Văn hóa, thể thao và du lịch Hậu Giang: Không ngừng phát triển

24/01/2019 | 10:13 GMT+7

Hơn 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tựu chung của tỉnh.

Lãnh đạo Sở VH, TT&DL tặng hoa cho Ban Giám khảo Hội thi “Gia đình với văn hóa giao thông” tỉnh Hậu Giang năm 2018.

Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong các nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ khi phát động đến nay, phong trào này ở tỉnh đã góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh địa phương.

Nếu năm 2004, toàn tỉnh có 4,41% dân số đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt”; 87% tổng số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 280 ấp, khu vực đạt danh hiệu “Ấp, khu vực văn hóa” và 15 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu “Xã, phường, thị trấn văn hóa” thì đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 6,22% dân số đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt”; 90,85% tổng số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 506 ấp, khu vực đạt danh hiệu “Ấp, khu vực văn hóa” và 46 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Thời gian này, ngành cũng tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền 6 lần tổ chức thành công cuộc thi “Mô hình có cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đây là cách góp phần làm cho quê hương Hậu Giang ngày thêm văn minh, hiện đại - mô hình đầu tiên của cả nước được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL khen thưởng.

Ngoài ra còn có nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay được xây dựng và nhân rộng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phong trào này phát triển toàn diện, bền vững. Như mô hình “Đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà” với hiệu quả hoạt động là đã góp phần làm cho cảnh quan thêm đẹp, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giảm dần tai nạn giao thông về đêm; mô hình “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu” và mô hình “Tuyến dân cư thi đua yêu nước kiểu mẫu” cũng đang phát huy hiệu quả…

Nhiều kết quả nổi bật về thể dục, thể thao

Những năm qua, các hoạt động thể dục, thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển toàn diện và bền vững mà nền tảng là thể thao quần chúng. Cũng từ đây, nhiều vận động viên có chất lượng ở nhiều bộ môn khác nhau được phát hiện, lựa chọn kỹ càng và tiến hành huấn luyện, đào tạo. Sau đó, được tham gia thi đấu ở các giải thể thao để có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Đó là nhờ các đơn vị làm thể thao trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động “mỗi người chọn cho mình ít nhất 1 môn thể thao để tập luyện”. Đồng thời, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ TDTT, từng bước tập hợp ngày càng đông đảo những người đam mê tham gia.

Hiện số người tập luyện TDTT thường xuyên chiếm 31,46% dân số; số hộ gia đình thể thao chiếm 23,89% tổng số hộ và hơn 700 câu lạc bộ TDTT. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 sân TDTT các loại. 15 năm qua, thể thao thành tích cao đã đem về cho tỉnh nhà rất nhiều huy chương các loại ở những giải quốc tế, toàn quốc và khu vực.

Đáng chú ý, công tác xã hội hóa trên lĩnh vực thể thao có nhiều khởi sắc. Nổi bật là Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang tài trợ thường xuyên cho Đội tuyển bóng rổ Hậu Giang (một trong những đội bóng rổ hạng nhất cả nước nhiều năm liền); Liên đoàn Vovinam và quần vợt tỉnh tự vận động kinh phí tổ chức thành công các giải thi đấu cấp tỉnh, khu vực và quốc gia; Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ tài trợ các giải đấu của tỉnh, khu vực và toàn quốc…

Du lịch ngày càng mở rộng

Với những ưu đãi của thiên nhiên cũng như giao thông thuận lợi nên du lịch Hậu Giang ngày càng có bước phát triển, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.

Thời gian gần đây, Sở VH, TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh đưa Nghị quyết số 09 ngày 10/6/2014 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đi vào cuộc sống nên mang lại nhiều kết quả.

Đã hình thành nhiều nơi tham quan, mua sắm phục vụ khách du lịch như: Điểm du lịch tâm linh Thiền viện Trúc Lâm - Hậu Giang và cây lộc vừng - cây di sản Việt Nam; Vincom Plaza - Hậu Giang; điểm du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc; Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu.

Riêng dự án Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang đã hoàn thành giai đoạn cải tạo đất, cảnh quan, nạo vét lòng kênh, trồng cây ăn trái, đang trong giai đoạn xây dựng các khu chức năng và dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác.

Sở cũng đã quan tâm mời, hướng dẫn các đoàn khảo sát của các công ty lữ hành, các đơn vị báo chí đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch đến tham quan các điểm du lịch ở Hậu Giang (Di tích Chiến thắng Chương Thiện; vùng khóm Cầu Đúc; Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân; Chợ nổi Ngã Bảy...) để tìm kiếm, kết nối du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước...

Tiếp tục phát huy hiệu quả, ngành VHTT&DL tỉnh sẽ nỗ lực, phấn đấu vươn lên giành nhiều thành tựu lớn hơn nữa, tạo thế và lực mới trong hành trình xây dựng và phát triển ngành, đóng góp tích cực cho quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp…

Sở Văn hóa, Thông tin - Thể thao tỉnh Hậu Giang (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004 sau khi thực hiện việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.

Đến năm 2006, Sở được chia tách thành Sở Văn hóa - Thông tin và Sở Thể dục, Thể thao. Đến năm 2008, trên cơ sở chia tách, sáp nhập, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập.

 

Bài, ảnh: QUANG BÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>