Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII lần thứ 22 tại Hậu Giang: Nhịp sống đồng bằng qua từng tác phẩm

29/08/2017 | 09:36 GMT+7

Đến hẹn lại lên, các tác giả ở lĩnh vực mỹ thuật lại có dịp về Hậu Giang tham gia sân chơi lớn dành cho mình. Họ đã gói ghém vào đó tất cả tình cảm, tâm huyết để giới thiệu với đồng nghiệp, để tự nhìn nhận, soi rọi lại mình qua tác phẩm của đồng nghiệp để tiến bộ hơn…

Một góc Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII-ĐBSCL.

Không gian đầy nghệ thuật

Triển lãm được bài trí trong không gian tầng trệt của Trung tâm Hội nghị tỉnh, vừa rộng, thoáng, đầy đủ ánh sáng. Các tác phẩm được bố trí hài hòa, hợp lý và từng tỉnh, thành có không gian riêng, càng làm tôn vinh thêm vẻ đẹp của tác phẩm, tạo điều kiện cho người đến xem triển lãm cảm nhận được sự thoải mái để thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật được chắt lọc bằng cả hành trình của các tác giả. Tác giả Nguyễn Hữu Thiện (Bến Tre), hồ hởi: “Nơi tổ chức quá lý tưởng. Do rộng và thoáng nên các tác phẩm được bài trí cũng dễ và chúng tôi xem tác phẩm một cách đầy hứng thú. Không gian đẹp, cộng với sự chu đáo của Hậu Giang làm cho chúng tôi đến đây rất thoải mái”.

Là đơn vị chủ nhà, lại là lần đầu tiên tổ chức, nên Hậu Giang tập trung nhiều cho công tác chuẩn bị. Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Trưởng ban Tổ chức Triển lãm, chia sẻ: “Một điều đáng mừng là Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để chúng tôi tổ chức triển lãm và cũng là hoạt động đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang”.

Mọi thứ được chuẩn bị cẩn thận, từ việc làm các khung để treo tranh, đến việc chuẩn bị cờ, băng rôn… đều được thực hiện sớm. Từ ngày 18-8, tỉnh, thành nào mang tác phẩm về đây là được sắp xếp treo ngay, không kể thứ bảy, chủ nhật, có khi cả buổi tối, để kịp với tiến bộ. Tất cả rồi cũng được đặt vào đúng vị trí để sẵn sàng cho việc chấm giải của Ban Giám khảo vào sáng 27-8 và khai mạc vào sáng 28-8. Ban Tổ chức còn bố trí các tiểu ban để phục vụ triển lãm, đặc biệt là đón và đưa các tác giả đến nơi nghỉ và nếu có yêu cầu tham quan Hậu Giang, sẽ được đáp ứng.

Tác phẩm đa dạng, nhiều màu sắc

Nhịp sống đồng bằng không hối hả mà có độ lùi để cảm nhận sự sâu lắng trong từng nét vẽ, trong từng góc nhìn qua các tác phẩm mỹ thuật. Đó chính là sự trải nghiệm, nghiền ngẫm. Năm nay, tác giả vẫn sử dụng chất liệu quen thuộc như bút sắc, khắc gỗ, acrylic, màu nước, lụa, đồ họa… vào tác phẩm của mình. Các tác phẩm đã phản ánh đa dạng, đầy màu sắc về nhịp sống đồng bằng. Đó là những cảnh buôn bán tấp nập trên sông, là những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang tính đặc trưng của các cộng đồng dân tộc; là những sinh hoạt đời thường, nét văn hóa độc đáo riêng của từng tác phẩm. Các tác giả đã chịu khó tìm tòi để tìm một góc nhìn mới từ những điều bình thường, bình dị trong cuộc sống. Nếu như năm trước, tác giả Tạ Thị Ánh Hồng tạo ấn tượng với tác phẩm “Chuối”, thì năm nay, chị tiếp tục tạo dấu ấn riêng và đạt giải B với tác phẩm “Mắt thuyền”. Chị chia sẻ, chị luôn chọn đề tài gần gũi với mình và nghiền ngẫm rất lâu, có khi đến vài tháng. Vẽ xong một chút là ngắm nghía, sửa chữa. Hình ảnh mà chị muốn gởi đến trong tác phẩm này là một phương tiện trên sông rất quen thuộc với người dân miền sông nước và đã đầu tư khá nhiều. Chị hạnh phúc thật sự vì điều mình tâm huyết đã tìm được sự đồng cảm.

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo - những người có điều kiện chấm triển lãm ở rất nhiều khu vực trong cả nước, mỹ thuật đồng bằng đang có sự bứt phá, để sánh cùng các khu vực khác trong cả nước. Các tác phẩm năm nay là một bức tranh nhiều gam màu cuộc sống. Điều đáng ghi nhận là lực lượng ngày một đông, tác phẩm ngày một chất lượng là định hình từng phong cách riêng. Cách thể hiện từ đề tài, đến chất liệu cũng cần tiếp tục có sự đầu tư. Một sự tiến bộ đáng ghi nhận là các tác giả đã có những góc nhìn sâu sắc, đi vào đề tài nhẹ nhàng, gần gũi và chuyển tải khá trọn, tránh dần những bố cục lỏng lẻo, không chuyển tải nổi ý tưởng và đặc biệt là họ đã sử dụng nhiều chất liệu, nhất là sơn dầu, sơn mài, lụa…

Mỹ thuật Hậu Giang hòa nhập

18 tác phẩm của 16 tác giả ở Hậu Giang được bài trí trong không gian khá thoáng, dễ nhìn, nhưng điều thu hút sự quan tâm của nhiều người xem chính là những nét vẽ nhẹ nhàng, gần gũi, như tác giả Nguyễn Duy Dương với 2 tác phẩm “Diễn tập” bằng chất liệu sơn dầu và “Nhịp điệu” với chất liệu khắc gỗ; Nguyễn Thị Hồng Thi với tác phẩm chất liệu sơn dầu “Góc phố”, Trịnh Cao Sơn với tác phẩm bằng chất liệu bút sắt “Mưu sinh”… Họa sĩ Nguyễn Đức Vận, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang, chia sẻ: “Để chuẩn bị tác phẩm cho anh em tham dự cuộc thi do mình đăng cai, không chỉ từng hội viên có ý thức cao trong việc tìm kiếm và thai nghén đề tài, mà Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng ưu tiên những chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, tham dự các trại sáng tác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cùng với đó là các hội viên tự tìm tòi và chọn cho mình một đề tài vừa sức. Chúng tôi còn tổ chức một cuộc thi mỹ thuật cấp tỉnh để mọi người tập trung đầu tư tác phẩm để tham gia và chọn trong số đó những tác phẩm xuất sắc nhất tham dự triển lãm cấp khu vực”.

Được chọn 18 tác phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật lần này là một thành công mới của mỹ thuật Hậu Giang. Được 2 giải khuyến khích cũng làm một thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Dù là cố gắng vẫn chưa thể sánh bằng các tỉnh, thành khác, nhưng đó là nỗ lực của một phân hội còn non trẻ, đang từng bước gầy dựng để song hành cùng sự phát triển của mỹ thuật khu vực và cả nước. Đó là sự cố gắng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đề tài đơn giản, chất liệu chưa đa dạng và góc nhìn chưa mới là những điều mà các tác giả cần nghiên cứu để có hướng khắc phục, nhất là qua những lần thưởng lãm với rất đông những tinh hoa được chắt lọc rất đa dạng, phong phú như triển lãm mỹ thuật khu vực…

Tại Triển lãm Mỹ thuật, Hội đồng Giám khảo cũng chia sẻ là họ trông chờ chính là sự bứt phá của những người trẻ, chứ không quanh quẩn với những cái tên quen thuộc như: Tạ Thị Ánh Hồng (Vĩnh Long), Phan Tiến (Trà Vinh), Nguyễn Hữu Thiện (Bến Tre)…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>