát của chị dễ nhớ, dễ đi vào lòng người:

“Tôi về với Hậu Giang một ngày nắng ấm. Sông nước bình yên ru lòng người say đắm thương lắm áo bà ba duyên dáng yêu kiều. Nón lá che nghiêng đôi má ửng hồng. Dòng Xà No mỗi ngày hai lượt, nước lớn nước ròng đâu chở hết nhớ thương. Chiếc áo bà ba xưa một nắng hai sương, nay đã theo người về nơi phố thị. Hãnh diện tự hào chiếc áo quê hương…” (“Thương lắm Hậu Giang”).

Chị nói, những bài ca đó như lời tấm lòng của chị, không có bí quyết viết lách gì hết. Chỉ biết rằng ông nội, ba chị là những nghệ nhân đờn, ca tài tử. Từ nhỏ, chị đã được tắm mình trong những câu hò, lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, cùng với tiếng đờn rao sáu câu ngọt lịm nên đã ngấm vào máu mình lúc nào chẳng hay. Thế nhưng, chị chỉ nghỉ đến con đường sáng tác chuyên nghiệp từ khi vào Đài PT&TH Hậu Giang làm phóng viên vào năm 2004. Cơ duyên này cũng là do lãnh đạo đài lúc đó biết chị, chọn những bài ca chị viết cho những chương trình văn nghệ do Đài tổ chức tham gia. Rồi chị tham gia vào phân hội sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vào năm 2006. Từ đây, chị viết đều tay hơn, tham gia các cuộc thi và có duyên với nhiều giải thưởng. Tất cả làm chị thấy con đường mình chọn là đúng, bởi nó xuất phát từ niềm say mê và tình yêu nghệ thuật, yêu quê hương, đất nước.

Ngã rẽ sang truyền hình của “cô thợ may”

Hồi trước, những tưởng chị sẽ gắn bó với nghề may áo dài truyền thống của gia đình, bởi từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã học và may khá nhuần nhuyễn. Thế nhưng vào năm 2004, là một bước ngoặt lớn, khi được chú Sáu Tuấn (ông Nguyễn Văn Tuấn, lúc đó là Giám đốc Đài PT&TH Hậu Giang - PV) biết và hỏi có muốn về đây làm không, chị gật đầu liền mà cũng chưa hình dung ra mình sẽ làm gì, bởi lúc này hành trang chỉ là cái bằng cấp III và nghề may áo dài cùng mấy bài ca cổ. Mọi việc bỡ ngỡ ban đầu dần qua đi, chị thích ứng được với môi trường năng động trong vai trò phóng viên, rồi biên tập viên và hiện giờ là Phó phòng Văn nghệ - Giải trí, Đài PT&TH Hậu Giang. Đó là cả một quá trình, trong đó có cả những giọt mồ hôi, nước mắt và nụ cười hạnh phúc.

Không chỉ làm việc chuyên môn, chị còn được tạo điều kiện học đại học, tham gia các trại sáng tác, tập huấn, được gặp nhiều soạn giả nổi tiếng. Mỗi lần gặp một người là chị thấy mình trưởng thành, bởi công việc của một phóng viên luôn giúp chị chủ động đặt ra những câu hỏi, công việc của một người sáng tác giúp chị nghiên cứu sâu về cấu trúc, ý tưởng của một bài ca để có thể hỏi và học từ những người đi trước. Tất cả đều được bổ sung, hoàn thiện cho nhau để có được một Ngọc Thảo của hôm nay - năng động, sáng tạo trong công việc, chững chạc, dày dặn trong sáng tác.

Chị nói, nếu không được tạo điều kiện đi nhiều, nghe ngóng nhiều và gặp gỡ nhiều nhân vật hay, chị cũng không viết được gần 50 tác phẩm như vậy. Cảm xúc của chị ngày một đầy đặn hơn từ những người mẹ hiền lành, nhân hậu, từ những câu chuyện về một thời đạn bom trút xuống mảnh đất Hậu Giang ngày xưa, từ những bàn tay cần cù gian khó, đã chung sức, chung lòng dựng xây quê hương Hậu Giang, để đến hôm nay, đang từng bước vươn mình sánh bước với các tỉnh, thành trong khu vực. Những gì cần phản ánh của một phóng viên truyền hình, chị đều thể hiện, nhưng nhiêu đó thôi vẫn chưa nói hết những tâm tư, tình cảm của chị về quê mình, nên chị gửi vào trong tác phẩm. Cùng với đó là sự đầu tư, tìm tòi và tự học cách thể hiện của một bài ca cổ, sưu tầm thật nhiều và tìm hiểu sâu về những câu hò, điệu lý để có thể vận dụng cho phù hợp trong một bài hát, vừa đảm bảo đúng tâm trạng, vừa nhẹ nhàng, gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ. Đây cũng là điều làm cho những sáng tác của chị dễ đi vào lòng người, dù viết về đề tài tưởng chừng khô cứng, như trong bài “Điểm hẹn Hậu Giang”:

“Làm sao quên được những tháng năm mưa bom bão đạn, mẹ chong đèn làm tín hiệu cả đoàn quân. Rau rừng thay cơm lòng vẫn sáng niềm tin, chung thủy sắt son trải bao mùa mưa nắng. Đất anh hùng sanh con cháu hùng anh, xưa đánh đuổi xâm lăng nay xây đời no ấm”.

Sự đổi thay của một miền quê từng chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh trở về ngọt ngào, sâu lắng và nhẹ nhàng trong từng lời ca như ru lòng người của Ngọc Thảo…

***

Khi được hỏi, giờ chị đang viết gì, chị cười và bảo: “Hậu Giang chia tách gần 15 năm, có rất nhiều câu chuyện hay trong quá trình xây dựng quê hương, tôi đang lục tìm trong ký ức cùng với những trải nghiệm thực tế để thể hiện bằng những lời ca, giai điệu…”.

Chị tên thật là Nguyễn Ngọc Thảo, sinh năm 1972, là Hội viên Hội Sân khấu Việt Nam, Phân hội phó Phân hội Sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Chị từng nhận trên 20 giải thưởng nhất, nhì, ba cuộc thi sáng tác ca cổ các tỉnh, thành và khu vực ĐBSCL. Những sáng tác tiêu biểu: “Tình Bác thiêng liêng”, “Trái tim người mẹ”, “Điểm hẹn Hậu Giang”, “Hát với Xà No”, “Người mẹ bên dòng Xà No”, “Thương lắm Hậu Giang”…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>