Tài sản vô giá của nhạc sĩ “Em đến thăm anh một chiều mưa”...

12/04/2023 | 07:59 GMT+7

Năm nay, tròn 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Tô Vũ, người đã có hơn 90 năm sống và cống hiến cho âm nhạc. Đến giờ, những ca khúc, công trình nghiên cứu âm nhạc của ông vẫn là tài sản vô giá...

Bản in bài hát nổi tiếng “Em đến thăm anh một chiều mưa” khi được xuất bản lần đầu tiên.

Nhạc sĩ Tô Vũ sinh ngày 9-4-1923 tại Bắc Giang, nhưng từ nhỏ sống ở Hải Phòng. Không chỉ là nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc đi vào lòng người, nhạc sĩ còn là nhà nghiên cứu âm nhạc. Một trong những người đặt nền móng đầu tiên, góp phần xây dựng trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Kiến thức sâu rộng và tình yêu âm nhạc Việt Nam nồng ấm, nhạc sĩ Tô Vũ đã miệt mài cống hiến một cách trọn vẹn, gần cả đời mình. Với những đóng góp đó, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhìn vào tài sản âm nhạc, nhiều người nghĩ ông được đào tạo bài bản. Nhưng điều bất ngờ là mọi kiến thức ông đều tự học. Niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu, cộng với tài năng thiên bẩm, đã làm nên một Tô Vũ tài năng, để lại cho đời sau nhiều bài hát, công trình nghiên cứu tầm cỡ.

Những ai yêu thích nhạc trữ tình, lãng mạn, khó thể quên ca khúc “Tạ từ”, “Em đến thăm anh một chiều mưa” hay “Tiếng chuông chiều thu” của ông. Những ca khúc truyền thống cách mạng, phải kể đến “Nhớ ơn Hồ Chí Minh”, “Như hoa hướng dương”, “Cấy chiêm”. Trong đó, nhiều người nhớ nhất vẫn là ca khúc trữ tình lãng mạn “Em đến thăm anh một chiều mưa”, viết về những rung động của chính ông thời trẻ. Ông còn viết nhiều bản khí nhạc dân tộc, nổi bật nhất là “Nông thôn đổi mới”, “Hoàng hôn trên xóm nhỏ”. Đặc biệt, ông còn là tác giả âm nhạc cho sân khấu (tuồng, chèo, cải lương...) và điện ảnh. Hàng chục công trình nghiên cứu về tuồng, chèo, đàn đá, cồng chiêng, những thang âm, điệu thức và nhạc dân gian Việt Nam...

Trở lại những năm 1939, khi ông mới 16 tuổi, lúc này đã cùng anh trai mình là nhạc sĩ Hoàng Quý và một số người bạn là Văn Cao, Canh Thân, Phạm Ngữ lập nên nhóm nhạc Đồng Vọng, ủng hộ mạnh mẽ nền tân nhạc Việt Nam. Lúc này, ông sử dụng tên khai sanh là Hoàng Phú. Nhóm đã sáng tác khoảng 60 ca khúc, với đề tài ca ngợi truyền thống hào hùng của dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Trong số đó, có những ca khúc sống mãi với thời gian như: “Bến xuân” (Văn Cao), “Cô láng giềng” (Hoàng Quý)...

Rồi khi người anh Hoàng Quý qua đời, với lời dặn “Phải tiếp anh nối bước âm nhạc”, nhạc sĩ đã bắt đầu một hành trình đầy nghiêm túc và tâm huyết, với cái tên Tô Vũ. Đây là nghệ danh được một nhà thơ nổi tiếng cùng thời tặng. Nhạc sĩ thấy tên này thú vị, hợp với mình nên nhận ngay và bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với tất cả sự quyết tâm đi tiếp đoạn đường của anh mình còn dang dở... Nhạc sĩ Tô Vũ đã tìm ra con đường để đi và cống hiến, đó là âm nhạc dân tộc. Bằng sự tìm tòi và học hỏi không ngừng nghỉ, bằng tài năng và sự thẩm thấu kiến thức tuyệt vời cộng với sự sáng tạo, nhạc sĩ đã làm cho âm nhạc trở nên gần gũi, mang đậm tính dân tộc, tính đại chúng. Ca từ trong các ca khúc của ông giản dị, dễ hiểu, gợi đến những giá trị tốt đẹp của con người, của cuộc sống và tình yêu, hướng đến sự chân, thiện, mỹ...

Ông mất năm 2014, khi đã tuổi ngoài 90, trọn vẹn với cuộc đời và để lại cho hậu thế một gia tài âm nhạc đồ sộ. Để hôm nay, nhân dịp kỷ niệm ngày ông tròn 100 tuổi, người yêu nhạc lại nhớ về ông với tất cả niềm kính yêu và tri ân về một người đã để lại nhiều tài sản đáng trân quý, một người đã sống trọn đời với âm nhạc dân tộc, góp phần làm rạng rỡ âm nhạc Việt Nam!

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>