Trưng bày 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật về “Ngày thống nhất đất nước”

24/04/2018 | 16:41 GMT+7

Sáng 24-4, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã tổ chức trưng bày triển lãm “Ngày thống nhất đất nước” tại Di tích Nhà và Hầm D67 (trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long).

Triển lãm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của toàn dân tộc và tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày thống nhất 30-4-1975.

Triển lãm trưng bày 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật theo 2 chủ đề chính: Tổng hành dinh cho ngày toàn thắng và Ngày thống nhất đất nước, tái hiện lại không khí tại Sài Gòn và Thủ đô Hà Nội vào thời khắc lịch sử. Trong đó có một số tài liệu, hình ảnh như: Các cuộc họp quan trọng của Tổng Hành dinh trong những thời khắc lịch sử; các đoàn quân giải phóng lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam; các địa phương đẩy mạnh sản xuất, các phong trào trong sản xuất của các lực lượng...vận chuyển lương thực, quân nhu cho tiền tuyến miền Nam; đoàn quân Giải phóng tiến về Sài Gòn; niềm vui của người dân Sài Gòn; quân Giải phóng tiếp quản Sài Gòn…

Những hiện vật gồm: Sách tư liệu “Thư vào Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn”; giờ “G” của Thượng tướng Trần Văn Trà; “Sức mạnh lòng dân” (bản viết tay) của Thượng tướng Trần Văn Trà; “Cuộc tổng tiến công nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp..

Tại triển lãm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long phối hợp với Công ty TNHH MTV Tem bưu chính giới thiệu 48 phơi tem bưu chính, là các bộ sưu tập tem bưu chính kỷ niệm Ngày 30-4-1975 cũng như các tem bưu chính mang tính chất tuyên truyền cổ vũ phong trào ba đảm đang, ba sẵn sàng trong kháng chiến chống Mỹ.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 30-5.

Tranh ghép tem "Bác cùng chúng cháu hành quân".

Tem về Ngày chiến thắng 30-4-1975.

Sổ ghi chép, bút, cặp đựng tài liệu mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng lúc sinh thời.

Máy điện thoại các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã sử dụng để liên lạc, chỉ huy tác chiến trong giai đoạn từ 1967-1975.

Điện thoại C2, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu sử dụng để chỉ huy tác chiến (1967-1975).

Điện thoại, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đã lắp đặt phục vụ các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương sử dụng chỉ đạo các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ.

Kính, ống nhòm của các đồng chí: Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban tổ chức Trung ương; Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an sử dụng để làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Tổng đài 12 số , Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc sử dụng bảo đảm kết nối thông suốt từ "Tổng hành dinh" với các đơn vị trên chiến trường miền Nam (1969-1975).

Đài của các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu sử dụng nghe tin tức, tình hình chiến sự (1972-1975).

Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài gòn Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng.

Nhân dân Sài Gòn kéo đến Dinh Tổng thống chào mừng Quân giải phóng ngày 30-4-1975.

Đông đảo thanh niên 3 sẵn sàng của khu phố Đống Đa (Hà Nội) lên đường nhập ngũ ngày 25-7-1967.

Tên lửa quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, ngày 30-4-1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các lực lượng chuẩn bị cho chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Đông đảo các em học sinh tham quan triển lãm.

Theo KHÁNH HUYỀN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>