Tin ở lực lượng kế thừa

03/06/2019 | 07:34 GMT+7

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh vừa tổ chức thành công Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Hậu Giang năm 2019. Dù số lượng chưa nhiều, nhưng sự nhen nhóm của các nghệ nhân trẻ làm cho những người yêu bộ môn nghệ thuật này thấy mừng và tràn ngập niềm tin...

Nghệ nhân trẻ trên sân khấu tài tử.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết hội thi là dịp để đánh giá một cách toàn diện phong trào đờn ca tài tử của tỉnh. Qua hội thi, không chỉ các nghệ nhân có nghề được gặp gỡ, giao lưu, trau dồi thêm khả năng đờn, ca, mà đây còn là dịp để các nghệ nhân trẻ thể hiện bản lĩnh và niềm đam mê của mình. Từ đó, ngành sẽ có những định hướng phù hợp để phát triển đờn ca tài tử, chăm bồi những nhân tố mới góp phần cho phong trào đờn ca tài tử được duy trì và giữ lửa.

Niềm vui của những nghệ nhân tài tử trong lần hội ngộ ngày, không chỉ là được thi thố khả năng đờn, ca trên sân khấu, mà họ còn thấy được sức trẻ, cho thấy lớp kế thừa đang từng bước trưởng thành, cũng có cả tài năng lẫn đam mê để có thể đảm nhận trọng trách quan trọng, giữ gìn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Chỉ có gần 100 nghệ nhân đờn, ca được chọn lọc từ hàng ngàn nghệ nhân ở hàng trăm câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh, đã mang đến một bức tranh khá đầy đủ về sự phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nó vẫn đang tiếp tục phát huy, lưu truyền, đúng chất cả về số lẫn chất lượng. Ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Trưởng khoa Sân khấu, cải lương, Trường Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ, Trưởng Ban giám khảo Hội thi, chia sẻ: “Lần này về Hậu Giang, tôi rất mừng vì thấy các nghệ nhân ở đây không chỉ đờn hay, mà còn hát giỏi. Gần 100 người tham gia chỉ là bề nổi, vẫn còn một lực lượng rất đông vẫn ngày ngày thể hiện niềm đam mê, cùng góp phần lưu truyền môn nghệ thuật độc đáo này trong dân gian. Tôi cảm nhận được đờn ca tài tử vẫn được giữ gìn và phát huy rất tốt”.

Ở lần thi này, niềm vui của những người đam mê tài tử được nhân lên, khi thấy lực lượng trẻ ngày càng đông, nhất là nghệ nhân ca. Nếu như ở những lần trước, các nghệ nhân quen thuộc như Hoàng Thắm, Hoàng Tân, Thanh Nhanh, Kim Liên, Tuyết Lan, Hoàng Lọng, Thùy Hơn, Thu Duyên, Thanh Bình, Hồng Nhãn…, thì lần này có thêm Hồng Trúc (Châu Thành A) Thanh Tứ, Như Ý (Vị Thanh), Ngọc Gấm (thị xã Long Mỹ). Đây là những giọng ca đầy triển vọng. Mới hơn 10 tuổi, nhưng Thanh Tứ có chất giọng rất tốt, phong cách đĩnh đạc trên sân khấu. Em chia sẻ: “Em đam mê ca lắm. Có người dì là nghệ nhân tài tử, đã dạy em các bài bản tài tử. Càng học, em thấy yêu môn nghệ thuật này và quyết tâm rèn để hát đúng, hát hay. Giờ, được đứng trên sân khấu để ngân nga những giai điệu trầm bổng, ngọt ngào là niềm đam mê của em”. Không chỉ có Thanh Tứ, chị gái của em, Như Ý cũng có chất giọng ngọt ngào, thanh thoát. Rồi, ở các câu lạc bộ đờn ca tài tử, vẫn thấy những giọng ca trẻ, như em Nguyễn Hồng Phúc, 11 tuổi, con gái của nghệ nhân Nguyễn Tùng Lâm (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ), luôn tháp tùng cùng cha mẹ tham gia ở các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương. Em nói rằng, em được cha, mẹ truyền cho niềm đam mê từ rất nhỏ. Giờ, em đang tập hát những bài bản nhỏ và niềm đam mê đang ngày một lớn dần, em chưa hiểu nhiều, chỉ biết giờ mình rất thích, hễ nghe tiếng đờn rao lên là muốn hát…

Lực lượng trẻ hiện nay đang sinh hoạt ở các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh khá nhiều. Họ đang được địa phương tạo điều kiện để phát huy, tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để cọ xát và tôi rèn kỹ năng, bản lĩnh sân khấu... Đây là lực lượng kế thừa đầy tiềm năng, khẳng định sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật độc đáo này vẫn đang tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền, thắp lửa - một ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>