Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương:

Tác phẩm tham dự triển lãm chất lượng, ấn tượng

29/08/2017 | 12:02 GMT+7

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, thành viên Hội đồng Giám khảo Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII - ĐBSCL lần thứ 22 năm 2017, đã dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc phỏng vấn xoay quanh công tác tổ chức, chất lượng triển lãm và những điều Hậu Giang cần làm để phát huy lĩnh vực mỹ thuật.

Trước tiên, xin ông đánh giá về công tác chuẩn bị, tổ chức triển lãm ở Hậu Giang lần này ?

- Đây là một sự chỉn chu. Từ đây, chúng tôi mới có nảy ra ý tưởng là ghép Triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL với khu vực Đông Nam bộ. Bởi không gian ở đây rộng, thoáng và đẹp, trong khuôn viên của một Trung tâm Hội nghị đa năng. Đây là một hướng nhìn mới khi đầu tư các công trình như thế này, để có thể tận dụng và khai thác công năng.

Theo đánh giá của ông, chất lượng của Triển lãm mỹ thuật lần này như thế nào, thưa ông ?

- Đây là câu hỏi mà năm nào tôi cũng gặp. Rất khó để đánh giá, nhưng có thể thấy rằng, ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực để vươn lên sánh cùng các khu vực khác. Lực lượng hội viên ở khu vực bây giờ khá đông. Năm nay, tác phẩm của các tác giả đa dạng, chất lượng. Đề tài không mới, nhưng họ biết cách làm mới, thả hồn và nâng tầm nghệ thuật lên một bước.

Những năm trước, các tác giả ít chú ý đến tranh sơn dầu, sơn mài, thì năm nay số lượng tăng vọt. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ các tác giả đã chịu khó tìm tòi, đầu tư và đi vào những mảng khó. Bên cạnh đó, các đề tài về cuộc sống đời thường cũng được họ chọn để thể hiện, rất bình dị, nhưng lại tạo ấn tượng với người xem. Cuộc sống đời thường rất đẹp, cớ gì mình không khai thác, mà phải chọn đề tài lớn rồi chuyển tải không hết.

Vậy những hạn chế trong tác phẩm thường là điểm nào, thưa ông ?

- Đó là đề tài cũ, chất liệu không đa dạng và đặc biệt là các tác giả sử dụng nhiều gam màu tối làm cho tác phẩm mang màu sắc buồn, nhạt nhòa. Để khắc phục không gì hơn là mỗi người phải tự làm mới mình, sáng tác nhiều và đa dạng hơn, chịu đầu tư, tìm tòi và khai thác đề tài mới, nếu là đề tài cũ thì cần có góc nhìn, cách thể hiện mới. Theo ý tôi, trong số 200 tác phẩm chọn triển lãm, vẫn còn có một số tác phẩm chưa đẹp, nếu được nên chọn 100 tác phẩm, hay thậm chí 50 tác phẩm thôi. Tôi nói điều này để mong tất cả các tác giả đừng bằng lòng với mình mà hãy luôn phấn đấu, đào sâu suy nghĩ và có sự đầu tư thích đáng cho tác phẩm nghệ thuật.

Thưa ông, ông có nhận xét gì về tác phẩm của các tác giả Hậu Giang ?

- Rất đáng khen ngợi. Xuất phát điểm thấp, nhưng sau một thời gian, số lượng hội viên và chất lượng tác phẩm đã dần định hình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu và các tác giả cần cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện mình, để tác phẩm vươn xa hơn.

Để làm được điều này, họ cần tập trung điều gì, thưa ông ?

- Những hạn chế của cấp khu vực như tôi tạm điểm ra như trên, thì Hậu Giang cũng vướng phải. Cái nữa là tác giả đầu tư cho tác phẩm ít quá, các bức tranh khá nhỏ và đơn giản, chất lượng chưa đồng đều. Các tác giả cần được tạo không khí sáng tác bằng những trại sáng tác, bằng những chuyến tự khám phá cuộc sống, trao đổi, chia sẻ nghề nghiệp lẫn nhau, tổ chức cuộc thi và giao lưu với các tỉnh, thành khác… Tôi hy vọng rằng, trên đà phát triển này, Hậu Giang sẽ tiếp tục có những bước đi đáng thuyết phục trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông !

THU THỦY thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>