Tự hào người chiến sĩ Hậu Giang

20/12/2017 | 08:41 GMT+7

68 tiết mục ca, múa, độc tấu, kịch được gần 300 diễn viên không chuyên tái hiện trên sân khấu Liên hoan văn nghệ quần chúng Lực lượng vũ trang tỉnh Hậu Giang năm 2017, đã thể hiện sinh động cuộc sống, tinh thần lao động, rèn luyện của người lính thời bình !

Tiết mục ca múa “Linh thiêng Việt Nam” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vị Thủy.

Sắc nét bức tranh người lính thời bình

Đến hẹn lại lên, Liên hoan văn nghệ quần chúng Lực lượng vũ trang là dịp để những người chiến sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu văn nghệ. Với chủ đề “Tự hào người chiến sĩ Hậu Giang”, các đơn vị đã xây dựng những chương trình mang nhiều sắc màu, phản ánh sắc nét bức tranh người lính thời bình. Câu chuyện về người lính hôm nay được các đơn vị chuyển tải thông qua hình tượng nghệ thuật, khắc họa chân dung của anh Bộ đội Cụ Hồ bình dị, kiên cường, luôn biết vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Không còn khói lửa của chiến tranh, những người lính hôm nay ra sức học tập, rèn luyện để có một tâm thế sẵn sàng khi Tổ quốc cần, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Câu chuyện của họ trở nên đẹp hơn, bình dị hơn qua các tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng công phu, thể hiện đa sắc trên sân khấu.

Hai năm mới có một lần, nên mỗi đơn vị đều có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu chọn diễn viên đến xây dựng các tiết mục, tìm kiếm người dàn dựng, tổ chức tập luyện. Biên đạo múa Thanh Đẳng, dàn dựng cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Vì công việc đặc thù, nên các bạn tập luyện cũng khá khó khăn. Hàng tháng trời mới ra được một chương trình. Tôi cố gắng giúp các bạn chuyển tải thông điệp về truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ, sự kế thừa truyền thống ấy của những người chiến sĩ hôm nay”. Chương trình với chủ đề “Sáng mãi niềm tin” của đơn vị này là một điểm sáng tại liên hoan. Chọn và xây dựng các tiết mục bám sát chủ đề, vừa thể hiện truyền thống hào hùng của dân tộc, vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của những người hôm nay. Chương trình còn mang đến thông điệp về sự vươn lên, sống đầy trách nhiệm của những người lính đã từng đi qua chiến tranh, gởi lại một phần thân thể mình lại chiến trường. Con cháu của họ cũng tiếp nối truyền thống ấy, cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành những con người có ích cho xã hội…

Dư vị liên hoan vẫn còn vang vọng

Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trưởng ban Giám khảo liên hoan, đánh giá: “Mỗi chương trình là một bức tranh độc đáo. Các đơn vị đã sáng tạo trong dàn dựng và đặc biệt là sự đầu tư đồng đều của các đơn vị, Ban Giám khảo phải cân nhắc rất kỹ trước khi có kết quả sau cùng. Điều đặc biệt nữa là có khá nhiều chất giọng hay, diễn viên múa tốt, chuyển tải được thông điệp của một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh”. Một số đơn vị đầu tư tốt, chương trình khá tròn, có thể kể đến Ban Chỉ huy Quân sự của huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, Phòng Tham mưu, Phòng Hậu Cần. Những tiết mục được đánh giá cao, như múa “Hoa trên sông” (Vị Thanh), ca múa “Linh thiêng Việt Nam” (Vị Thủy), “Về lại Lung Ngọc Hoàng” (Phụng Hiệp)… Đây là một tín hiệu mừng, thể hiện sự quan tâm, đầu tư của các đơn vị cho phong trào văn nghệ của đơn vị mình, đó cũng là mục đích chính của Ban Tổ chức liên hoan, ngoài tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa, còn tạo sự phát triển sâu rộng phong trào trong lực lượng cán bộ, chiến sĩ, tạo nên món ăn tinh thần không thể thiếu. Qua đó, tiếp tục khẳng định văn hóa - văn nghệ đang phát triển sâu rộng, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chỉ huy trong đơn vị mình.

Một điểm mới được liên hoan lần này thể hiện rõ nét là nỗi đau chiến tranh được khai thác nhẹ nhàng như để nhắc nhở những người hôm nay về cội nguồn dân tộc, về trách nhiệm với dân tộc trong thời đại mới. Các chương trình tập trung khai thác những dấu ấn của người lính trong nhịp sống hiện đại. Điều này làm cho các tiết mục vừa sôi động, vừa mang gam màu sáng, vui tươi, tiếp thêm sức mạnh để các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Văn Tính, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: “Đây là điều cần tiếp tục phát huy, góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú trong quân đội, xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ. Sau hội diễn này, các đơn vị cần nghiên cứu để tiếp tục tổ chức giao lưu trong lực lượng vũ trang, nhất là vào các dịp lễ, tết, để tiếp tục tạo không khí vui tươi, phấn khởi”…

Liên hoan đã khép lại với những phần thưởng xứng đáng dành cho các cá nhân, tập thể xuất sắc, nhưng dư vị của nó vẫn còn vang vọng, để những người hôm nay, nhất là các chiến sĩ thấy được trách nhiệm của mình để tiếp tục học tập, rèn luyện, xứng đáng là lớp kế thừa, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong nhịp sống hiện đại.

Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao cờ cho 6 đơn vị đạt giải nhất, nhì, ba ở hai khối cơ quan và huyện, thị, thành phố. Hai đơn vị đạt giải nhất ở hai khối này là Phòng Hậu cần và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vị Thủy. Ngoài ra, còn có 2 giải nhì, 2 giải ba dành cho tập thể, 9 giải tiết mục, 7 giải diễn viên và 3 giải dàn dựng xuất sắc đã được trao.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>