Vợ chồng cùng đam mê âm nhạc dân tộc

13/03/2020 | 08:49 GMT+7

Tôi gặp vợ chồng nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng và Kim Loan từ 5 năm trước, dịp lớp tập huấn về đờn ca tài tử lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh. Đến bây giờ, đều đặn hàng năm, cả hai trở lại các lớp tập huấn để chia sẻ kiến thức cho các nghệ nhân tài tử, cùng góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc...

30 năm, đôi vợ chồng này đã song hành, dành toàn tâm cho âm nhạc dân tộc.

Dành gần trọn đời cho nhạc cụ dân tộc

Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời nhạc lễ ở Cần Đước, Long An, từ nhỏ đã được theo cha, chú và dượng tham dự nhiều chương trình, nghi thức. Thế nhưng, vì nghề này khổ nên ông nội ông không muốn cho cháu mình theo và hướng nhạc sĩ một con đường khác để thay đổi cuộc sống. Có lẽ, dòng máu nghệ thuật đã thấm sâu trong tâm hồn ông, nên mong muốn tiếp nối truyền thống của gia đình cứ lớn dần theo năm tháng. Bước đi đầu tiên là tập tành tập các bản đờn nhạc lễ do những người trong gia đình truyền dạy, để đi cùng với gia đình trong những dịp lễ lộc. Tố chất của ông thể hiện rất rõ, học rất nhanh trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sau đó, ông được tạo điều kiện để thi và đỗ vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).

Vào môi trường mới, được gặp gỡ những bạn bè cùng sở thích, được thầy cô giỏi truyền nghề, nên ông ngày càng thu thập cho mình nhiều kiến thức hay. Ông chia sẻ: “Các thầy cô ở trường biết tôi là con nhà nòi nên rất thương, chỉ bảo tận tình, nhưng tôi không vì thế mà ỷ lại. Tôi đã quyết tâm theo đuổi đến cùng ngành nhạc lễ - tài tử - cải lương, để kế thừa truyền thống của gia đình nói riêng, góp chút sức giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc”. Ông đã thạo bộ gõ, kèn, đờn cò, sến, đờn tam, đờn đoản…

Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, năm 1983 ông đã được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Từ đó, ông bắt đầu hành trình truyền nghề và thắp lửa tình yêu môn nhạc dân tộc cho nhiều thế hệ sinh viên. Cùng với đó, là tham gia tập huấn đờn nhạc cụ dân tộc cho những nơi có yêu cầu. Đó cũng là cơ duyên khiến ông gắn bó nhiều năm nay với Hậu Giang để truyền lại cho các nghệ nhân những bản đờn tài tử từ cơ bản đến nâng cao…

Tình yêu thăng hoa, song hành cùng âm nhạc

Nhắc đến nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, mà không kể về người đồng hành cùng ông, giảng viên Kim Loan, hiện là Trưởng Bộ môn Tài tử - Cải lương của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, sẽ là một thiếu sót lớn. Hai người đã gặp nhau ở sự đồng cảm, chia sẻ từ thời sinh viên. Tình yêu đến với họ qua những buổi tập đờn, ca, gắn kết và cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc. Sau hơn 30 năm song hành cùng nhau trên một chặng đường đầy gian khó, họ đã xây dựng mái ấm hạnh phúc, nuôi dạy hai con ăn học thành tài và đã xây dựng gia đình riêng. Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng chia sẻ, các con ông không nối nghiệp cha mẹ mà có hướng đi riêng, vợ chồng ông hoàn toàn ủng hộ, miễn sao các con theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình.

Chia sẻ về người vợ đồng cam cộng khổ, ông nói may mắn khi tìm được tình yêu lớn của cuộc đời. Tình yêu thời sinh viên cũng có những lúc giận hờn, rồi cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc bất đồng. Nhưng họ đã bớt chút cái tôi, cùng nhau vừa xây dựng mái ấm hạnh phúc, vừa song hành cùng âm nhạc dân tộc. Người đờn, người ca, cùng nắm chặt tay nhau đi suốt chặng đường dài, là minh chứng cho mối tình nghệ sĩ khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Chăm lo cho các con đã tròn, đôi vợ chồng nhạc sĩ toàn tâm cho công việc giảng dạy tại trường và truyền nghề ở những nơi cần mình. Có lẽ vì đó mà họ gắn bó với Hậu Giang nhiều năm qua, để bổ trợ những kiến thức về đờn, ca tài tử cho các nghệ nhân nơi đây. Chia sẻ về cách mà Hậu Giang tổ chức tập huấn, để phát huy đờn ca tài tử, nhạc sĩ nói rằng, đây là việc làm hết sức thiết thực, cung cấp cho từng thế hệ nghệ nhân những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, đủ để họ tiếp tục truyền nghề. Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng cho rằng: Hậu Giang nên có những buổi chuyên đề, hội thảo, liên hoan đờn ca tài tử hàng năm hoặc 2 năm một lần, để tìm ra cái được, chưa được mà tuyên truyền rộng rãi cho người dân và nghệ nhân; nên có chế độ đối với các nghệ nhân đã lớn tuổi và tạo điều kiện cho họ truyền nghề đến lực lượng kế thừa; tổ chức thường xuyên hơn những buổi giao lưu, sinh hoạt, biểu diễn và mở những lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho những người yêu thích đờn ca tài tử, trong đó chú trọng chăm bồi các hạt nhân trẻ…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích